Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201210/23483-khi-cac-bi-cao-la-cha-con-anh-em-ruot-394777/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201210/23483-khi-cac-bi-cao-la-cha-con-anh-em-ruot-394777/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Khi các bị cáo là cha con, anh em ruột - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 14/10/2012, 12:00 [GMT+7]
23483

Khi các bị cáo là cha con, anh em ruột

Nguyễn Hữu Đồng và Nguyễn Hữu Trung là hai anh em ruột, sinh ra trong một gia đình thuần nông, tại bản Khe Đóng, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông. Do kinh tế gia đình khó khăn, hơn nữa từ nhà đến trường học phải trèo đèo lội suối, vì vậy cả Đồng và Trung đều bỏ học giữa chừng.
 
Tuy nhà nghèo nhưng anh em thương nhau hết mực. Những ngày đói cơm, nhạt muối, hai anh em Trung và Đồng rủ nhau lên đồi đào măng, hái đọt sắn, đốn củi đem về bán lấy tiền nuôi mẹ và em gái ăn học.
 
Bỗng một hôm, Nguyễn Hữu Đồng nghe tin em gái mình bị một thanh niên cùng xã, khác bản chặn đường, đánh vô cớ, Đồng ấm ức tìm cách gặp người thanh niên đó để hỏi cho ra môn, ra khoai.

Một hôm đi làm về, Nguyễn Hữu Đồng tình cờ gặp Vi Văn Tình, trú ở bản Kẻ Gia, xã Thạch Ngàn cũng đi rừng về đang ngồi trong quán của xã uống nước, Đồng đi đến hất hàm hỏi: “Tại sao mày dám đánh đập em gái tao”? “Mày là cái thớ gì mà dám can thiệp vào” - Tình trả lời. Lời qua tiếng lại, hai bên đánh nhau. Lợi thế to cao, Vi Văn Tình đấm trúng vào mặt Nguyễn Hữu Đồng mấy quả liền rồi bỏ về nhà.
 
Ngay sau đó, Nguyễn Hữu Đồng đi đến nhà Vi Văn Tình trả thù. Tình cầm một dao từ phía sau phang một nhát vào bả vai trái Đồng. Chém xong, Tình chạy sang nhà em trai để trốn, Đồng rút con dao trong vỏ đeo bên người đuổi theo, tri hô lớn: “Bắt thằng Tình lại. Hắn chém tao bị thương rồi”. Nghe tiếng kêu cứu của Đồng, Nguyễn Hữu Trung là anh trai của Đồng và Nguyễn Hữu Hà (em họ của Đồng) cũng đuổi theo bắt Tình.
 
Lúc này Vi Văn Tình như con thú đang bị nhóm người đi săn lùng sục, truy bắt bằng được. Trong lúc bị truy đuổi, do hoảng loạn, Tình bị ngã. Cùng lúc 3 anh em của Đồng lao đến, Đồng vung dao chém một nhát vào đầu Vi Văn Tình. Tình đổ nhào xuống đất máu chảy lênh láng. Mặc dù biết rằng em trai mình đã chém anh Tình đổ máu, nhưng Nguyễn Hữu Trung và Nguyễn Hữu Hà vẫn dùng ghế, đá ném vào mặt anh Tình. Do vết thương quá nặng, Vi Văn Tình chết trên đường cấp cứu.
 
Hai cha con Long và Cường trước tòa

Tại phiên tòa, trong phần tranh tụng, xét về tình tiết, bị cáo Nguyễn Hữu Đồng là người bị anh Vi Văn Tình hành hung trước. Đây cũng là tình tiết để Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, Nguyễn Hữu Đồng là người gây ra cái chết của anh Vi Văn Tình. Còn bị cáo Nguyễn Hữu Trung và bị cáo Nguyễn Hữu Hà là người có tác động liên quan đến cái chết của anh Tình.
 
Bởi lẽ trên, TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt: Nguyễn Hữu Đồng 8 năm tù giam; Nguyễn Hữu Trung 3 năm, 6 tháng tù giam và Nguyễn Hữu Hà 3 năm tù giam. Trước khi các bị cáo Đồng, Trung và Hà lên xe để chịu án, bà mẹ của các bị cáo ở tuổi xưa nay hiếm, lưng còng như cây tre lê từng bước chân  nhìn theo các con, giọng đứt quãng: “Đồng ơi!... Trung ơi! Sao các con bỏ mế ở lại một mình”!
 
