Dù chất vấn theo hình thức trực tuyến kém sôi động so với tại nghị trường Quốc hội, song tính đa dạng trong hỏi và trả lời được đảm bảo.
Giản lược việc đọc báo cáo giải trình, tuy nhiên phần đầu, Chánh án trả lời khá dàn trải khiến Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhiều lần nhắc nhở. Tính gay cấn chỉ bắt đầu khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chất vấn thẳng: Quốc hội đã ra Nghị quyết với 8 chỉ tiêu cho Chánh án, “tôi chỉ hỏi một câu, đồng chí Chánh án có thực hiện được không?”. 8 chỉ tiêu đề cập nhiều lĩnh vực, trong đó có chỉ tiêu: Không để kết án oan; chấm dứt việc trả hồ sơ điều tra bổ sung không đúng quy định; khắc phục triệt để án quá hạn luật định, án tuyên không rõ ràng; bảo đảm ra quyết định thi hành án hình sự đúng thời hạn; nâng tỷ lệ tranh tụng tại phiên tòa...
Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nói thêm: “Đề nghị Chánh án trả lời thẳng câu hỏi của Chủ tịch là có thực hiện được không?”.
“Câu này khó, tôi xin thay mặt ngành Tòa án biểu thị quyết tâm cao nhất để thực hiện, phấn đấu đạt 100%. Còn nếu khoản phần trăm nào đó chưa đạt thì xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội, nếu không đạt được thì Chánh án phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội” - câu hỏi khó được Chánh án Bình tháo gỡ. Tại các đầu cầu trực tuyến, nhiều đại biểu gật đầu biểu thị thái độ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp chất vấn.
Ảnh: TTXVN.
|
Có nơi hội thẩm chỉ “ngồi cho có”
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) đặt vấn đề: Dư luận không hài lòng với nhiều bản án bị sửa do ý chủ quan của tòa. Trong khi đó, một chất vấn từ đoàn đại biểu Quốc hội Bình Phước lo ngại tình trạng người dân không dám khởi kiện cán bộ, cơ quan nhà nước ra tòa hành chính, vì cho rằng khó thắng cuộc. Điều đó cho thấy người dân chưa tin tưởng tính khách quan của tòa hành chính. Là người đứng đầu tòa án, có giải pháp thế nào, khi nào thì việc này được khắc phục?
Chánh án Bình thừa nhận, người dân khởi kiện ra tòa hành chính đã tăng, tuy chưa nhiều. Vì con đường khiếu kiện hành chính còn những khó khăn. Giải pháp là chất lượng xét xử các vụ án hành chính phải được nâng lên, đội ngũ tòa giỏi, nhận thức về trách nhiệm hợp tác với tòa án. Còn bao giờ Luật tố tụng hành chinh phát huy hiệu lực, ông nói, phải “từng bước”.
Án treo, án tạm hoãn: Không loại trừ tiêu cực
Có ý kiến nói rõ, việc hoãn thi hành án đang bị lợi dụng, nhiều trường hợp tòa cho hoãn không đúng, có dấu hiệu tiêu cực. Ông Bình lý giải, hoãn thi hành án, do bị án mắc bệnh hiểm nghèo hoặc một số trường hợp luật định. Tuy nhiên, thực tế có những trường hợp “không loại trừ tiêu cực, tạm hoãn không đúng quy định”. Ông nói, những trường hợp này, nếu phát hiện tiêu cực thì phải xử lý, trong đó có trách nhiệm VKS giám sát. Án treo, cũng có những trường hợp áp dụng không đúng, tòa theo dõi và kháng nghị xét xử lại nhiều trường hợp. Giải pháp đối với việc cho hưởng án treo trái quy định, có tiêu cực hay không, “tôi nói không loại trừ, với trách nhiệm tòa án, chúng tôi cho kiểm tra, xử lý”.
Về việc án tham nhũng xử sai tội danh, cho hưởng án treo nhiều, có kháng nghị không, Chánh án Trương Hòa Bình giải thích: Tòa án xử theo cáo trạng VKS, bị truy tố tội danh nào thì tòa xử theo tội danh đó, tòa không được xử theo tội danh có hình phạt cao hơn (nếu có căn cứ chứng minh bị cáo chỉ phạm tội có hình phạt nhẹ hơn, thì có thể xử lý theo tội danh đó). Quá trình xử lý phải căn cứ tài liệu, chứng cứ. Nếu CQĐT, VKS thay đổi tội danh, truy tố tội mới thì xét xử tội mới.
Ông cho rằng, có việc cho hưởng án treo nhiều, song con số thống kê hiện cũng đã giảm. Tất cả những trường hợp báo chí, dư luận nêu đều có theo dõi để chỉ đạo thanh tra, kiểm tra và đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, nhiều vụ án cán bộ tòa án nhận hối lộ, nhận tiền của đương sự, Chánh án Trương Hòa Bình khẳng định hiện tượng này là có thật và hàng năm đã có nhiều trường hợp cán bộ ngành Tòa án bị truy tố, xử lý.
Nhận xét phần trả lời chất vấn của Chánh án, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nói, ban đầu trả lời quá dài, nhưng về sau đã gọn lại, đi thẳng vào nội dung.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận phải thay đổi cách thi, cách học Chất vấn phiên buổi chiều, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận đối diện hàng loạt vấn đề bức xúc: việc mở đại học tràn lan, cử nhân thất nghiệp, đầu tư giáo dục cao nhưng chất lượng đi xuống, việc cải cách sách giáo khoa tốn kém nhưng không hiệu quả...
Đại biểu Ngô Văn Minh bức xúc: Tại sao không gộp hai kỳ thi làm một, tại sao không giảm tải được chương trình phổ thông? Đại biểu Lê Minh Thông lo lắng chất lượng sách giáo khoa và truy thẳng trách nhiệm của Bộ GD&ĐT. “Lâu nay trong giáo dục, ta nói từ chống tiêu cực, chống bệnh thành tích rất nhiều, vậy trong tư duy cải cách tới đây, có còn tư duy chống không, hay là xây dựng cách tiếp cận mới ra sao” - ông Thông hỏi. Bộ trưởng Luận dành thời gian diễn giải khá dài, điều này làm giảm độ nóng chất vấn. Ông giải thích: Giảm tải chương trình, đã làm nhiều lần. Vì sao chưa gộp hai kỳ thi làm một? Ta muốn thay đổi cách thi, phải thay đổi cách học. Mà phải có sự chuẩn bị, tập huấn, điều này đang được Bộ chỉ đạo triển khai. “Ví dụ đổi mới trong ra đề Văn. Việc gộp hai kỳ thi làm một, còn phải nghiên cứu thêm” - ông nói. |