Những cuộc “hỗn chiến” như vậy có số đông người tham gia, gây mất ổn định về tình hình an ninh trật tự, điều đó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo để các ngành, các cấp, các lực lượng có các biện pháp đồng bộ ngăn chặn, nhất là những vụ án có sử dụng vũ khí “nóng”.…
“Hỗn chiến” có hung khí từ thành thị đến nông thôn….
Các đây không lâu, người dân ở xóm Mới, xã Thạch Bình (TP Hà Tĩnh) chưa hết bàng hoàng khi có hàng chục đối tượng cầm đủ loại hung khí đến chém người dã man, hậu quả 5 người bị thương nặng, phải nhập viện khẩn cấp. Lực lượng Cảnh sát 113, Công an TP Hà Tĩnh đã có mặt tại hiện trường, nhanh chóng ổn định tình hình.
Lực lượng công an thu giữ 1 kiếm, các loại hung khí: gậy gỗ, tuýp nước, cuốc xẻng, 1 xe ô tô 4 chỗ mang BKS 38N-1030 cùng một số giấy tờ liên quan. Sau quá trình điều tra, Công an TP Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Hữu Cần (SN 1976), ở khối phố 8, phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh và Mai Văn Danh (SN 1985) ở xóm Liên Hương, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà về tội “Cố ý gây thương tích”.
Một số đối tượng sử dụng vũ khí “nóng” giải quyết mâu thuẫn bị bắt giữ
Nguyên nhân vụ “hỗn chiến” được xác định do mâu thuẫn trong việc tranh chấp đất đai giữa gia đình Lê Trọng Thắng (SN 1979) và Trần Hữu Đức (anh trai của Trần Hữu Cần) ở xóm Mới, xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh. Cả Thắng và Cần đều “huy động” nhiều người thân đến tham gia để phân thắng bại.
Chiều 8/1 vừa qua, người dân vùng quê nghèo xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh vốn yên bình bỗng xôn xao vì chứng kiến cái chết của anh Nguyễn Sỹ Lam (SN 1972) ở xã mình. Cái chết của nạn nhân cũng được xác định là hậu quả từ một vụ “hỗn chiến” với nhiều người tham gia, sử dụng hung khí các loại để trả thù phía “đối thủ”.
Công an Can Lộc đã tạm giữ 2 xe ô tô hư hỏng nặng, 1 dao dài 1,2m, 1 đầu đạn và nhiều gậy gỗ là hung khí gây án. Khi lực lượng Công an ra quyết định khởi tố và bắt 5 đối tượng về tội “Giết người” và “Cố ý hủy hoại tài sản” thì mọi khuất tất mới được làm sáng tỏ.
Cần ngăn chặn những cuộc hỗn chiến bằng vũ khí “nóng”…
Có thể nói, do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hung khí, phương tiện trước khi gây án nên hậu quả của các vụ việc thường rất nghiêm trọng, làm thiệt hại đến sức khỏe và tài sản, gây dư luận xấu và tâm lý hoang mang lo lắng trong nhân dân.
Từ thực trạng phát sinh loại tội phạm này chúng ta thấy rằng: Công tác phòng ngừa tội phạm trong gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư và công tác giáo dục pháp luật chưa được quan tâm đúng mức, chưa xây dựng được ý thức tự giác, chấp hành pháp luật cho mọi thành viên trong xã hội.
Các cấp chính quyền cơ sở chậm phát hiện và giải quyết mâu thuẫn gia đình, tranh chấp đất đai nhà cửa, khai thác tài nguyên và các mâu thuẫn do tệ nạn rượu chè, cờ bạc… nên đã xảy ra nhiều vụ cố ý gây thương tích, giết người do mâu thuẫn không đáng có. Quy định của pháp luật đã chặt chẽ nhưng vẫn còn kẽ hở khi đối tượng sử dụng các loại hung khí, nhất là các loại súng tự tạo.
Số vũ khí “nóng” bị phát hiện thu giữ trong một vụ việc
Loại vũ khí này không được coi là vũ khí quân dụng nên chưa được xử lý nghiêm. Chỉ khi nào hành vi sử dụng các loại vũ khí đó gây hậu quả nghiêm trọng mới được xử lý hình sự nên đã gây khó khăn cho công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ.
Theo đại tá Trần Sơn, Trưởng Công an huyện Can Lộc, để phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm sử dụng vũ khí “nóng”, ngoài việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, thường xuyên tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật phòng ngừa tội phạm đến tận người dân, chúng ta cần đặc biệt coi trọng vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm tuyên truyền định hướng giúp cho người dân nắm được phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm
hình sự để phòng tránh và tham gia đấu tranh.
Tăng cường công tác quản lý nhân hộ khẩu, quản lý đặc doanh, quản lý vũ khí chất nổ, chất độc hại làm hạn chế, thu hẹp tiến tới xóa bỏ điều kiện hoạt động của bọn tội phạm. Triển khai đợt kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Lực lượng Công an phối hợp chặt chẽ với quân đội, các ngành, các lực lượng có liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động toàn dân thu hồi, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các loại hung khí.
Tổ chức rà soát, kiểm tra không để xảy ra các trường hợp thất thoát vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ cơ bản; khai thác triệt để các đối tượng bị bắt về các đối tượng đang còn ở ngoài xã hội để có tài liệu phục vụ công tác quản lý, điều tra; đẩy mạnh hơn các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh trấn áp tội phạm, chú trọng đến các loại tội phạm có tổ chức, côn đồ hung hãn, có sử dụng vũ khí "nóng" hoặc các hung khí khác có thể gây chết người.
Tập trung rà soát những băng nhóm tội phạm nghi vấn có vũ khí, những mâu thuẫn trong nhân dân, hoặc giữa các băng nhóm, tăng cường công tác kiểm tra hành chính, thông qua đó chủ động phát hiện các băng nhóm có hành vi mang theo vũ khí đi gây án để kịp thời ngăn chặn. Thúc đẩy phong trào toàn BVANTQ, phát động nhân dân nâng cao cảnh giác, tăng cường phát hiện tội phạm.
Xuân Lý - Sỹ Quý
.