Từ bát nháo đón khách…
Chuyến xe đường dài từ Sài Gòn ra Hà Nội dừng lại ở ngã ba Gia Lách, địa phận nối 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vừa dừng lại, trong chốc lát một cảnh tượng bát nháo xảy ra trước mắt chúng tôi. Hàng chục tay xe ôm lăm lăm mũ cối chạy bộ với tốc độ rất cao lên tiếng lăm lua: "Số 1..., số 2..., số 3..., số 1 của tao..., số 2 của tao..., không được thằng nào đụng vào. Áo trắng của tao..., áo đỏ của tao...". Xe dừng lại, trong khi hành khách còn chưa kịp xách vali, thì có đến mấy tay xe ôm đã cầm lấy tay họ kéo ra để thoả thuận giá cả. Cảnh xô đẩy, chen lấn, cảnh các tay xe ôm tranh giành khách đánh nhau, chửi bới nhau... làm nhốn nháo, gây mất trật tự cả một ngã ba.
Chị Nguyễn Thị Hoa, quê ở xã Xuân Hoa, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, một công nhân làm việc ở Khu chế xuất Tân Thuận ở quận 7, T.P HCM bức xúc: "Tết năm ngoái về quê, theo dự định thì xe sẽ về đến nhà vào buổi chiều. Nhưng do xe chạy chậm, lại thường xuyên bị hư hỏng dọc đường nên về đến ngã ba Gia Lách đúng 1 giờ.
Xe ôm đón khách ở nga ba Gia Lách
Giữa lúc trời mưa to, gió rét, nhà ở lại rất xa, không có người đến đón, xung quanh dòng người cũng ít qua lại. Chưa biết tính sao, thì có 2 ông xe ôm đến ngã giá. Sau một hồi thoả thuận, tôi đành cắn răng chịu đựng với mức giá 300.000 đồng. Nếu như ngày thường về đến nhà cũng chỉ mất 40.000 đồng. Phần vì sợ móc túi, phần bị mấy tay xe ôm răn đe, nếu ở đây bọn nghiện ngập nhiều sẽ cướp của, nên tôi đành phải chấp nhận cái giá trên trời ấy".
Tại Bến xe Vinh, một đám xe ôm lẫn xích lô đang “thiêu thân” trên chiếu bạc bên vỉa hè, ngay trước cổng Bến xe, bất chợt chiếc xe buýt dừng lại, một cảnh tượng bát nháo làm náo nhiệt cả một góc phố. Hàng chục tay xe ôm tay cầm mũ bảo hiểm, mũ cối, thậm chí cả điếu cày trên tay chạy "bán sống bán chết" đến chiếc xe rồi hét lớn: "Thằng áo đỏ..., áo xanh..., áo vàng..., người đẹp số 1..., bà già số 2... của tao..., của mày...". Xe chưa kịp dừng, nhưng đã có nhiều tài xế xe ôm lao vào trong xe bắt khách.
Phía dưới đường, những màn "rượt đuổi" các tuyến xe khác vẫn cứ tiếp diễn. Cảnh níu kéo, giành giật, xô đẩy, chen lấn, chửi thề... trước cổng Bến xe Vinh trở nên ồn ào, mất trật tự. Anh Lê Quốc Huy, quê ở Phú Lộc, Thừa Thiên Huế tỏ ra bức xúc: "Ở Huế xe ôm thường mặc đồng phục, đưa đón khách một cách lịch sự, nhiệt tình.
Lần đầu ra Vinh, em cũng hơi bất ngờ và có phần sợ hãi trước cảnh tài xế xe ôm ở đây. Lúc đầu thấy họ chạy, họ hét, xô đẩy nhau lên xe em tưởng đây là một vụ đánh nhau với khách. Nhưng khi thấy họ kéo em xuống, kỳ kèo giá cả, đi về nơi đâu anh chở thì em mới biết là họ đón khách. Lúc ấy em mới hết hốt hoảng".
Không chỉ ở các bến xe, ngã ba, mà ngay tại chợ Ga cũng vậy. Xe ôm đất Vinh không chỉ gây phiền toái cho khách, đánh nhau tranh giành khách, gây mất trật tự an ninh khu phố, mà tình trạng xe ôm tụ tập uống rượu, đánh bài trên vỉa hè, quán nước những lúc vắng khách cũng diễn ra phức tạp, nhất là những dịp trong và ngoài Tết, những dịp lễ trong năm.
…Đến những trò “bịp”
Ở đất Vinh, nói đến xe ôm nhiều hành khách vẫn chưa hết lo lắng. Không chỉ việc chở 3, chở 4 không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, đi trái đường, gây tai nạn giao thông diễn ra như cơm bữa. Việc xe ôm "tự phát", thiếu tiền là xách xe ra chở khách mọc lên như nấm. Nhất là tình trạng buông lỏng quản lý tài xế xe ôm của các cơ quan chức năng cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Cảnh đón khách bát nháo ở cổng Bến xe Vinh
Hơn thế nữa, tại các bến xe, chợ ga, ngã ba, hay các trung tâm mua sắm đông người, tình trạng chen lấn, xô đẩy vô tình đã tiếp tay cho các tay móc túi được "đục nước béo cò". Bà Nguyễn Thị Hoa, quê ở Thanh Chương bộc bạch: "Về đến bến xe, do cánh xe ôm lôi kéo, chưa kịp xách hành lý nên tôi bỏ quên trong cốp xe ca hơn 50 con gà mang từ Đắc Lắc về. Lần nào về quê mình, tôi cũng cảm thấy buồn khi tình trạng xe ôm lộn xộn như thế này cứ tiếp diễn từ năm này đến năm khác".
Không những vậy, xe ôm ở đất Vinh còn có nhiều trò "bịp bợm", đó là việc làm cò cho các nhà xe. Ví như việc bắt được nhiều khách, thì tài xế xe ca sẽ trích một phần hoa hồng để "bo" cho cánh xe ôm. Lúc đón khách, thì họ bảo lên xe này, xe nọ chắc ăn, xe chất lượng cao, bao ăn uống. Nhưng khi lên ngồi rồi mới biết những lời nói "có cánh'' của mấy tay xe ôm là "bịp bợm".
Có nhiều trường hợp, khi chở khách và hàng hoá, xe ôm còn chiếm đoạt tài sản khi lợi dụng sự sơ hở của khách hàng. Lợi dụng đêm khuya, trời tối và quãng đường vắng bóng người qua lại, nhiều cuốc xe ôm còn tăng giá gấp 4 đến 5 lần.
Hiện nay, bên cạnh những bác tài làm ăn chân chính, kiếm đồng tiền bằng mồ hôi của mình, thì cũng còn đó rất nhiều tay xe ôm bằng những thủ đoạn "bịp bợm" để lừa lọc, chiếm đoạt tài sản của hành khách. Làm sao để hành khách yên tâm mỗi khi đi xe ôm ở đất Vinh, không chỉ là bài toán cho các cơ quan có thẩm quyền, mà còn là ý thức của hành khách cũng như chính những người hành nghề xe ôm.
Đinh Tiến Giang
.