Người vi phạm an toàn giao thông có thể nộp phạt trực tiếp cho người ra quyết định xử phạt, tránh việc phải đi lại nhiều lần mới nộp được tiền và nhận lại giấy phép lái xe.
Bộ Công an vừa đưa ra dự thảo lần 1 thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 171/2013 - Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 để lấy ý kiến người dân.
Tránh phiền hà
Điểm đáng chú ý trong dự thảo là việc cho phép tổ chức, cá nhân vi phạm có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt. Việc quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt thực hiện theo quy định tại Chương 3 của Thông tư 153/2013 do Bộ Tài chính ban hành - Quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách Nhà nước đảm bảo hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính. Một thành viên ban soạn thảo cho biết, việc yêu cầu bắt buộc nộp phạt qua Kho bạc Nhà nước thời gian qua có một số bất cập. Vì người vi phạm không được nộp phạt tại chỗ nên CSGT chỉ được lập biên bản, tạm giữ giấy tờ và chờ họ nộp tại kho bạc rồi mới giải quyết các thủ tục liên quan.
Sau khi nộp phạt 5 - 7 ngày, người vi phạm mới tới trụ sở Đội CSGT hoặc cơ quan ra quyết định xử phạt để lấy lịch hẹn trả giấy tờ, nhiều khi tới nhưng không gặp được cán bộ. Điều này tác động không nhỏ tới tâm lý của nhiều người điều khiển phương tiện nên khi bị CSGT yêu cầu dừng xe, họ đã bỏ trốn hoặc chống đối. Hơn nữa, quy định về việc không cho nộp phạt tiền trực tiếp còn tạo điều kiện cho người thi hành công vụ nhũng nhiễu. Theo một lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Hà Nội, việc cho phép người vi phạm nộp phạt trực tiếp cho người ra quyết định thông qua hóa đơn, biên lai là hợp lý. Thực tế, nhiều trường hợp vi phạm phải giữ giấy tờ, lưu xe kho bãi thì sau một thời gian, số tiền người vi phạm phải trả cho việc trông giữ xe quá lớn nên họ bỏ phương tiện luôn.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia giao thông, việc cho phép nộp phạt trực tiếp dù tránh phiền hà cho người vi phạm nhưng nếu không kiểm soát, giám sát chặt chẽ thì dễ phát sinh tiêu cực trong lực lượng thực thi công vụ.
Ảnh minh họa |
Hạn chế tạm giữ xe
Theo ông Nguyễn Văn Thuấn - Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông Bộ Giao thông Vận tải (cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo), quy định mới hạn chế tạm giữ phương tiện và thời gian giữ xe và nằm trong mục đích hạn chế sự phiền hà, không gây áp lực lên các cơ sở trông giữ phương tiện. Dự thảo hướng dẫn việc tạm giữ phương tiện chỉ thực hiện trong trường hợp cần thiết và thời hạn tạm giữ là 7 ngày, có thể kéo dài khi vụ việc phức tạp, cần xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày. Chủ sở hữu phương tiện vi phạm phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng điều khiển phương tiện. Chủ ôtô vi phạm nếu không biết người điều khiển thì cơ quan chức năng khi có đủ căn cứ sẽ lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt đối với chủ phương tiện về hành vi: “Sử dụng lái xe để tham gia kinh doanh vận tải bằng ôtô mà không có hợp đồng lao động theo quy định”.
Chậm nộp phạt, phải nộp thêm tiền
Dự thảo quy định trường hợp quá 10 ngày (kể từ khi nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính) mà cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chưa nộp tiền phạt thì bị cưỡng chế thi hành. Cứ mỗi ngày chậm nộp phạt phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định của Nhà nước và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp phạt).