An toàn giao thông

Lộ diện nhiều sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm

15:36, 21/06/2014 (GMT+7)
Sau một thời gian kiểm tra công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa tại 15 đơn vị đăng kiểm (đợt 1 năm 2014), hàng loạt tồn tại liên quan đến điều kiện hoạt động của Trung tâm đăng kiểm, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ, công tác quản lý, sử dụng cán bộ… đã được Thanh tra Bộ GTVT chỉ rõ. Điều này đặt ra nghi vấn, bấy lâu nay, liệu chất lượng các phương tiện chạy trên đường có thật sự an toàn, dù đã được cấp tem kiểm định?!
 
Đụng đâu sai đó!
 
Trao đổi với phóng viên, ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT chia sẻ, chỉ với hơn 1 tháng kiểm tra đột xuất tại 11 trung tâm đăng kiểm thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Bình, Nam Định, Thái Nguyên, Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh…đoàn đã phát hiện 8/11 (chiếm tỷ lệ 72%) trung tâm chưa đảm bảo đầy đủ điều kiện về diện tích xây dựng; nhà xưởng, bãi đỗ xe. Có tới 3 trung tâm như 1201S (Cao Bằng), 9701S (Bắc Kạn), 9801S (Bắc Giang) không có phương án phòng cháy chữa cháy.
 
Liên quan đến đăng kiểm viên, đoàn công tác cũng phát hiện một số đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ và Trung tâm đăng kiểm thực hiện kiểm định phương tiện không đúng, không đầy đủ nội dung, hạng mục, phương pháp kiểm định hoặc thực hiện không đúng quy trình nghiệp vụ, các quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan trong kiểm định.
 
Đăng kiểm viên nếu không chú tâm, sẽ rất dễ để lọt lỗi khi khám xe
Đăng kiểm viên nếu không chú tâm, sẽ rất dễ để lọt lỗi khi khám xe
Cụ thể, tại Trung tâm 1101S (Cao Bằng), đã để người không có nhiệm vụ vào xưởng kiểm tra phương tiện gây khó khăn cho đăng kiểm viên khi làm nhiệm vụ; thời gian thực hiện kiểm định đối với một số phương tiện ngắn, không hợp lý như ở trung tâm 1101S, 1201S (Lạng Sơn), 2001S (Thái Nguyên). Khi kiểm tra hồ sơ lưu trữ, đoàn công tác cũng chỉ rõ, tại một số trung tâm đã không lưu thiết kế hồ sơ cải tạo xe cơ giới; phiếu kiểm định không ghi rõ vị trí các chi tiết và bộ phận không đạt của phương tiện như trung tâm 1801S (Nam Định). Nghiêm trọng hơn, một số hồ sơ cấp giấy chứng nhận ATKT và BVMT xe cơ giới cải tạo thiếu chứng thực của cơ sở thi công, thiếu chữ ký của người thực hiện, không đóng dấu của Trung tâm đăng kiểm (Trung tâm 3501S, 9001S, 9701S,  9801S, 9902S). Một số hồ sơ xe cải tạo do Sở Giao thông vận tải cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế có chiều cao kích thước lòng thùng hàng sau cải tạo lớn hơn so với kích thước lòng thùng hàng của xe trước cải tạo, có trường hợp lớn hơn hoặc bằng 1.0m (Trung tâm 1101S Trung tâm 9701S); và thực hiện kiểm định phương tiện vượt quá số lượng quy định trên 01 dây chuyền kiểm định, không bảo đảm việc kiểm định phương tiện với số lượng thực tế theo quy định.
 
Đối với đăng kiểm viên, qua kiểm tra, thanh tra Bộ GTVT cũng đã phát hiện nhiều người đã không ký nhận thực hiện nhiệm vụ kiểm định; không ký hồ sơ, phiếu kiểm định; không ghi kết luận kiểm định tại phiếu theo dõi hồ sơ hoặc ký phiếu kiểm định khi kết quả kiểm định in ra trước khi phương tiện vào kiểm định; ký kết luận, phiếu kiểm định khi không được phân công nhiệm vụ như Vũ Ngọc Khu, Hoàng Văn Thành, Lương Văn Anh (Trung tâm 1101S); Lê Kế Phong, Đỗ Tiến Đồng (Trung tâm 2001S); Nguyễn Đình Phong (Trung tâm 1801S); Trần Văn Bình (Trung tâm 9001S); Nguyễn Xuân Ngọc (Trung tâm 1701S). Ngoài ra, tại 11 trung tâm đăng kiểm có tới 9 đăng kiểm viên thực hiện kiểm định để hồ sơ còn nhiều sai sót như ảnh phương tiện mờ, ảnh không thể hiện thời gian phương tiện ra, vào dây chuyền kiểm định, không rõ biển số hoặc không có ảnh phương tiện...
 
Từ cán bộ đến trung tâm đăng kiểm: Sai đến đâu, xử phạt đến đó
 
Trước hàng loạt sai phạm, đoàn thanh tra cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đối với 20 đăng kiểm viên và 01 nhân viên nghiệp vụ của 09/15 (60%) Trung tâm, đơn vị đăng kiểm trên địa bàn vi phạm do không tuân thủ đúng quy định tại các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan trong kiểm định. Kiên quyết không để người dân mất niềm tin vào công tác đăng kiểm, lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho hay, sẽ kiểm điểm trách nhiệm đối với 10 đăng kiểm viên thuộc đơn vị do có sai phạm trong hoạt động đăng kiểm; đình chỉ hoạt động của Trung tâm 1101S (Cao Bằng).
 
Đối với Trung tâm 1801S (Nam Định) thì khẩn trương bổ sung dây chuyền kiểm định và sớm xây dựng, đưa vào hoạt động Trung tâm mới để đáp ứng nhu cầu kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ tại địa phương; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan có biện pháp để chủ phương tiện thủy nội địa thực hiện kiểm định theo quy định.
 
Với Trung tâm 1701S, phải thực hiện tiếp nhận hồ sơ nghiệm thu cấp giấy chứng nhận ATKT và BVMT xe cơ giới cải tạo cần yêu cầu đơn vị thi công sao lưu, đóng dấu chứng thực đầy đủ giấy đăng ký xe và các giấy tờ có liên quan đến phương tiện cải tạo; trang bị mới camera IP bảo đảm tiêu chuẩn thay thế camera hiện đang sử dụng chụp ảnh phương tiện vào kiểm định. 
 
Bộ GTVT còn yêu cầu Sở GTVT Bắc Kạn cảnh cáo đối với Trung tâm Đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải Bắc Kạn do đã sử dụng đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa không đủ điều kiện theo quy định; kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân có sai phạm; Sở Giao thông vận tải Ninh Bình cảnh cáo đối với Ban Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa Ninh Bình do có sai phạm trong hoạt động đăng kiểm...
 
Ngoài các Sở, Bộ GTVT cũng thẳng thắn chỉ rõ, Cục Đăng kiểm Việt Nam phải thành lập bộ phận chuyên trách thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định tại các Trung tâm đăng kiểm qua hình ảnh trực tiếp truyền về từ hệ thống camera để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát bằng hình thức này.
 

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác