Vụ Nguyễn Văn Toàn, “quan” địa chính xã Nghĩa Tân đang chờ ngày ra trước vành móng ngựa sau khi “phẫu thuật” 2 bìa đỏ lấy tiền của dân gây xôn xao dư luận huyện Nghĩa Đàn, thì mới đây TAND tỉnh Nghệ An đưa một “quan” địa chính xã ra xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và tội “Giả mạo trong công tác” sau khi “phẫu thuật” làm 2 bìa đỏ cho hai chủ hộ ở địa phương này lấy tiền bỏ túi.Đó là Nguyễn Sỹ Tân (SN 1975) trú ở xóm 5, xã Tràng Sơn, Đô Lương.
Do có nhu cầu làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thường gọi là bìa đỏ), khoảng tháng 3/2003, anh Lê Văn Hoàng trú ở xã Tràng Sơn, Đô Lương, nhờ Tân làm bìa đỏ cho 2 anh em Lê Văn Hoàng và Lê Văn Ngọc. Tân bảo hết 9 triệu đồng. Anh Hoàng và anh Ngọc đồng ý.
Lợi dụng nghề nghiệp, Nguyễn Sỹ Tân dùng lại 2 bìa đỏ cũ đã thanh lý, đem “phẫu thuật” tẩy xóa sửa chữa các nội dung về diện tích, số thửa đất và từ tên hộ là Lê Văn Hòa thành Lê Văn Hoàng và từ chủ hộ Lê Văn Ngọ thành Lê Văn Ngọc. Sau khi tẩy xóa sửa chữa xong, Tân mang 2 bìa đỏ trên đưa cho anh Hoàng và anh Ngọc.
Năm 2010, do có nhu cầu vay vốn ngân hàng để làm ăn, anh Hoàng và anh Ngọc đem 2 bìa đỏ trên để giám định tại UBND xã và Phòng Kỹ thuật hình sự của Công an đều kết luận: Cả 2 bìa đỏ trên đều bị tẩy xóa. Biết mình bị Tân lừa, anh Hoàng và anh Ngọc làm đơn tố cáo gửi Công an huyện Đô Lương.
Trong quá trình điều tra, Tân chỉ khai có nhận của anh Ngọc 2 triệu đồng. Việc giao nhận tiền không có giấy tờ biên nhận, nên cơ quan điều tra không có cơ sở pháp lý để thu đủ số tiền 9 triệu đồng như gia đình bị hại khai báo.
Vụ án đang trong quá trình điều tra thì Công an huyện Đô Lương tiếp tục khởi tố vụ án liên quan đến đền bù, GPMB của huyện trên địa bàn xã Tràng Sơn, trong đó Nguyễn Sỹ Tân, cán bộ địa chính xã liên quan trong vụ án.
Trong quá trình điều tra được làm rõ như sau, thực hiện dự án nâng cấp, sửa chữa kè bờ tả sông Lam đoạn qua xã Tràng Sơn, Hội đồng GPMB huyện Đô Lương cử một đoàn cán bộ phối hợp với chính quyền địa phương và Nguyễn Sỹ Tân, cán bộ địa chính xã Tràng Sơn để đền bù, GPMB. Phan Sỹ Hùng, cán bộ thực tập của Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện làm tổ trưởng.
Quá trình thực hiện chia làm 2 đợt. Đợt 1 vào tháng 3/2008, do Phan Sỹ Hùng và Nguyễn Sỹ Tân được giao nhiệm vụ trực tiếp lập hồ sơ đền bù. Tân cung cấp về số liệu diện tích đất đai, loại đất, nguồn gốc, thời gian sử dụng, các giấy tờ về đất, số nhân khẩu của đất được đền bù. Phan Sỹ Hùng lập hồ sơ đền bù cho các hộ nhưng không tổ chức điều tra cụ thể các số liệu do Tân cung cấp.
Trong 92 hộ đền bù có 1 hộ ở xóm 4, xã Tràng Sơn, có diện tích 462,8m2 là đất ông Trần Văn Thụ thuê của UBND xã Tràng Sơn sản xuất. Mặc dù biết rõ đó là đất thuê, nhưng lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, Tân vẫn cố tình che dấu. Tân báo cáo và đưa số liệu số đất trên thuộc đất 64 để lập hồ sơ đền bù cho ông Thụ số tiền trên 40 triệu đồng.
