Chỉ sau một tháng triển khai biện pháp kiểm tra đột xuất điều kiện đảm bảo chất lượng của các trung tâm đăng kiểm, hàng loạt sai phạm đã được lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam phát hiện và chấn chỉnh. Ngoài ra, kiểm tra tại 34 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trên toàn quốc, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã phát hiện 27 đơn vị không đạt yêu cầu và hầu hết đều có 3 - 4 lỗi trở lên, trong đó đáng lưu ý, một số đơn vị xuất xưởng xe không đúng như thiết kế đã được phê duyệt.
Từ thực trạng này, có thể thấy rằng, nếu cơ quan chức năng thực sự vào cuộc thì không khó gì để phát hiện ra những sai phạm, điều mà trước đó chưa được chú trọng.
Bỏ qua nhiều lỗi khi kiểm định xe
Ngày 21/4, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Cương, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, đoàn thanh kiểm tra của Cục đã thanh tra đột xuất được hơn 30 trung tâm đăng kiểm trên cả nước, gồm cả các đơn vị đăng kiểm trực thuộc Cục, Sở Giao thông Vận tải các địa phương và đơn vị đăng kiểm hoạt động theo hình thức xã hội hóa, với nội dung kiểm tra bao gồm hồ sơ của phương tiện và việc thực hiện quy trình đăng kiểm của đăng kiểm viên.
Qua đợt kiểm tra cho thấy, các hành vi sai phạm chủ yếu là đăng kiểm viên dán tem chứng nhận cho xe tải có thùng hàng vượt kích cỡ quy định, bỏ qua lỗi thùng hàng còn dấu vết của việc cơi nới thùng (vết cắt nham nhở, chưa mài nhẵn, sơn lại; có cọc chờ để có thể nới thành xe sau khi đã đăng kiểm), bánh xe không đúng kích cỡ. Đối với xe khách cũng có nhiều hạng mục không đạt yêu cầu nhưng vẫn được đăng kiểm viên bỏ qua, như: hàng ghế đầu không có dây an toàn, đèn, còi tín hiệu không hoạt động đầy đủ; thừa hoặc thiếu ghế ngồi, giường nằm...
Đăng kiểm viên đang tiến hành khám xe |
Đề cập đến việc xử lý tiêu cực, vị lãnh đạo trên cho hay, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã lập đường dây nóng và đã tiếp nhận được những phản hồi từ chủ xe, phản ánh hiện tượng đăng kiểm viên “vòi” tiền là có cơ sở, nhưng để phát hiện được hành vi này thì chưa thực hiện được. Đến giờ, chưa có đăng kiểm viên nào bị bắt quả tang và bị xử lý.
Nhiều ôtô sản xuất trong nước sai thiết kế
Cũng trong thời gian trên, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã tiến hành kiểm tra đột xuất điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở sản xuất, lắp ráp phương tiện. Qua đó, kiểm tra tại 37 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe cơ giới trên toàn quốc, từng doanh nghiệp và từng lỗi cụ thể đã được đoàn công tác chỉ ra. Trong đó đáng lưu ý, một số đơn vị xuất xưởng xe không đúng như thiết kế đã được phê duyệt (không đúng kết cấu khung xương, sàn, thùng hàng, vật liệu sử dụng), đăng ký tự sản xuất thùng hàng nhưng thực tế thuê nơi khác làm, xe sản xuất không đúng địa chỉ xuất xưởng; xe chưa lắp ráp xong đã xin phôi phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng…
Cũng qua thanh tra, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời nhiều trường hợp có dấu hiệu “lách luật” khi nhập khẩu xe ôtô, nhất là xe tải thùng, xe đầu kéo vi phạm nhập xe có thùng hàng đóng sẵn vượt quá tiêu chuẩn trong nước hoặc thùng hàng có kết cấu dễ chở để tăng thể tích, sai khác thông số kỹ thuật giữa các xe trong cùng một lô, giữa kiểm tra thực tế, với công bố của nhà sản xuất… đều được đăng kiểm viên lập biên bản, yêu cầu thử nghiệm chất lượng kỹ thuật phương tiện trước khi cấp giấy chứng nhận.
“Trong số 16 doanh nghiệp bị Cục Đăng kiểm Việt Nam cảnh báo, nhắc nhở về dấu hiệu vi phạm, có hai trường hợp là Công ty cổ phần Thịnh Cường và Công ty TNHH Khánh Vy bị buộc phải tái xuất hai lô xe (14 chiếc) do vi phạm tiêu chuẩn chất lượng”, ông Nguyễn Tô An, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay.
“Hiện, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã áp dụng hình thức giám sát trực tiếp 17 doanh nghiệp kiểm tra chặt chẽ chất lượng các phương tiện xuất xưởng, để không lọt ra thị trường những chiếc xe sai lệch so với thiết kế”, ông An khẳng định. Ngoài ra, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng yêu cầu doanh nghiệp triệu hồi các xe đã sản xuất mà không đúng với kiểu loại đã được Cục kiểm tra và cấp giấy chứng nhận.
.