Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201211/24519-du-thao-thong-tu-thu-phi-su-dung-duong-bo-con-lam-ban-khoan-393951/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201211/24519-du-thao-thong-tu-thu-phi-su-dung-duong-bo-con-lam-ban-khoan-393951/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Dự thảo Thông tư thu phí sử dụng đường bộ còn lắm băn khoăn - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 02/11/2012, 18:54 [GMT+7]
24519

Dự thảo Thông tư thu phí sử dụng đường bộ còn lắm băn khoăn

Theo Dự thảo thông tư, mức phí phải đóng đối với xe đạp điện và xe máy từ 50 đến 100 phân khối là 50.000 - 100.000 đồng/xe/năm, xe trên 100 phân khối đóng 100.000 - 150.000 đồng/xe/năm. Căn cứ mức thu phí trên, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức thu phù hợp.
 
UBND xã, phường, thị trấn tổ chức thu phí đối với xe máy, xe đạp điện của tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Với loại phương tiện ôtô, tùy loại xe, mức thu dao động từ 130.000 - 1.040.000 đồng/xe/tháng. Trong đó, xe tải, xe ôtô chuyên dụng có trọng lượng toàn bộ từ 27.000 kg trở lên có mức thu cao nhất là 1.040.000 đồng/tháng.
 
Về phương thức nộp phí đối với loại phương tiện ôtô, phí sử dụng đường bộ được thu theo chu kỳ đăng kiểm của xe. Đến kỳ đăng kiểm, chủ xe mang xe đến đăng kiểm và nộp phí sử dụng đường bộ cho cơ quan đăng kiểm.
 
Dự thảo thu phí sử dụng đường bộ đang gây ra nhiều thắc mắc cho chủ phương tiện bởi tính thiếu công bằng -  Tranh minh hoạ
 
Cơ quan đăng kiểm dán tem đăng kiểm tương ứng với chu kỳ đăng kiểm và tem nộp phí đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí. Mặc dù, chưa chính thức có hiệu lực thi hành nhưng một số quy định trong bản dự thảo đã bộc lộ không ít điểm bất cập, chưa hợp lý.
 
Trước hết, Dự thảo Thông tư quy định phí bảo trì đường bộ được tiến hành thu trực tiếp trên đầu phương tiện. Với phương thức thu này, phí bảo trì đường bộ sẽ trở thành một loại “phí cố định” mà tất cả các chủ sở hữu phương tiện phải nộp. Như vậy, thay vì phương án thu phí gián tiếp qua xăng dầu, việc thu phí trực tiếp trên đầu phương tiện sẽ tạo ra sự thiếu công bằng khi xe chạy ít, chạy nhiều hoặc không lưu thông trong một khoảng thời gian dài vẫn phải đóng một mức phí như nhau.
 
Mặc dù, tại khoản 2, điều 2 của Dự thảo Thông tư có nêu: “Các trường hợp xe ôtô bị hủy hoại do tai nạn, bị tịch thu, bị tạm giữ, bị tai nạn không sử dụng từ 30 ngày trở lên thì không phải nộp phí tương ứng với thời gian không sử dụng sau khi đã có đủ các loại hồ sơ theo quy định”.
 
Điều này có nghĩa là, nếu xe bị tịch thu, tạm giữ hoặc do tai nạn không thể lưu thông dưới 29 ngày vẫn phải đóng phí bình thường. Chính sự “cào bằng” trong việc áp đặt mức thu trên đầu phương tiện có thể khiến cho chủ sở hữu các phương tiện ít lưu thông không tự giác trong việc nộp phí theo đúng quy định.
 
Cũng theo Dự thảo này, việc thu phí sử dụng đường bộ đối với ôtô được giao cho cơ quan đăng kiểm. Riêng phí đối với xe máy, xe đạp điện do cơ quan cấp phường, xã đảm nhận. Nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền cấp phường, xã sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác thu phí. Hiện nay, trong các gia đình, việc sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại khá phổ biến.
 