Nghe tiếng gọi của mẹ đẻ, Đồng và Trung như xé lòng, dù họ có ân hận bao nhiêu nhưng tất cả đã muộn. Nếu như Trung biết dừng lại và can ngăn em mình thì giờ đây đâu phải hai anh em cùng vào tù, đâu phải để người mẹ già vắng bóng Trung và Đồng khi tối lửa tắt đèn.

Tương tự như Trung và Đồng, là trường hợp 2 cha con Nguyễn Đình Long và Nguyễn Đình Cường, trú ở xóm 8, xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc. Chỉ  vì những lời nói thiếu tôn trọng dẫn đến cái chết nghiệt ngã của một thanh niên cùng làng sau nhát dao đầy sát khí của Nguyễn Đình Long. Nạn nhân là anh Trần Văn Hợi, SN 1971, cũng là người hàng xóm với Long.   

Sáng 8/4/2012, chị Nhung đi chợ thì gặp chị Lê Thị Long (vợ của Nguyễn Đình Long), trong lúc nói đùa, do chấp nhau, lời qua tiếng lại, hai người to tiếng và dẫn đến chửi vả xúc phạm nhau. Thấy tủi thân, chị Nhung về nhà đem chuyện kể lại với anh Hợi. Nghe xong, anh Hợi đứng dậy đi bộ sang nhà chị Lê Thị Long để “hỏi tội” vì đã xúc phạm chị Nhung. 
 
Và một cuộc “hỗn chiến” xảy ra tại nhà anh Long.  Khi anh Long lao vào giật lại con dao từ tay Hợi đã bị dao đâm trúng tay chảy máu, Long đâm liên tiếp nhiều nhát vào người anh Hợi. Mặc dầu thấy bố của mình đã đâm anh Hợi nhiều nhát, đổ gục xuống đất, nhưng Nguyễn Đình Cường (con trai của Long) vẫn vào buồng cầm một lưỡi kiếm tự chế lao ra chém nhiều nhát vào hai chân anh Hợi.
 
Thấy đông người chạy đến, sợ bạn của Hợi vào đánh, Long nhặt thanh kiếm mà Cường vứt lại, vung tay tuyên bố: “Thằng nào vào đây tao chém hết”. Biết không thể thoát tội, Long tìm đến Công an huyện Nghi Lộc đầu thú, khai báo hành vi phạm tội của mình. Hành vi của hai cha con Nguyễn Đình Long và Nguyễn Đình Cường đã phạm tội giết người.

Ngày 20/9/2012, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự. Sau lưng của hai bị cáo là ông Nguyễn Đình Thụ (bố đẻ bị cáo Long) đã hơn 80 tuổi  nhưng hai mắt lúc nào cũng nhoè nước. Cả hội trường lấy làm xúc động khi nghe ông Thụ, đề nghị tòa cho Cường được hưởng án treo để làm ăn, nuôi dưỡng ông lúc ốm đau và... Nói chưa dứt lời, ông Thụ ngồi sụp xuống ghế cúi mặt xuống đất lấy tay gạt những giọt nước mắt chảy dài trên gò má nhô cao.
 
Anh em Nguyễn Hữu Đồng sau khi tòa tuyên án
  
Tuy nhiên trong phần thẩm vấn, khi tòa hỏi bị cáo Nguyễn Đình Long đã đâm mấy nhát dao vào người anh Hợi? Bị cáo Long trả lời không nhớ. Nhưng sang ngày 21/9, bị cáo Long lại khai rằng bị cáo chỉ đâm anh Hợi một nhát… Tòa tuyên bố trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, làm rõ thêm hành vi dẫn đến cái chết của anh Hợi.

Vụ án chưa đến hồi kết. Tuy nhiên, người phạm tội sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng, nhưng hậu quả đau lòng thì không thể nguôi ngoai trong ngày một ngày hai. Người thì vĩnh viễn mất chồng, mất cha, kẻ thì phải chịu cảnh chồng con tù tội. Âu cũng là bài học đau lòng cho những người phụ nữ khi kém hiểu biết trong cách sống, trong cư xử, họ chỉ biết chấp nhặt những chuyện nhỏ nhặt, vụn vặt mà không biết hậu quả rồi sẽ đi đến đâu.
 
Trong 2 vụ án này, nếu như ai cũng biết nhường nhịn nhau, bỏ qua cho nhau, sống có tình làng nghĩa xóm, và trách nhiệm với nhau hơn… thì đâu dẫn đến nông nỗi đau lòng này. Ông cha ta có câu: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, như nhắc nhở mọi người sống phải có tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, đó là thể hiện đạo lý làm người và cũng là cách cư xử có văn hóa của mỗi chúng ta.

Hữu Trọng
.