Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201301/25673-nhieu-bat-cap-trong-den-bu-gpmb-o-ky-hoa-392991/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201301/25673-nhieu-bat-cap-trong-den-bu-gpmb-o-ky-hoa-392991/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nhiều bất cập trong đền bù GPMB ở Kỳ Hoa - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 21/01/2013, 14:00 [GMT+7]
25673

Nhiều bất cập trong đền bù GPMB ở Kỳ Hoa

Dự án đường ống dẫn nước từ thượng nguồn sông Trí về Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa, thuộc Khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đi qua xã Kỳ Hoa có 71 hộ bị ảnh hưởng.
 
Tuy nhiên, quá trình đền bù, GPMB đã xảy ra một số sai sót nghiêm trọng khiến dư luận bức xúc, đó là trong khi một số hộ dân được “ưu ái’ một cách đáng ngờ thì nhiều gia đình khác lại cho rằng mức đền bù quá thấp và chưa thỏa đáng.
 
Năm 1982, sau khi xuất ngũ về địa phương, ông Trần Xuân Thành cùng gia đình vào vùng núi phía Tây xã, nay thuộc xóm Hoa Tiến, xã Kỳ Hoa khai hoang, lập trại. Trải qua hàng chục năm lăn lộn nơi rừng thiêng nước độc, với ý chí, quyết tâm của một người lính, ông và vợ con ngày đêm dốc sức cuốc đất đào ao để tạo nên những vườn cây trái bạt ngàn xanh tốt.
 
Ông Thuận lặng lẽ chăm sóc vườn cây sắp bị thu hồi

Đến năm 2006, UBND huyện Kỳ Anh cấp giấy chứng nhận 8,5ha đất tiêu chí kinh tế trang trại 50 năm, một sự ghi nhận về mặt pháp lý và hành chính đối với quá trình đầu tư công sức lẫn tài chính của gia đình ông. Khi dự án đường ống dẫn nước khu gang thép Hưng Nghiệp Formosa đi qua, gia đình ông nằm trong diện bị thu hồi hơn 3.000m2 đất cùng nhiều tài sản khác.

Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành thu hồi GPMB, nhiều tài sản không được đưa vào kiểm đếm, áp giá đền bù khiến gia đình ông bị thiệt hại lớn. Cụ thể, theo số liệu của ban đền bù, GPMB xã Kỳ Hoa ngày 6/3/2012, có tới 542 cây cam, 16 cây chuối không được bồi thường.

Và với cách tính ấy, số tiền mà gia đình ông Thành nhận được chỉ vỏn vẹn tròn 100 triệu đồng, gồm tiền đất, hoa màu trên đất, chưa bằng 1/3 giá trị. “Gần 25 năm, cha con tôi đổ biết bao mồ hôi công sức, tiền của mới có được khu trang trại như ngày hôm nay, nhưng cách tính và áp giá bèo bọt, bất hợp lý như thế thì thiệt hại cho người dân quá.

Chúng tôi không chống đối chủ trương của Nhà nước nhưng đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét để có sự đền bù đúng, thỏa đáng với những gì chúng tôi đã bỏ ra” - Anh Trần Xuân Hiệp con trai ông Thành không dấu được bức xúc.

Cũng như ông Thành, gia đình cựu chiến binh Thái Văn Thuận lên vùng rừng xanh núi đỏ này khai hoang lập nghiệp từ rất sớm. Sau hơn 20 năm “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, gia đình ông đã tạo nên được những vườn chè, dứa, cây cao su trị giá hàng chục tỷ đồng.

Trong đợt vừa rồi, gia đình ông bị thu hồi hơn 2.000m2 đất, trên đó ngoài nhà cửa, vật kiến trúc còn có 1.514m2 dứa đã đến kỳ thu hoạch, 378m2 chè thực phẩm và hơn 5.000 các loại cây khác như keo, gió trầm, xoài, mít... Thế nhưng, số tiền đền bù gia đình ông được nhận chỉ chưa đầy 120 triệu đồng, nghĩa là chưa đủ chi phí thuê nhân công trồng và chăm sóc.

