Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201303/26901-xu-ly-mbh-kem-chat-luong-392081/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201303/26901-xu-ly-mbh-kem-chat-luong-392081/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Xử lý MBH kém chất lượng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 20/03/2013, 08:05 [GMT+7]
26901

Xử lý MBH kém chất lượng

Theo dự kiến ban đầu, Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCHCN-BCT-BCA-BGTVT sẽ có hiệu lực vào ngày 15/4/2013. Theo đó, người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy, xe đạp điện sẽ bị phạt nếu đội mũ bảo hiểm kém chất lượng.
 
Ngay từ khi mới ban hành, dư luận đã tỏ ra không đồng tình và băn khoăn đối với tính khả thi của những quy định đề ra trong Thông tư này. Ngày 14/3, Bộ Tư pháp đã quyết định tạm dừng ban hành Thông tư 06 để xem xét sửa đổi cho phù hợp với quy định của pháp luật. Thực tế cho thấy, truớc khi tiến hành xử phạt người đội mũ kém chất lượng, các cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý đối với các hành vi sản xuất, buôn bán mũ bảo hiểm dởm. Đồng thời, nâng cao ý thức đối với người đội mũ bảo hiểm.
 
Lực lượng QLTT kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm tại một cửa hàng kinh doanh
 
Mạnh tay hơn với mũ bảo hiểm dởm
Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước từ khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán đối với mặt hàng mũ bảo hiểm trên thị trường có phần bị buông lỏng dẫn tới tình trạng xuất hiện nhiều loại mũ bảo hiểm dởm, không đúng tiêu chuẩn được bày bán tràn lan trên thị trường. Từ năm 2007, khi quy định xử phạt người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm được thực hiện cũng là lúc các loại mũ bảo hiểm kém chất lượng, giá rẻ xuất hiện ngày càng nhiều.
 
Không chỉ xuất hiện trong các cửa hàng, đại lý, mũ bảo hiểm kém chất lượng còn được bày bán công khai với số lượng lớn ở các vỉa hè, lề đường, gần khu vực các chợ, siêu thị. Không chỉ có ở các vùng thành phố, thị xã, mũ bảo hiểm dởm còn tràn về các vùng nông thôn, miền núi. Dù chất lượng kém nhưng mũ bảo hiểm dởm lại có giá cả phải chăng, hợp với túi tiền của người bình dân, người có thu nhập thấp nên dễ dàng có “đất sống”. Chỉ với 30.000 đồng - 50.000 đồng, mỗi người đã có thể chọn mua cho mình một chiếc mũ “hợp thời trang” để sử dụng.
 
Từ cuối năm 2008, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quy định, quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về tiêu chuẩn chất lượng mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy. Theo quy định này, những loại mũ bảo hiểm không có dấu xác nhận phù hợp tiêu chuẩn (CS) và tem chứng nhận hợp quy (CR) sẽ không được phép lưu hành. Tuy nhiên, trên thực tế, không những mũ bảo hiểm không có tem chứng nhận hợp quy không bị dẹp bỏ mà còn xuất hiện ngày càng nhiều những chiếc mũ bảo hiểm kém chất lượng được dán tem quy chuẩn giả từ thủ công đến tinh vi nhằm “qua mắt” lực lượng chức năng và người tiêu dùng.
 
Trước thực trạng trên, không ít người đã đặt câu hỏi: Phải chăng những quy định của các cơ quan chức năng mới chỉ nằm trên giấy mà chưa chuyển thành những hành động thực tế để tạo tính răn đe, giáo dục? Công tác kiểm tra, thu hồi các loại mũ bảo hiểm kém chất lượng trên thị trường đã được làm đến nơi đến chốn hay mới chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”?
 
Không ít ý kiến tỏ ra có cơ sở khi cho rằng, lẽ ra việc kiểm tra các khâu sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm phải được cơ quan chức năng thực hiện đồng bộ, quyết liệt ngay từ thời điểm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm có hiệu lực. Mặc dù vậy, hơn 5 năm qua, công tác quản lý chất lượng mũ bảo hiểm có phần bị thả nổi, việc thực hiện chỉ mang tính phong trào, chưa đạt hiệu quả thiết thực.
 
Được biết từ 15/3, các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng quản lý thị trường ở các địa phương trên cả nước sẽ đồng loạt ra quân trong chiến dịch dẹp bỏ mũ bảo hiểm giả đang được bày bán trên thị trường. Thiết nghĩ, bên cạnh việc kiên quyết xử lý đối với những người có hành vi buôn bán mũ bảo hiểm kém chất lượng, thu hồi, tiêu hủy sản phẩm vi phạm, cần có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn mũ bảo hiểm lậu từ nước ngoài tràn vào thị trường nội địa.
 
Đồng thời, công khai xử phạt nghiêm minh, rút giấy phép hoạt động vĩnh viễn, thậm chí xử lý hình sự đối với chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng. Việc ra quân dẹp bỏ các loại mũ bảo hiểm kém chất lượng cần được tiến hành đồng bộ, liên tục, tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.
 
Nâng cao ý thức người đội mũ bảo hiểm
Sau khi quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy được áp dụng, cho đến nay, theo thống kê của các cơ quan chức năng, đã có trên 90% người đi xe máy chấp hành quy định này. Tuy nhiên, đáng buồn là, trong số đó có đến 70% số mũ bảo hiểm đang được người dân sử dụng không đảm bảo chất lượng theo đúng quy định.
 
Không thể phủ nhận rằng, một bộ phận người dân tuân thủ nghiêm túc quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Họ muốn mua mũ đạt tiêu chuẩn để sử dụng, nhưng do mũ dởm được làm quá tinh vi, không thể phân biệt được đâu là mũ thật, đâu là mũ dởm, vô tình trở thành nạn nhân.
 
Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn có không ít người chưa quan tâm đúng mức tới chức năng đảm bảo an toàn của chiếc mũ bảo hiểm. Họ xem việc đội mũ bảo hiểm chỉ là để đối phó với lực lượng cảnh sát giao thông, nhằm tránh bị phạt. Trong khi một chiếc mũ bảo hiểm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng có giá từ 200.000 đồng trở lên thì một chiếc mũ bảo hiểm dởm có giá thấp hơn đến gần chục lần.
 
Do ham rẻ và mục đích sử dụng chủ yếu là để tránh bị xử phạt, không ít người đã cố tình tìm mua các loại mũ kém chất lượng để dùng mà bỏ qua sự an toàn đối với bản thân. Theo quy luật, có “cầu” ắt sẽ có “cung”, khi mà nhu cầu mua mũ bảo hiểm chỉ để đối phó với lực lượng chức năng vẫn còn thì mũ bảo hiểm dởm sẽ vẫn còn có “đất” để tồn tại.
 
Do đó, để dẹp bỏ tận gốc các loại mũ bảo hiểm kém chất lượng, bên cạnh việc kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán các loại mũ bảo hiểm dởm, cần chú trọng tuyên truyền cho người dân hiểu rõ tác hại của việc sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng khi không may xảy ra tai nạn giao thông.
 
Đồng thời, qua nhiều kênh thông tin khác nhau, các cơ quan chức năng cần giúp người dân có cơ sở phân biệt các loại mũ thật, mũ giả đang lưu hành trên thị trường, từ đó có sự lựa chọn phù hợp. Tóm lại, “nói không” với các loại mũ bảo hiểm kém chất lượng là cách tốt nhất để bản thân mỗi người tự bảo vệ mình, tránh những thiệt hại không đáng có thể xảy ra.

Minh Tuấn
.