Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201303/26551-thay-gi-qua-cong-tac-xet-xu-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-392361/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201303/26551-thay-gi-qua-cong-tac-xet-xu-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-392361/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Thấy gì qua công tác xét xử người chưa thành niên phạm tội? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 05/03/2013, 07:51 [GMT+7]
26551

Thấy gì qua công tác xét xử người chưa thành niên phạm tội?

Những năm gần đây, các vụ án do người chưa thành niên phạm tội có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, trong đó có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, báo động công tác giáo dục pháp luật đối với người chưa thành niên. Do đó, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội như thế nào nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội đang là vấn đề cần được quan tâm hơn bao giờ hết.
 
Có thể nói, thời gian gần đây ở nước ta, người chưa thành niên phạm tội có chiều hướng gia tăng, trở thành mối lo cho gia đình và xã hội. Đã có nhiều đối tượng chưa thành niên gây ra nhiều vụ giết người, cướp tài sản rất nghiêm trọng, diễn biến hành vi phạm tội rất phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân.
 
Theo số liệu của các cơ quan chức năng cho thấy, trong hơn 10 năm trở lại đây ngành tòa án cả nước đã xét xử trên 30.000 bị cáo là người chưa thành niên. Nghệ An cũng là tỉnh có số lượng bị cáo ở độ tuổi chưa thành niên chiếm tỷ lệ tương đối cao. Trung bình mỗi năm, Tòa án nhân dân tỉnh xét xử trên 3.000 vụ án hình sự với 3.500 bị cáo, trong đó có khoảng 120 đến 150 bị cáo là người chưa thành niên.
 
 
Tình trạng tội phạm vị thành niên phạm tội đang ngày càng gia tăng - Ảnh minh hoạ
 
Chỉ riêng trong năm 2012, ngành Tòa án tỉnh đã thụ lý 109 vụ với 133 bị cáo là người chưa thành niên. Trong đó, tội giết người 13 vụ, 16 bị cáo; nhóm tội xâm phạm sở hữu 70 vụ, 85 bị cáo; cố ý gây thương tích 5 vụ, 9 bị cáo; tội phạm ma túy 11 vụ, 11 bị cáo; hiếp dâm 1 vụ, 1 bị cáo… Cũng theo các cơ quan chức năng, người chưa thành niên phạm tội gia tăng trong thời gian gần đây phần lớn do các em có lối sống ăn chơi sa đọa, thích hưởng thụ quá sớm.
 
Bên cạnh đó, do cách giáo dục chưa đến nơi đến chốn từ phía gia đình, nhà trường. Rất nhiều em còn bị rủ rê lôi kéo bởi đám bạn xấu nên không làm chủ được bản thân, một số khác nghiện game, ma túy và chịu ảnh hưởng của mạng Internet nên thường xuyên tiếp xúc với các loại phim cấm như sex, bạo lực…
 
Đó là những nguyên nhân quan trọng tác động tới nhận thức cũng như hành vi của các em, do đó lí giải vì sao nhiều em tuổi đời tuy còn quá trẻ nhưng đã gây ra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng.
 
Theo quy định của Luật hình sự nước ta: Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
 
Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.
 
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
 
Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì toà án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của Bộ luật hình sự. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Khi xử phạt tù có thời hạn, toà án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng.
 
Không áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội. Án đã tuyên đối với người chưa thành niên phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.
 
Như vậy, theo quy định của Luật hình sự, người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, ở độ tuổi chưa thành niên do tâm sinh lý phát triển chưa ổn định, nhận thức về pháp luật và cuộc sống còn hạn chế, suy nghĩ chưa sâu, hành vi phạm tội thường mang tính bột phát.
 
Vì vậy, trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên được quy định riêng tại Bộ luật hình sự. Trong những năm qua, quá trình xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội, ngành tòa án cũng đã áp dụng hình phạt nghiêm minh, đảm bảo công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Bên cạnh đó còn mang tính giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi, thể hiện sự nhân đạo và khoan hồng của pháp luật nước ta.
 
Đặc biệt, việc tuyên truyền giáo dục pháp luật đã được thực hiện khá hiệu quả tại các phiên tòa nhằm giúp cho các đối tượng phạm tội là người chưa thành niên nhận thức được việc làm sai trái của mình để sửa chữa.
 
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng để ngăn ngừa tình trạng người chưa thành niên phạm tội cần phải có sự quan tâm, phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội. Để giúp người chưa thành niên phạm tội nhận ra lỗi lầm và sửa chữa, trở thành người có ích cho xã hội, thiết nghĩ việc xét xử người chưa thành niên phải ở trong môi trường thân thiện để cảm hóa.
 
Đồng thời, thi hành án đối với người chưa thành niên trong môi trường vừa học vừa đào tạo nghề sau khi mãn hạn chấp hành hình phạt. Và đặc biệt, xã hội cần tạo mọi điều kiện, không nên có thành kiến với người lầm lỗi, giúp họ tái hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Hoa Lê
.