Lợi dụng chính sách ưu đãi thuế trong hoạt động xuất khẩu (XK), nhiều doanh nghiệp (DN) đã sử dụng các chiêu gian lận để XK khống, nhằm chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước. Một trong những nhóm hàng mà các đối tượng thường chọn để khai khống XK là hàng có giá trị cao, hoặc hàng “gánh” thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) để được hưởng “lợi kép”: Vừa trốn được thuế TTĐB vừa chiếm đoạt thêm tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).
Thủ đoạn xuất hàng khống
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục “phá” nhiều vụ XK gian lận, hàng hóa thực xuất có giá trị thấp hơn rất nhiều lần so với tờ khai hải quan, thậm chí nhiều DN còn xuất cả... container rỗng (không chứa hàng hóa). Bởi vì, với những mặt hàng chịu thuế TTĐB, nếu tiêu thụ trong nước thì DN sản xuất phải đóng thuế TTĐB và đóng thuế VAT (10%). Nhưng nếu XK thì những mặt hàng này DN không phải đóng số tiền này mà trái lại còn được hoàn thuế VAT. (thuế TTĐB thuốc lá 65%; bia 50%; rượu 50% (trên 20 độ) và 25% dưới 20 độ...). Vi vậy, để chiếm đoạt tiền thuế khổng lồ này, các đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi đến mức XK khống trong nhiều năm liền, nhưng không bị cơ quan chức năng phát hiện.
Liên quan đến mặt hàng chịu thuế TTĐB là thuốc lá điếu, cơ quan CSĐT Công an TP.Hồ Chí Minh cho biết, hiện đang mở rộng điều tra một vụ buôn lậu có tính chất phức tạp với quy mô lớn và các “chân rết” được cài đặt không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài. Đến nay, đã có 9 đối tượng trong “đường dây” đã bị cơ quan CSĐT khởi tố. Vụ việc bị phát hiện khi đơn vị đứng tên XK là Công ty cổ phần Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn (Công ty TPCN Sài Gòn) khai trên tờ khai hải quan là xuất 2 container (40 feet) thuốc lá điếu, số lượng 3.000 thùng (50 cây/thùng), trị giá lô hàng 23,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thấy có dấu hiệu nghi vấn, cơ quan Hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa trong 2 container này thì phát hiện 20 tấn gạo, trị giá chỉ có 190 triệu đồng. Như vậy, nếu lô hàng này không bị phát hiện kịp thời và được xuất đi trót lọt thì Công ty TPCN Sài Gòn sẽ trục lợi được hơn 2,3 tỷ đồng tiền hoàn thuế VAT.
Các đối tượng cầm đầu đường dây XK khống thuốc lá sang Campuchia bị cơ quan CSĐT bắt tạm giam |
Không chỉ riêng lô hàng này mà được biết, Công ty TPCN Sài Gòn có hoạt động XK mặt hàng thuốc lá điếu từ tháng 5/2011, nơi nhập hàng là Công ty B.Lue C.T (tại Campuchia). Cơ quan CSĐT tiến hành thực nghiệm, xác định 1 container (40 feet) chỉ chất được 1.029 thùng thuốc lá. Như vậy, từ tháng 5/2011 – 9/2013 (thời điểm bị phát hiện), thì trên tất cả các hồ sơ của Công ty TPCN Sài Gòn ghi XK 1.500 thùng thuốc lá/container (40 feet) là không đúng thực tế. Cơ quan CSĐT cũng xác định từ tháng 5/2011 – 11/2012, Công ty TPCN Sài Gòn đã thực hiện 15 hợp đồng ngoại thương, sử dụng 15 bộ tờ khai hải quan để XK khống thuốc lá điếu, chiếm đoạt tiền hoàn thuế hơn 80,3 tỷ đồng.
Để thiết lập “đường dây” XK khống, các đối tượng thuê người Campuchia đứng tên thành lập Công ty Blue CT, sau đó phân công trách nhiệm: Công ty TNHH Lâm Kim Ngọc (Hứa Châu làm Giám đốc) là đơn vị bán thuốc lá cho Công ty TPCN Sài Gòn để XK. Nhằm che đậy các hợp đồng giả tạo, Hứa Châu chuyển tiền vào tài khoản công ty “ma” Blue CT tại Ngân hàng Sacombank. Rồi từ tài khoản của Công ty Blue CT, Trần Thị Bích Tuyền (làm đại diện) chuyển tiếp số tiền này cho Công ty TPCN Sài Gòn (danh nghĩa là thanh toán tiền hàng XK). Tiếp đó, Công ty TPCN Sài Gòn chuyển ngược số tiền này lại cho Công ty TNHH Lâm Kim Ngọc (danh nghĩa là thanh toán tiền mua hàng).
Như vậy, tiền của Công ty TNHH Lâm Kim Ngọc bỏ ra để chuyển lòng vòng, cuối cùng cũng trở về với chủ. Xác minh tài khoản của công ty “ma” Blue CT mở tại Ngân hàng Sacombank, cán bộ ngân hàng xác định: Hứa Châu đã 179 lần đến ngân hàng sử dụng nhiều tên cá nhân khác nhau nộp vào tài khoản công ty hơn 777,8 tỷ đồng.
Nhận biết DN có rủi ro cao về thuế
Không chỉ các mặt hàng chịu thuế TTĐB, trong thời gian qua nhiều DN đã tạo dựng những bộ hồ sơ giả XK với mặt hàng như: tivi, ĐTDĐ, nông, lâm, thủy hải sản... để chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Liên quan đến việc tiền thuế Nhà nước bị chiếm đoạt, trong Công văn số 7527 của Bộ Tài chính về việc “tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các DN có dấu hiệu rủi ro cao về thuế”, Bộ Tài chính cũng xác định, hiện tượng DN thành lập với mục đích mua bán hoá đơn để chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước diễn ra hầu hết ở các địa phương trên cả nước.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính yêu cầu các Cục Thuế phân loại DN rủi ro cao về thuế với các dấu hiệu sau: Các DN mới thành lập đăng ký kinh doanh đa ngành nghề nhưng số vốn đăng ký thấp; Các DN có quy mô kinh doanh bất hợp lý (quy mô kinh doanh cao gấp nhiều lần so với vốn chủ sở hữu); Các DN có giao dịch qua ngân hàng đáng ngờ... đồng thời tăng cường quản lý thuế đối với các DN này. Tổ chức kiểm tra trước khi hoàn thuế VAT đối với các trường hợp sử dụng hóa đơn của các DN có dấu hiệu rủi ro cao về thuế.
Theo đánh giá của Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn KV1 (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh), trong năm 2013, chi cục đã phát hiện, xử lý 146 vụ gian lận thương mại với rất nhiều thủ đoạn. Đáng lưu ý, hình thức phổ biến hiện nay là gian lận qua giá. Một số DNXK khoáng sản và phế liệu thường khai giá thấp nhiều lần so với thực tế, vì thuế suất XK các mặt hàng này cao với mục đích là nộp thuế cho Nhà nước ít hơn.
.