Mỗi gia đình thường có từ một đến vài ba chiếc xe máy. Chính quyền cấp phường, xã vốn thiếu hụt về nhân lực nay lại phải cắt cử người đến từng gia đình ở các khối, xóm làm nhiệm vụ kiểm đếm đầu xe, kê khai thông tin, thời gian nộp phí… Nếu người mới mua xe không tự giác kê khai với chính quyền địa phương thì lại cần phải có thêm người phát hiện, xử lý. Với những khó khăn nêu trên, tình trạng thất thu rất có thể xảy ra.
 
Trong bối cảnh năm 2012, nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Dự báo đến năm 2013, tình hình vẫn chưa thể cải thiện trong ngày một ngày hai. Việc áp dụng thu phí sử dụng đường bộ ngay từ ngày đầu của năm 2013 có thể gây khó cho cả người dân và doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải.
 
Đối với người dân, khi mua một chiếc xe mới, họ đã phải đóng khá nhiều khoản thuế, phí nay lại phải “cõng” thêm khoản phí sử dụng đường bộ sẽ tăng thêm gánh nặng chi tiêu. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, với mức thu phí dao động từ 130.000 - 1.040.000 đồng/xe/tháng, tùy thuộc vào trọng tải xe, khoản phí phải đóng thực sự là cả một vấn đề, nhất là trong thời điểm khó khăn này.
 
Chẳng hạn, với doanh nghiệp vận tải chuyên dùng xe container, mức phí phải đóng cho loại xe có trọng tải lớn này là 1.040.000 đồng/xe/tháng. Cứ 6 tháng, doanh nghiệp đã phải chi hơn 6 triệu đồng tiền phí sử dụng đường bộ cho một chiếc xe. Nếu doanh nghiệp có 50 xe thì đã mất hơn 300 triệu đồng.
 
Đó là chưa kể việc họ có thể phải trả lãi suất vay ngân hàng và trong khoảng thời gian 6 tháng đó, có thể có những xe không hoạt động do hỏng hóc hoặc thiếu nguồn hàng. Năng lực vận tải của doanh nghiệp giảm sút nhưng vẫn phải nộp phí theo thời gian dù hoạt động hay không là điều bất hợp lý.
 
Không chỉ áp dụng đối với các loại phương tiện ôtô, xe máy, theo quy định trong Dự thảo Thông tư, việc thu phí còn được thực hiện đối với loại phương tiện xe đạp điện. Đây cũng là quy định khiến không ít người băn khoăn. Đối tượng sử dụng xe đạp điện phần lớn là học sinh, sinh viên, người già, người có thu nhập thấp.
 
Xe đạp điện đang là loại phương tiện được khuyến khích sử dụng do giá thành hợp lý, giảm ùn tắc, thân thiện với môi trường. Xét về thông số kỹ thuật, xe đạp hay xe đạp điện có thể xếp vào loại phương tiện thô sơ. Trọng lượng và mức độ chà xát, tiếp xúc làm hỏng mặt đường của loại phương tiện này là không đáng kể so với ôtô, xe máy. Trong khi đó “độ vênh” nhỏ về mức phí phải đóng giữa xe máy và xe đạp điện là điểm bất cập.
 
Một chiếc xe đạp điện có giá từ 6 - 9 triệu đồng phải đóng mức phí ở khung thấp nhất là 50.000 đồng/xe/năm trong khi một chiếc xe máy có giá trị hàng chục triệu đồng cũng chỉ đóng mức phí tối đa là 150.000 đồng/xe/năm. Phần lớn người sử dụng xe đạp điện là người có thu nhập thấp hoặc chưa có thu nhập, nhiều người đặt câu hỏi: Việc “tận thu” phí sử dụng đường bộ đối với loại phương tiện này liệu có đi ngược lại với nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội cho người dân?
 
Thu phí để tăng nguồn ngân sách đầu tư, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, góp phần phát triển kinh tế là điều cần thiết.
 
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, mặt bằng thu nhập của phần lớn người dân nhìn chung còn thấp, việc quy định mức thu, cách thức thu phí sử dụng đường bộ và thời điểm áp dụng sao cho hợp lý là vấn đề cần được tính toán, xem xét kỹ lưỡng. Điều quan trọng nhất khiến người dân quan tâm là, các khoản thuế, phí phải được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

Bùi Minh Tuấn
.