Đằng sau sự hình thành ổ nhóm tội phạm manh nha hoạt động lộng hành theo kiểu "nghiệp đoàn bốc xếp" của Khánh “trắng” tại chợ đầu mối nông sản lớn nhất của Hà Nội này là mối lo về môi trường kinh doanh an toàn của bà con tiểu thương cần được quan tâm giải quyết.
1. Cầm đầu "tổ bốc xếp" này, thật khó tin lại là một người đàn bà có thân hình nhỏ thó, loắt choắt có tên Đỗ Thu Hằng, biệt danh ở chợ là Hằng "còi". Với thâm niên hơn 10 năm buôn bán mặt hàng rau củ quả ở chợ Long Biên, người đàn bà này bỗng nhiên trở thành mối e ngại, nỗi sợ của bà con tiểu thương khắp chợ khi họ biết rằng chị ta đứng đằng sau nhóm thanh niên "thu tô" của những chủ hàng có ôtô chở nông sản vào chợ bán.
Chợ Long Biên, nơi mưu sinh của biết bao số phận |
Bị Cơ quan CSĐT Công an quận Ba Đình bắt giữ về tội "Cưỡng đoạt tài sản" cùng Hằng "còi" là 6 đàn em gồm Trần Trung Chiến (25 tuổi, ở Phú Lương, Sơn Dương, Tuyên Quang), Đỗ Quang Hà (30 tuổi, ở phường Mai Động, quận Hoàng Mai), Hà Mạnh Dưỡng (30 tuổi, ở Phú Lương, Sơn Dương, Tuyên Quang), Hoàng Văn Hậu (26 tuổi, ở Tam Đa, Sơn Dương, Tuyên Quang), Nguyễn Chí Thành (25 tuổi, ở Tam Dương, Vĩnh Phúc) và Nguyễn Thanh Kỳ (26 tuổi ở Tam Dương, Vĩnh Phúc). Cả 6 đối tượng này trước khi được thu nạp vào "tổ bốc xếp" cũng chỉ là dân cửu vạn bình thường ở chợ Long Biên.
Địa bàn mà nhóm tội phạm lộng hành là bãi đỗ xe ôtô dọc đường Hồng Hà sát chợ rau, nơi các chủ hàng được phép đỗ xe để bốc dỡ hàng theo quy định của chợ. Để được phép vào bãi đỗ này thì đương nhiên các chủ xe cũng phải nộp lệ phí. Thế nhưng, từ giữa năm 2012, dưới sự điều hành của Đỗ Thị Hằng, "tổ bốc xếp" gồm khoảng trên dưới 10 người do Trần Trung Chiến trực tiếp phụ trách, quản lý ngang nhiên đi thu tiền của các chủ xe rau. Khoảng 20 giờ 30 phút đến 1 giờ sáng hôm sau, khi các xe chở rau từ tỉnh ngoài vào chợ đầu mối Long Biên tiêu thụ cũng là giờ hoạt động của "tổ bốc xếp".
Đương nhiên họ không làm công việc bốc xếp mà chỉ leo lên xe đếm số lượng hàng nhiều hay ít rồi quyết định mức thu "tô" được ấn định từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng/xe. Chủ xe nào không nộp "tô" hàng ngày thì nộp "tô" tháng cho Hằng "còi" là 1,5 triệu đồng/xe.
Cả ngày “vất vả thu tô”, cuối buổi, cả bọn về nhà trọ chung tại cụm 2 Phúc Xá, nộp lại tiền cho Chiến. Thông thường mỗi đối tượng được chia 200.000 đồng/ buổi, Chiến được hưởng 300.000 đồng. Số tiền còn lại Chiến nộp cho Hằng "còi". Trung bình mỗi ngày nhóm của Chiến thu "tô" của khoảng 30 đầu xe với số tiền 3 triệu đồng.
Việc thu tiền trắng trợn của nhóm tội phạm mang danh "tổ bốc xếp" trên khiến nhiều tiểu thương hết sức bức xúc bởi sau khi nộp tiền cho chúng, họ lại mất thêm một khoản tiền tương đương để thuê người bốc dỡ hàng xuống. Chủ hàng nào phản ứng không nộp tiền liền bị Chiến và đồng bọn dằn mặt bằng cách đập phá hàng.
Điển hình như trường hợp chị Nguyễn Thị Thu ở Bắc Giang. Ngày 22/1/2013, khi các đối tượng nhảy lên xe đếm rồi bắt nộp "tô" 200.000 đồng, chị Thu kêu "Sao nhiều thế?" và thương lượng xin giảm xuống 100.000 đồng như những ngày trước đó nhưng tên Hà không đồng ý. Lời ra tiếng vào, Hà điện thoại báo cáo tình hình cho "tổ trưởng" Trần Trung Chiến. Lập tức, Chiến kéo theo mấy tên đàn em tới, chúng nhảy lên xe chở hàng của chị Thu giẫm đạp, quăng hàng chục bao đựng rau củ quả xuống đường. Sau vụ dằn mặt ấy, những chủ hàng khác vì sợ bị phá hàng nên răm rắp nộp tiền cho "tổ bốc xếp". Để được tiếp tục làm ăn, vợ chồng chị Thu phải đến gặp Đỗ Thu Hằng thương lượng việc nộp "tô".
Sau khi nhận được phản ánh, tố cáo của một số tiểu thương, Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an quận Ba Đình đã vào cuộc điều tra. Trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ ít ngày, nhóm tội phạm này đã bị bắt giữ.
