Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan gây thiệt hại cho người nông dân đã được nhắc đến hàng chục năm trở lại đây, nhưng chưa có cách nào xử lý triệt để. Trong khi những đối tượng làm giả được trang bị ngày càng tốt hơn, tinh vi hơn, thì các công cụ quản lý lại lỗi thời và nhiều lỗ hổng.
Cục Quản lý thị trường (QLTT) nhận định: Thời gian qua, vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón như phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp cả về qui mô, tính chất, địa bàn, đối tượng; đặc biệt nổi lên là phân bón kém chất lượng.
Trao đổi với PV, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục QLTT cho biết: Năm 2013, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lấy 11 mẫu sản phẩm phân bón kiểm tra ở 3 tỉnh thì có tới 51,3% mẫu không đạt yêu cầu về một hoặc một số chỉ tiêu chất lượng so với công bố trên nhãn. Miền Trung tiêu thụ phân bón không nhiều bằng một số địa bàn khác nhưng việc kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn diễn ra. “Phân bón Đầu Trâu” của Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền bị làm giả trên địa bàn một số tỉnh duyên hải miền Trung, như: Bình Định, Phú Yên, gây bức xúc dư luận...
Trước tình hình đó, Cục QLTT đã chỉ đạo Chi cục QLTT 7 tỉnh duyên hải miền Trung xây dựng Kế hoạch triển khai ngay đợt cao điểm kiểm tra trong vòng 2 tháng. Tuy nhiên, qua gần 1 tháng đầu triển khai, kết quả phát hiện không nhiều, đặc biệt chưa phát hiện vi phạm về kinh doanh phân bón nhập lậu, phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Trong tổng số 23 vụ vi phạm bị phát hiện chủ yếu là về nhãn, ngoài ra còn có vi phạm về kinh doanh không đúng mặt hàng ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, sử dụng cân có tem kiểm định hết hạn... Số vi phạm này đã bị xử lý với số tiền phạt hết sức khiêm tốn: hơn 13,9 triệu đồng.
Phân bón Đầu Trâu - một sản phẩm bị làm giả khiến bà con nông dân bức xúc |
Tính cả quý I năm nay, lực lượng QLTT cả nước đã xử lý 88 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 1,26 tỷ đồng, tịch thu 88.642kg, 153 lọ, chai, trị giá hơn 183 triệu đồng, với các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng; phân bón quá hạn sử dụng, không thuộc danh mục được phép kinh doanh; phân bón nhập lậu. Trong năm 2013, 1.483 vụ vi phạm cũng đã bị xử lý (tăng 31% so với năm 2012), phạt hành chính 14,5 tỷ đồng, tịch thu hơn 813,8 tấn, 11.830 gói và 1.165 chai phân bón các loại.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận tình trạng xử phạt cứ xử phạt, vi phạm vẫn diễn ra, thậm chí tinh vi và phức tạp hơn. Ông Đỗ Thanh Lam cho rằng, đang tồn tại một số khó khăn, đồng thời là nguyên nhân chủ yếu cần giải quyết. Đó là hệ thống pháp luật còn chưa hoàn chỉnh, dễ bị lợi dụng. Tại địa phương, việc phân công trách nhiệm chủ trì tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm còn chồng chéo; việc quản lý cấp giấy phép kinh doanh ở một số nơi chưa tốt, dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị nhỏ lẻ, cơ sở vật chất không đảm bảo, không có hoặc thiếu cán bộ chuyên môn cũng được hoạt động.
Trong khi đó, việc kiểm tra, kiểm soát chỉ mới dừng lại ở kiểm tra điều kiện kinh doanh, nguồn gốc của phân bón nhập khẩu mà chưa chú trọng đi sâu vào kiểm tra chất lượng. Phân bón giả không thể nhận biết bằng mắt thường, phải qua kiểm định, nhưng do thiếu kinh phí, thời gian giám định kéo dài, không xử lý được kịp thời. Số cơ sở sản xuất quá nhiều, việc cấp phép dễ dàng, trong khi lực lượng kiểm tra lại mỏng, thiếu kinh nghiệm, thiếu phương tiện, số cán bộ được cấp chứng chỉ lấy mẫu phân bón còn ít... đã dẫn đến tình trạng cơ quan chức năng bở hơi tai chạy theo vi phạm. Các đối tượng vi phạm dễ tái phạm, có thái độ không chấp hành các quyết định xử phạt hoặc trốn tránh dẫn đến nhiều vụ vi phạm bị kéo dài, hết hiệu lực xử lý. Cùng với đó, phân bón là loại hàng hóa đặc thù, đã sử dụng bón cho cây trồng thì không thể thu hồi lại được, do vậy rất khó chứng minh thiệt hại để làm căn cứ xử lý.
Cục QLTT cho rằng: Kiến thức về phân bón của người tiêu dùng còn hạn chế, chưa hiểu rõ ý nghĩa các ký hiệu trên bao bì sản phẩm nên dễ hiểu sai về tiêu chuẩn chất lượng, chủng loại phân bón; mua phân bón không có hóa đơn, không giữ lại vỏ bao nên thiếu chứng cứ để truy xét khi cần khiếu nại, tố cáo vi phạm. Một vài doanh nghiệp sản xuất lại có thái độ “sống chết mặc bay”, thiếu nhiệt tình hợp tác với cơ quan chức năng để xác định hàng giả vì sợ ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu. Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đều thực hiện phương thức mua đứt, bán đoạn, chứ không tổ chức hệ thống phân phối; chất lượng phân bón lại do nhà sản xuất công bố nên chính doanh nghiệp kinh doanh cũng không biết được thực chất chất lượng tiêu chuẩn sản phẩm.
Trong số những khó khăn trên, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là ở kiểm soát các doanh nghiệp sản xuất chưa nghiêm, còn để tình trạng doanh nghiệp thiếu năng lực cũng tự do tổ chức sản xuất, phối trộn, tự công bố chất lượng và bán đến người tiêu dùng. Nếu không quản lý được đầu ra của sản phẩm thì lực lượng chức năng cứ “bơi” ra xử phạt (với nhiều mức phạt hành chính rất nhẹ), vi phạm vẫn cứ tràn lan.
.