Sở dĩ có chuyện như vậy, theo ông Thuận là do cách tính, áp giá hết sức bất hợp lý của ban đền bù GPMB. Cụ thể như đối với các loại chè và dứa, không được kiểm đếm theo cây mà chỉ tính theo m2 với giá rất rẻ: Chè 1m2 được 14.000 đồng, dứa 1m2 được 8.000 đồng. Ngoài ra, một số loại cây khác như gió trầm đường kính 3 - 4cm chỉ được 18.000 đồng, chưa bằng giá tiền mua một cây giống theo giá hiện nay... “Nếu theo cách tính của ban đền bù GPMB, gia đình tôi thiệt hại khoảng 350 triệu đồng.

Đấy là mới tính đến chi phí mua cây giống, phân bón và tiền nhân công chăm sóc chứ chưa tính đến lợi nhuận từ số diện tích hoa màu nói trên sinh ra trong những năm tiếp theo nếu không bị thu hồi. Chúng tôi, những người dân thấp cổ bé họng biết kêu ai bây giờ”, ông Thuận buồn bã phân bua.

Ngược lại với gia đình ông Thành, ông Thuận, có nhiều hộ khác lại bỗng dưng được hưởng một khoản tiền chênh lệch rất lớn so với giá trị thực tế từ việc đền bù, GPMB của dự án trên. Theo người dân phản ánh, nguyên do của sự bất thường này xuất phát từ việc ban đền bù, GPMB đã “đánh lận con đen” trong quá trình xác minh nguồn gốc sử dụng đất.

Cụ thể, như gia đình ông Phạm Xuân Xường, Phạm Văn Quê, Phạm Văn Thọ... có nguồn gốc đất là đất khai hoang nhưng lại được “ưu ái” tính theo giá của loại đất được giao trong hạn mức khiến số tiền được hưởng tăng lên gấp hơn 3 lần.

Sau khi bị dư luận nhân dân phản ánh, ngày 25/12/2012, UBND xã Kỳ Hoa đã buộc phải thành lập đoàn kiểm tra, xác minh lại nguồn gốc đất của hộ ông Phạm Xuân Xường. Kết quả, phần diện tích đất ông Xường bị thu hồi là loại đất màu khai hoang chứ không phải đất được giao trong hạn mức.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đặng Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Kỳ Hoa thừa nhận: Qua kiểm tra hộ ông Xường cho thấy đã có những sai sót trong quá trình xác minh nguồn gốc sử dụng đất. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục cho kiểm tra các hộ khác theo phản ánh của nhân dân.

Còn về việc thu hồi số tiền chênh lệch, UBND xã có hai phương án, đó là vận động người dân nộp lại, nếu không sẽ cắt số diện tích tương ứng trong phần đất được giao theo hạn mức.

Cũng theo ông Cường, quá trình xác minh nguồn gốc sử dụng đất của các hộ trong diện đền bù, GPMB được thực hiện một cách rất nghiêm túc, chặt chẽ trên cơ sở căn cứ vào 3 yếu tố, đó là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản đồ địa chính và sổ mục của xã.

Tuy nhiên, ông Cường cũng thừa nhận, trong 3 căn cứ trên thì không có căn cứ nào đủ cơ sở để xác minh nguồn gốc sử dụng đất, bởi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bản đồ địa chính đều không ghi số ô, số thửa và không có đông tây tứ cận, còn sổ mục thì cũng không thể hiện được điều đó.

Hiện nay, dự án đường ống dẫn nước từ thượng nguồn sông Trí về Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đang gấp rút hoàn thành khâu mặt bằng để sớm lắp đặt đường ống phục vụ khu công nghiệp.

Tuy nhiên, trong quá trình đền bù, GPMB cho thấy còn nhiều bất cập, sai sót. Dư luận cho rằng, các cấp thẩm quyền ở Hà Tĩnh cần có biện pháp chỉ đạo kiên quyết để trả lại sự công bằng và sớm đưa dự án vào triển khai thực hiện.

Nhóm P.V
.