Quá khứ đầy tăm tối
Nhắc đến Trần Văn Thành quê ở Xuân Lam, Nghi Xuân, Hà Tĩnh nhiều bà con bên chân núi Hồng sông Lam đều lắc đầu ngao ngán: "Thuở nhỏ, Thành chẳng khác gì “Năm Cam” đâu, nhưng người ta nói "quay đầu là bờ", do đó Thành chỉ khác những giang hồ nổi tiếng khác ở chỗ là đã biết dừng lại khi chưa muộn để làm lại cuộc đời từ một con số 0 tròn trĩnh".
Gia đình nghèo, đất đai lại ít, học hành chẳng ra cơm cháo gì, nhà lại ở ngay Quốc lộ 1A, nơi có rất nhiều thành phần thích đua đòi, lang thang, nên Thành dễ dàng bị lôi cuốn vào vòng xoáy hư hỏng. Năm 14 tuổi, trong lúc nhiều đứa bạn cùng trang lứa đang miệt mài đèn sách để tìm kiếm một tương lai tươi sáng mong thoát cảnh bần cùng thì Thành lại bỏ nhà đi bụi. 4 năm “chinh chiến” hết nơi này đến nơi khác, Thành đã nếm không biết bao nhiêu cay đắng cuộc đời.
Người đi đường thắp hương những nạn nhân xấu số tại ngôi miếu
do anh Thành xây dựng
do anh Thành xây dựng
Với Thành, những ngày trộm cắp bị bắt, bị đánh đập, những cơn say, những đêm mưa phải nằm gầm cầu xó chợ, thậm chí có tuần phải ăn cháo cầm hơi, những trận đánh lộn gây mất trật tự công cộng đầy nguy hiểm hay phút hiếm hoi một mình cô đơn tại đất khách quê người nhớ về gia đình... là những kỷ niệm không bao giờ quên được trong đời.
Mãi đến lúc 18 tuổi, sau nhiều năm phiêu bạt, dò hỏi tin tức và cất công tìm kiếm, gia đình đã đưa được Thành về quê chuẩn bị cho anh lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Và đây cũng là mong muốn của bố mẹ anh, cho Thành đi quân đội sẽ rèn luyện được đức tính. Nhưng không ngờ sau khi xuất ngũ, về quê Thành lại "ngựa quen đường cũ".
Ban ngày, Thành say sưa với rượu chè, cờ bạc, đánh lộn..., buổi tối, trên quãng đường vắng, Thành cùng nhóm bạn bất hảo tổ chức đột nhập lên xe tải cắt hàng thả xuống đường. Những phi vụ của Thành cứ thế dày lên, số tiền trộm được trong những chuyến "ăn bay" trên Quốc lộ 1A được Thành nướng hết vào đỏ đen. Khi đã "tay không trắng tay", Thành lại tiếp tục cuộc hành trình trộm cắp hàng hoá trên những chuyến xe tải đường dài. Không chỉ trộm cắp, Thành còn tổ chức đánh bạc, đánh lộn và nghĩ ra nhiều trò "đỏ đen" ly kỳ để chiếm đoạt tài sản của người khác. Vì vậy, tội lỗi cứ ngày một chồng chất và điều gì đến đã đến, Thành bị bắt đi tù 3 lần và đến năm 2006, sau khi ra tù lần thứ 3, Thành bắt đầu tỉnh giấc sau cơn "ngủ đông" quá dài.
Mở quán cơm và lập miếu thờ phụng người quá cố
Nhà ở ngay Quốc lộ 1A, nên anh thường xuyên chứng kiến cảnh tai nạn
giao thông thảm khốc như cơm bữa. Nhất là tại “cung đường tử thần” nơi eo núi Hồng, nhiều vụ tai nạn hi hữu và vô cùng “bí ẩn” cứ xảy ra liên tiếp mà không rõ nguyên nhân.
Cho đến năm 2010, sau vụ tai nạn kinh hoàng làm 17 người bị thương và 20 người chết ở đây, thì anh đã phải thốt lên: “Tôi nghĩ chuyện tai nạn giao thông liên tục xảy ra ở đây có phải do ma ám không, tất nhiên một phần là do mặt đường thẳng nên tài xế chạy với tốc độ cao đến đoạn này phải ôm cua nên có lẽ xử lý không kịp dẫn đến mất lái. Nghĩ cảnh những người “xấu số” cứ ngày một nhiều, bỏ mạng ở đây mà ít có người đến thăm viếng, thế là tôi bàn bạc với vợ con, sự giúp đỡ của người đi đường để xây một ngôi miếu gần 35 triệu đồng”. Người chết đã khổ, người sống đến đây thắp hương, cúng viếng còn phải khổ gấp bội lần, thế là anh nung nấu ý định lập miếu, trồng cây đa, hàng ngày thay chén nước, bình hoa, bật loa để cầu siêu cho những người xấu số được siêu thoát.
Lập miếu thờ cúng người xấu số bị tai nạn giao thông, anh lại vay ngân hàng, vay bạn bè, hàng xóm để mở một quán cơm mang tên Thuỷ Thành mọc lên ngay chân núi Hồng ở Quốc lộ 1A. Bản tính nhanh nhẹn, phong trần lại có tài nấu ăn thiên phú, nên quán ăn ngày một đông khách. Khách hàng ở đây là người đi đường, cánh tài xế xe khách, xe tải đường dài được gia đình anh phục vụ ân cần, chu đáo.
Tiền bạc làm ra bằng mồ hôi nước mắt, anh đầu tư cho cô con gái năm nay đang chuẩn bị thi vào ngành Công an. Số còn lại anh chắt chiu dành dụm để chuẩn bị thực hiện ước mơ xây dựng một cây cầu nối liền sông Lam đến miếu. Vì đã một thời sống cảnh “bờ bụi” anh hiểu được nhiều mảnh đời bất hạnh khác cũng cần được giúp đỡ. Anh không chỉ lấy tiền túi để xây miếu, mua hương, hoa quả và bỏ công để thờ cúng người xấu số, mà còn giúp nhiều người lạc lối như anh, những người nghèo bằng bát cơm manh áo để họ tìm được niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống.
Chia tay anh Thành khi bóng chiều đã ngả, tôi vẫn nhớ mãi câu nói của anh: “Ở đời chẳng có ai hoàn thiện cả, ai cũng có những lỗi lầm, điều quan trọng là những lỗi lầm của mình nặng hay nhẹ mà thôi. Với tôi, cách để chuộc lại lỗi lầm của mình là gắng làm được nhiều điều thiết thực có ý nghĩa cho xã hội”. Cảm ơn anh và mong sao những người lạc lối như anh khi đọc được bài báo này sẽ dần tỉnh ngộ để tìm về cuộc sống lương thiện của mình.
Đinh Tiến Giang
.