Sau khi ban hành luật, các ban ngành, đoàn thể, tổ chức đã triển khai tuyên truyền, vận động, học tập, hướng dẫn luật đến tận các hộ gia đình, thôn bản, xóm làng. Nhưng hầu như vẫn có nhiều gia đình và các cặp vợ chồng còn xem nhẹ chế tài xử phạt của nó để rồi vẫn có những hậu quả đau buồn đáng tiếc xảy ra.
Điển hình có một số nơi, vùng miền trong tỉnh còn xảy ra một số tình trạng "ông ăn chả, bà ăn nem" dẫn đến ghen tuông, mâu thuẫn gia đình phát sinh, chồng đánh đập vợ dã man, bố đánh con, đốt sách vở không cho đi học, mẹ ruột bỏ rơi con mới đẻ, làm nhục người khác ngay giữa chợ, cơ quan làm việc và những nơi công cộng bằng cách dùng kéo cắt tóc, xé quần áo, chửi bới, lăng mạ người khác.
Sự bền vững, hạnh phúc gia đình không được yên ổn, con cái không được chăm lo học hành, giáo dục đến nơi đến chốn dẫn đến nghiện ngập, bỏ học, bỏ nhà đi bụi đời, lang thang, tư tưởng tâm lý bị dồn nén vì vậy có một số trường hợp đã giải thoát số phận cho mình bằng cách tìm đến cái chết như: Nhảy cầu, đâm xe, uống thuốc ngủ, thuốc sâu, thuốc cỏ, cá biệt còn có một số ít người dân tộc thiểu số ăn lá ngón, nuốt mật cóc...
Chị Lô Thị L. (SN 1968) trú tại xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, chồng mất sớm do nghiện ma tuý, chị đã có 3 đứa con. Cuộc sống của chị tưởng chừng đã bình lặng, cho đến ngày chị L. gặp anh Nguyễn Văn H. (SN 1974) trú tại xã Thanh Ngọc, Thanh Chương trong một lần anh H. vào bản làm gỗ.
Thấy anh H. dáng người trẻ đẹp, cao to, khoẻ mạnh, da đen xạm vì sương gió, lại ít tuổi hơn, chị cảm thấy động lòng. Tình cảm của hai người lớn dần qua từng ánh mắt, cử chỉ, nụ cười và họ đã đăng ký kết hôn. Nhưng thời gian anh H. sống chung với chị L. họ đã nhận ra một điều rằng đó chỉ là sự ngộ nhận về tình cảm, khát khao dục vọng mà đến với nhau.
Trớ trêu cuộc đời chị, lại thêm một người chồng luôn tìm đến rượu, bia, bài bạc để mua vui, thậm chí H. nghiện hút ma tuý từ lúc nào không biết. Từ đó, mâu thuẫn vợ chồng "cơm không ngon, canh chẳng ngọt" rồi anh H. đã dùng bạo lực của người đàn ông để tra tấn, đánh đập chị L. ngày càng nhiều.
H. không làm việc gì nhưng lại cần tiền để tiêu xài. Chị L. không có tiền cho, hắn tiếp tục hành hạ đánh đập dã man, đòi giết chết chị. Không giết chết được chị, thì cũng phải làm cho chị thân tàn ma dại, rồi hắn còn đòi quan hệ tình dục với con gái riêng của chị, đuổi chị khỏi nhà. Chị L. đau đớn, ngậm ngùi trong nước mắt, chỉ biết câm nín chịu đựng.
Rồi chuyện anh Hoàng Văn B. (SN 1982), trú tại huyện Thanh Chương đã có vợ con, nhưng người vợ cũng bị anh đánh đập man rợ, thương tích đầy người do có khúc mắc trong chuyện tình cảm gia đình. Vợ anh đã bỏ đi xuất khẩu lao động nước ngoài, ở nhà anh B. đem con cho bên ngoại nuôi rồi cặp kè, bồ bịch với chị Nguyễn Thị T. (SN 1990).
Chị T. chưa có chồng, quan hệ được một thời gian thì chị T. có thai và bắt anh B. phải cưới nhưng hắn lại dở chứng côn đồ, đe doạ, bắt chị T. phải phá thai. Thương con, chị T. kiên quyết không bỏ đứa bé. Đứa bé ra đời trong sự đàm tiếu của dư luận xã hội, gia đình
Tiếp đó lại không có tiền nuôi nấng, chăm lo cho con, khiến cho chị T. không còn đủ can đảm, nghi lực để nuôi, đành phải bỏ đứa bé mới sinh tội nghiệp trong bụi dứa bên đường và trốn chạy vào miền Nam làm ăn.
Hay như chuyện anh Thái Bá Đ. (SN 1965) trú tại xã Thanh Liên, Thanh Chương đã có vợ và hai đứa con, một trai, một gái, nghi ngờ vợ có bồ bịch với người hàng xóm bên cạnh nhà. Hôm đó, hắn uống rượu hơi quá chén, về nhà trong hơi men nồng nặc với cơn điên sục sôi trong đầu, hắn vừa đi vừa la mắng, chửi bới, lời qua tiếng lại giữa hai người, tiện đó hắn đã lấy con dao có sẵn trong bếp chém chết người vợ và đứa con gái, rồi ôm con trai lao xuống giếng nước để tự sát.
Xã hội ngày càng phát triển nhưng kéo theo đó, cuộc sống lại tạo ra ít nhiều mâu thuẫn nghịch lý. Một bộ phận không nhỏ người dân đã bị thoái hoá về đạo đức, ý thức lương tâm, trách nhiệm của con người, những người làm cha, làm mẹ.
Có những vụ việc gây thương tích hoặc hành vi gây phản cảm cho xã hội, xúc phạm nhân phẩm, danh dự con người đến mức truy tố, thì đã được xử lý bằng các bản án thích đáng của pháp luật, kẻ phạm tội đã đứng sau song sắt để suy ngẫm. Còn những hành vi hành hạ vợ, con theo kiểu thương tích khác sẽ luôn là chuyện riêng của mỗi gia đình, chẳng có ai can ngăn được bởi họ là vợ chồng theo kiểu "vợ, con tao thích tao đánh, thằng nào dám can tao đánh chết".
Đằng sau sự bạo hành gia đình đã dẫn đến tình trạng con cái học hành không đến nơi, đến chốn. Gia đình tan hoang, vợ chồng ly hôn, đau đớn hơn những vết thương tích luôn nằm trên người họ nhưng không dừng lại ở đó, sự tiềm ẩn về tội phạm hình sự cũng hết sức khó lường. Và những điều đáng tiếc trong mỗi gia đình nếu không bao dung, thông cảm cho nhau sẽ là mối đe doạ khó tránh khỏi.
Xuân Phượng
.