“Văn hóa giao thông” được hiểu là nét đẹp của người tham gia giao thông, thể hiện từ việc điều khiển phương tiện giao thông đến lời nói, hành vi, cử chỉ giao tiếp và thái độ tôn trọng luật pháp. Những năm gần đây, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khá nghiêm túc việc đưa “văn hóa giao thông” vào trường học thông qua nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và đảm bảo an toàn tính mạng cho các em học sinh khi tham gia giao thông. Tuy nhiên hiệu quả mang lại vẫn chưa được như mong muốn.
Như chúng ta đã biết, muốn nâng cao ý thức của người tham gia giao thông phải bắt đầu từ các trường học. Bởi một lẽ các em học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước cần phải được giáo dục ATGT để hiểu rõ và có ý thức tự giác cao, nghiêm chỉnh chấp hành mọi quy định về ATGT. Trên thực tế hiện nay, khái niệm "văn hóa giao thông" vẫn còn khá mơ hồ đối với nhiều học sinh, do vậy hiện tượng học sinh vi phạm ATGT vẫn còn khá phổ biến.
Cứ vào giờ tan trường, tại nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Nam Đàn, đặc biệt là đoạn từ Km 34+800 Quốc lộ 46 ngược lên ngã ba thị trấn, tình trạng học sinh tụ tập đông trước cổng trường hoặc ngang nhiên đi xe đạp hàng ba, hàng tư, thậm chí lạng lách, đánh võng gây ách tắc giao thông vẫn còn diễn ra khá phổ biến.
Tình trạng học sinh vi phạm Luật giao thông đường bộ còn diễn ra khá phổ biến
Bởi vậy, đối với những tuyến đường có lưu lượng người tham gia giao thông đông, nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao. Em Bùi Thị Yến, học sinh lớp 12A, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Nam Đàn cho biết: "Qua quá trình học tập về ATGT tại trường, mặc dù đã nhiều lần được đọc qua tài liệu về ATGT, tuy nhiên chúng em vẫn chưa nhận thức đầy đủ về ATGT, vì vậy, nhiều bạn vẫn ngang nhiên vượt đèn đỏ, dàn hàng ba, hàng bốn trên đường, gây ảnh hưởng đến giao thông và ảnh hưởng đến mọi người".
Hiện nay, tình trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm, lái xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, chạy vượt quá tốc độ cho phép, đánh võng, lạng lách, dàn hàng trên đường và gây mất trật tự giao thông vẫn thường xuyên diễn ra. Trong khi việc giáo dục đạo đức trong nhà trường thường chỉ chú trọng tới nề nếp, nội quy, ít chú ý đến hành vi ứng xử thực tế.
Vì vậy, các em không được trang bị những kỹ năng tối thiểu về hành vi ứng xử khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, do nuông chiều con cái sẵn sàng mua sắm hoặc giao xe máy cho con em tới trường khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có bằng lái xe cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm ATGT ở các em học sinh.
Mặt khác, sự phối hợp giữa lực lượng chức năng với các trường học trong việc giáo dục, quản lý, giám sát việc đi lại của học sinh cũng chưa chặt chẽ, khiến cho tình trạng vi phạm diễn ra khá phổ biến, không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân các em, mà còn ảnh hưởng tới những người tham gia giao thông khác.
Vào dịp đầu năm học mới hàng năm, mặc dù các trường học đều phối hợp với lực lượng công an và các ngành chức năng tổ chức cho các em học sinh học tập, tìm hiểu luật lệ ATGT, đồng thời phối hợp với phụ huynh học sinh tổ chức cho con em mình ký cam kết không vi phạm pháp luật về ATGT. Tuy nhiên, hiệu quả chưa được như mong muốn.
Theo cô Trần Thị Duyên, Bí thư đoàn Trung tâm giáo dục thường xuyên Nam Đàn: "Mặc dù đoàn trường đã tổ chức cho học sinh học tập, tìm hiểu, ký cam kết, nhưng khi tham gia giao thông vẫn có một bộ phận học sinh còn lơ là. Tồn tại nhất vẫn là tình trạng học sinh đi hàng ba hàng bốn. Mặc dầu đã cố gắng rất nhiều nhưng đoàn trường cũng mong muốn có sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để cho các em học sinh khi tham gia giao thông tốt hơn, không vi phạm Luật giao thông đường bộ".
Để hình thành “văn hóa giao thông” cho đối tượng học sinh, thiết nghĩ việc tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về ATGT cho học sinh không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà đòi hỏi phải có sự kết hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa gia đình và xã hội.
Đặc biệt là sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng với những giải pháp nghiêm khắc hơn, cần thiết phải có những biện pháp xử phạt và chế tài thật nặng, đủ răn đe những đối tượng vi phạm Luật giao thông đường bộ. Đặc biệt, đối với các trường học, thông qua các buổi thảo luận, diễn đàn tuyên truyền về ATGT, cần phải đưa học sinh vào các tình huống xử lý thực tế.
Các trường học nên có quy định chặt chẽ khi đánh giá xếp loại hạnh kiểm học sinh hàng năm, bất cứ học sinh nào bị xử phạt vi phạm ATGT đều hạ bậc hạnh kiểm. Có như thế ý thức chấp hành pháp luật và văn hóa giao thông của các em mới được nâng cao. Qua đó, nhằm tạo cho các em thói quen lành mạnh, ý thức tự giác cũng như trách nhiệm đối với cộng đồng, bảo đảm an toàn tính mạng cho chính mình và cho mọi người, tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra khi tham gia giao thông.
Lê Hoa - Hồng Sương
.