Đỗ Thu Hằng và các đối tượng trong ổ nhóm cưỡng đoạt tài sản
tại chợ Long Biên bị bắt giữ
2. Các điều tra viên Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an quận Ba Đình trăn trở nói rằng, hôm thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Đỗ Thu Hằng về hành vi cưỡng đoạt tài sản, nhìn cảnh 3 đứa con nhỏ của Hằng, trong thâm tâm ai cũng ái ngại. Nhưng mà hành vi phạm tội của Hằng và đồng bọn gây ra thì rất nghiêm trọng, gây bức xúc và hoang mang lo lắng cho rất nhiều bà con tiểu thương tại chợ Long Biên.
"Em chỉ nghĩ họ cũng đi làm lương thiện để kiếm đồng lương thôi, không nghĩ đến chuyện mọi người làm quá dẫn đến vi phạm pháp luật. Đến khi bị bắt vào đây rồi, người ta bảo em tổ chức cưỡng đoạt tài sản. Em mới giật mình bảo cháu có làm gì đâu. Các chú công an giải thích chúng nó ra bãi thu tiền của người ta, lúc đó em mới biết đó là cưỡng đoạt tài sản. Chứ em không nghĩ làm như vậy là vi phạm pháp luật" - những lời thanh minh của Hằng tại Cơ quan Công an đã quá muộn màng.
Người cùng buôn bán với Hằng "còi" bảo việc làm của Hằng là đáng giận, song cũng đáng thương. Mẹ buôn bán vỡ nợ khiến gia đình ly tán từ nhỏ, Hằng ở với ông bà ngoại, sau đó vào miền Nam. Năm 18 tuổi, Hằng một mình ra Hà Nội, bán hàng tại chợ Long Biên. Lấy chồng, rồi đẻ liền 3 đứa con, một mình Hằng xoay sở nuôi cả nhà. Đỗ Thu Hằng thú nhận rằng, môi trường kinh doanh nơi kẻ chợ đã khiến cô ta thay đổi nhiều. Từ một cô gái lành hiền nhút nhát ban đầu, Hằng biết cãi nhau, rồi đánh nhau với những khách hàng gian lận. Bất bình trước những hiện tượng ăn hiếp lẫn nhau ở chợ, nhưng cuối cùng chính Hằng trở thành người quay lưng bắt nạt đồng nghiệp, những tiểu thương vất vả mưu sinh nơi chợ đêm.
Theo những người buôn bán lâu năm ở chợ Long Biên thì sở dĩ, mặc dù ít tuổi nhưng Hằng "còi" khiến nhiều người kiêng nể, vì mọi người ngại va chạm với chồng cô ta là T. "trọc", nghe đồn trước kia từng là đàn em của "ông chủ nghiệp đoàn bốc xếp" Khánh “trắng”. Thế nhưng T. "trọc" không ra mặt mà để cho cô vợ đứng ra làm việc với các chủ hàng để che mắt sự chú ý của cơ quan chức năng. Về danh nghĩa, Hằng "còi" là một tiểu thương buôn bán rau quả tại chợ, chủ hàng đến gặp Hằng nhờ tìm người bốc hàng, thực chất thương lượng việc nộp "tô" khi vào bến bãi.
Phải là người kinh doanh buôn bán ở chợ mới thấu hiểu tâm lý của bà con tiểu thương. Là chợ đầu mối nên công việc mua bán phải hết sức khẩn trương trước khi trời sáng. Hơn nữa mặt hàng rau củ quả cần phải tiêu thụ ngay trong ngày, tránh va đập. Chợ họp về đêm, bất trắc xảy ra không biết đường nào mà lường. Thôi thì mất thêm ít tiền cho chúng để đổi lại công việc được suôn sẻ, coi như bớt đi đồng lãi. Âu cũng là vì mưu sinh mà biết cũng chẳng kêu, ngộ nhỡ bị trả thù thì không chỉ thiệt đến tính mạng mà lâu dài còn ảnh hưởng xấu đến việc buôn bán.
Chuyện một tiểu thương như Đỗ Thu Hằng từ một người làm ăn buôn bán quay sang chèn ép, gây khó dễ cho những người cùng chợ như vậy, nghĩ sâu xa hơn đó là thói ích kỷ, chèn ép, ức hiếp nhau theo kiểu "cá lớn nuốt cá bé", thói xấu của không ít tiểu thương đâu đó vẫn xảy ra ở nhiều ngôi chợ khác, không riêng gì chợ Long Biên.
Năm 2007, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cũng đã từng triệt phá một ổ nhóm "đầu gấu" chuyên cưỡng đoạt tài sản của những người buôn bán hoa quả tại chợ Long Biên do đối tượng Nguyễn Tiến Hồng, một kẻ mang nhiều tiền án tiền sự, nghiện ma túy cầm đầu. Thủ đoạn của nhóm tội phạm này cũng tương tự, đe dọa, đập phá hàng hoa quả của các chủ hàng tại bãi xe gầm cầu Long Biên, bắt nộp "thuế" hàng ngày.
Phàm đã là chợ thì ở đâu cũng có sự phức tạp riêng. Sinh ra Ban quản lý chợ, không chỉ để quản lý việc kinh doanh của bà con tiểu thương, mà còn phải có trách nhiệm cao hơn trong việc đảm bảo một môi trường kinh doanh đúng quy định, đúng pháp luật. Để hoạt động trái pháp luật của "tổ bốc xếp" diễn ra trong một thời gian dài, Ban quản lý chợ Long Biên không lẽ không biết?
Cơ quan CSĐT Công an quận Ba Đình đề nghị những ai là bị hại, nhân chứng của nhóm cưỡng đoạt tài sản trên, liên hệ với Cơ quan CSĐT Công an quận Ba Đình (gặp điều tra viên Bùi Mạnh Cường) để phối hợp giải quyết. Điện thoại: 043.9396573.
ANTG
.