Pháp luật
"Nóng" tình trạng trộm đột nhập công sở
(Congannghean.vn)-Chỉ trong mấy tháng đầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh Nghệ An liên tiếp xảy ra các vụ đột nhập các cơ quan Nhà nước để trộm tài sản, trong đó tài sản mất cắp có giá trị hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Bọn đạo chích rất tinh vi, liều lĩnh và táo tợn khi lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của các công sở trong các giờ nghỉ, ngày nghỉ hay lợi dụng buổi trưa, đêm tối đột nhập phá khóa rồi khua khoắng tài sản, đem đi tiêu thụ.
Vào hồi 1 giờ ngày 21/5, lợi dụng sơ hở công sở không có người trông coi, kẻ gian đã đột nhập phá khóa cửa phòng làm việc của ông Kha Văn Thành, Chánh án TAND huyện Kỳ Sơn trộm 3 điện thoại di động, tổng trị giá khoảng 12 triệu đồng. Nhận được tin báo, Công an huyện Kỳ Sơn đã tiến hành truy xét, xác minh. Đến 13 giờ cùng ngày, điều tra làm rõ và bắt gọn đối tượng Lô Văn Quang (SN 1996) trú tại bản Kẹo Lực 3, xã Phà Đánh, thu toàn bộ tang vật trả lại cho bị hại.
Trước đó 1 ngày, tức vào khoảng 6 giờ 30 phút ngày 20/5, bảo vệ cơ quan UBND huyện Tân Kỳ phát hiện tại 3 phòng làm việc gồm Phòng Thanh tra, Phòng Hành chính và Phòng Công thương bị kẻ gian phá khóa đột nhập lấy trộm 4 máy tính xách tay trị giá khoảng 40 triệu đồng.
Đó là một vài vụ trộm mà bọn đạo chích ngang nhiên đột nhập vào cơ quan Nhà nước thời gian qua, gây hoang mang, bức xúc đối với cán bộ công nhân viên cũng như nhân dân trên địa bàn. Trên thực tế, để ngăn ngừa tình trạng trộm cắp xảy ra, ngành Công an đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan Nhà nước tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật cũng như phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm để mọi người chủ động phòng ngừa và tích cực tố giác tội phạm.
Tuy nhiên, công tác phòng ngừa trộm cắp ở nhiều cơ quan còn chưa tốt, tạo điều kiện cho kẻ gian đột nhập trộm tài sản. Thủ đoạn mà các đối tượng gây án là thường chọn thời điểm ban đêm sau 0 giờ hay ngoài giờ hành chính không có người làm việc; hoặc lợi dụng lực lượng bảo vệ tại các cơ quan Nhà nước còn mỏng hoặc sơ hở, thiếu cảnh giác để thực hiện hành vi trộm cắp. Có nhiều kẻ trộm sau khi gây án còn có đủ thời gian để ngủ tại hiện trường một giấc ngon lành.
Bên cạnh nguyên nhân xuất phát từ lực lượng bảo vệ còn mỏng và nhiều lúc thiếu cảnh giác, công tác bảo vệ còn mang tính hình thức thì còn một số nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng trộm đột nhập công sở. Trước hết, đó là do ý thức bảo vệ tài sản của một số cán bộ, nhân viên còn chưa cao; hệ thống kiến trúc của cơ quan còn sơ sài, tường rào thấp, hệ thống camera theo dõi còn thiếu, không đủ bao quát hết tất cả các khu vực trong cơ quan.
Không chỉ vậy, cửa ra vào cơ quan hay các cửa phòng làm việc còn lỏng lẻo, nhất là các cửa phòng làm việc được cấu tạo bằng kính, hay khóa bấm. Vì thế, các đối tượng chỉ cần đấm vỡ 1 lỗ cửa kính là có thể thò tay vào mở chốt cửa, hoặc có vụ đột nhập từ cửa sổ đằng sau vào phòng và có thể mở cửa (chốt bấm) đi ra các phòng khác.
Nạn trộm đột nhập công sở hiện nay đã gióng lên hồi chuông báo động về ý thức của người dân trong việc bảo quản tài sản của cá nhân và cơ quan làm việc. Trước tình trạng đó, bên cạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm của lực lượng Công an thì các cá nhân và tập thể các cơ quan Nhà nước cần nâng cao tinh thần cảnh giác với loại đối tượng trộm cắp, coi công sở như nhà mình cần bảo vệ; tuyệt đối không để tài sản lớn tại cơ quan và trước khi rời công sở phải đảm bảo khóa tủ, chốt cửa cẩn thận.
Bên cạnh đó, các cơ quan cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh cơ sở đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, đầu tư những biện pháp kỹ thuật trong công tác bảo vệ cũng như nâng cao trách nhiệm của đội ngũ bảo vệ; tăng cường quản lý, theo dõi chặt chẽ các đối tượng lạ mặt đến liên hệ làm việc nhằm phát hiện sớm những sơ hở trong công tác phòng ngừa trộm cắp. Khi phát hiện đối tượng có biểu hiện nghi vấn, cần nhanh chóng báo cáo đến cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời bắt giữ, xử lý tội phạm.
Hằng Nga - Lê Hoa