Đợt 2 khoảng tháng 9/2009, Nguyễn Sỹ Tân tiếp tục tiến hành lập hồ sơ đền bù cho 8 hộ và tập thể UBND xã Tràng Sơn, trong đó có đất của ông Hoàng Văn Thụ và tài sản trên đất chưa được đền bù nên lập hồ sơ đền bù trên 50 triệu đồng. Để trừ lại số tiền đền bù sai đất ông Thụ trong đợt 1, lần này Tân trực tiếp nhận tiền, sau đó trả lại cho ông Thụ 10 triệu đồng. Số tiền còn lại trên 40 triệu đồng Tân bỏ túi chiếm giữ trái phép.
Nguyễn Sỹ Tân và Phan Sỹ Hùng trước vành móng ngựa
Tiếp đó vào khoảng tháng 3/2010, thực hiện dự án quy hoạch chi tiết xây dựng chia lô đất ở tại xã Tràng Sơn, GPMB giao cho Phan Sỹ Hùng cùng các thành viên khác phối hợp với chính quyền địa phương và Nguyễn Sỹ Tân, cán bộ địa chính xã để thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, Nguyễn Sỹ Tân cố tình không báo cáo đất 6 hộ dân nằm trong khu vực đền bù thuộc đất 5% của UBND xã (không thuộc diện đền bù). Phan Sỹ Hùng được giao trách nhiệm chính nhưng không tổ chức kiểm tra xác minh các nội dung: Diện tích, nguồn gốc, loại đất, thời gian sử dụng đất. Do đó trong 29 hộ dân được đền bù với tổng số tiền trên 974 triệu đồng, đã lập hồ sơ đền bù sai 6 lô đất 5% (không thuộc diện trong mục đất 64 để đền bù), với tổng số tiền đền bù sai là 367 triệu đồng.
Tiếp đó, khoảng tháng 3/2011, thực hiện dự án di chuyển, nâng cấp đê Cầu Dâu, huyện Đô Lương, hội đồng bồi thường GPMB huyện lại giao cho Phan Sỹ Hùng làm tổ trưởng, phối hợp với UBND xã Tràng Sơn thực hiện công tác GPMB. Nguyễn Sỹ Tân lại được UBND xã tín nhiệm giao cung cấp số liệu liên quan đến công tác lập hồ sơ, chủ yếu là sổ thống kê đất 2008.
Phan Sỹ Hùng chỉ đạo cho nhân viên dưới quyền viết hồ sơ mà không phát bản tự khai do các hộ dân tự viết; không tổ chức xác minh các số liệu do Tân cung cấp.
Do không thực hiện đúng quy định, nên trong 78 hộ lập hồ sơ đền bù đã sai 6 hộ và đền sai khống 2 hộ. Trong đó có thửa đất của gia đình ông Hòa đã chuyển khẩu về TP Vinh từ năm 1993, đất đã bàn giao cho UBND xã Tràng Sơn, sau đó ông Phan Sỹ Hồng mượn thửa đất trên để canh tác, nhưng ông Hồng vẫn được lập hồ sơ đền bù tiền trên 115 triệu đồng. Thậm chí có thửa người dân chiếm dụng để canh tác nhưng vẫn được đền bù trên 53 triệu đồng.
Trong quá trình điều tra, Công an huyện Đô Lương đã thu giữ trên 146 triệu đồng, trong đó ông Phan Sỹ Hồng nộp 100 triệu đồng; Nguyễn Sỹ Tân, cán bộ địa chính xã nộp 42 triệu đồng; Nguyễn Văn Hòa, thủ quỹ nộp 2.172.800 đồng tiền lãi suất và 2.067.800 đồng tiền đền bù hoa màu.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm cuối tháng 6/2012 của TAND huyện Đô Lương tuyên phạt bị cáo Nguyễn Sỹ Tân 24 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và 6 tháng tù về tội “Giả mạo trong công tác”. Sau khi án sơ thẩm tuyên, bị cáo và người bị hại trong vụ án làm đơn kháng cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm TAND tỉnh mới đây, sau khi xem xét các tình tiết tăng giảm hình phạt, HĐXX tuyên bố không giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Sỹ Tân.
Hữu Trọng
.