Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201209/22985-lam-that-bai-am-muu-tung-tin-xuyen-tac-bia-dat-395201/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201209/22985-lam-that-bai-am-muu-tung-tin-xuyen-tac-bia-dat-395201/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Làm thất bại âm mưu tung tin xuyên tạc, bịa đặt - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 17/09/2012, 09:43 [GMT+7]
22985

Làm thất bại âm mưu tung tin xuyên tạc, bịa đặt

 Tiến bộ của khoa học thông tin, theo đó là công nghệ và những phương tiện thông tin ngày càng tiên tiến, giá rẻ đặc biệt là từ khi internet ra đời đã tạo ra một cuộc cách mạng thông tin làm thay đổi cả thế giới. Internet có nhiều mặt tiến bộ khiến không một quốc gia nào muốn hội nhập với thế giới lại có thể từ chối nó. Nhưng bên cạnh mặt tích cực, internet cũng mang trong nó, về bản chất, rất nhiều mặt tiêu cực. Tham gia mạng internet, những kẻ xấu có thể ăn cắp, lừa đảo qua hệ thống ngân hàng, thương mại điện tử hàng tỷ USD ở những nơi cách thủ phạm hàng nghìn km. Có thể xâm nhập vào các kho dữ liệu điện tử, ăn cắp những bí mật an ninh-quốc phòng tuyệt mật, điều mà trước đây những tình báo sành sỏi nhất cũng bó tay, việc công bố hàng chục vạn trang tài liệu mật đánh cắp được trên mạng Wikileaks thời gian qua là một thí dụ. Internet còn như một cái chợ thông tin tự phát, nhiều kẻ xấu, kẻ bệnh hoạn, gây rối có thể bày bán ở đây rất nhiều thông tin dâm ô, bạo lực, băng hoại đạo đức… mà không bị kiểm soát về danh tính, xuất xứ. Độ phát tán những thông tin xấu này cũng gần như không phụ thuộc vào không gian, thời gian, biên giới hành chính, v.v…

 

Thực tiễn sinh động của sự nghiệp cách mạng luôn bị các thế lực thù địch xuyên tạc, bịa đặt nhằm lung lạc lòng tin của nhân dân, làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc

 
Theo dự báo, với sự tiến bộ đáng kinh ngạc của công nghệ thông tin, sắp tới người ta có thể xem TV, nghe radio, xem internet bằng những “tờ giấy điện tử”, ở bất kỳ đâu với giá cực rẻ. Ngoài lợi thế có thể giấu kín danh tính (nặc danh), xuất xứ, internet còn có một lợi thế rất quan trọng khác đó là có thể giao lưu tức thì một cách dễ dàng với hàng triệu bạn đọc qua chức năng phản hồi, tham gia thảo luận… của nó. Chỉ cần một thông tin bịa đặt, xuyên tạc hoặc một lời kêu gọi, triệu tập nào đó được phát tán trên các blog, các mạng xã hội (trên thế giới hiện có hàng ngàn mạng xã hội có tiếng, hàng trăm triệu người có blog), lập tức nó tác động đến hàng triệu người, điều mà không một báo chí truyền thống nào có thể làm được.

 

Tất nhiên, các thế lực xấu, các lực lượng thù địch, những cá nhân bất hảo về chính trị không bỏ qua những hiệu ứng tiêu cực (với họ là những lợi thế) này để thực hiện những mưu đồ thâm độc, điều mà trước đây họ không thể hoặc khó khăn lắm mới thực hiện được một phần bằng báo in, truyền đơn, đài phát thanh để phục vụ cho chiến lược diễn biến hòa bình hoặc thúc đẩy quá trình tự diễn biến ở những quốc gia có chế độ chính trị họ không ưa thích. Một thủ đoạn đang rộ lên hiện nay trong việc sử dụng internet trong lĩnh vực này là phao tin đồn nhảm, chia rẽ nội bộ, làm suy yếu khối đoàn kết trong nội bộ Đảng, giữa Đảng với dân, gữa nội bộ nhân dân.

Diễn biến hòa bình và các thủ đoạn thúc đẩy quá trình tự diễn biến là bằng các biện pháp tổng hợp chính trị-xã hội, an ninh-quốc phòng, kinh tế, ngoại giao, tư tưởng, văn hóa… nhằm làm suy yếu chế độ chính trị của một quốc gia, khiến cho chế độ chính trị đó lung lay, mất lòng tin và sự ủng hộ của quần chúng, nội bộ chia rẽ, bè cánh, các cá nhân có chức có quyền thoái hóa về lý tưởng, đạo đức, tan rã ý chí chiến đấu… Khi cơ hội đã chín muồi, chúng sẽ kích động quần chúng lật đổ chế độ đó mà không cần chiến tranh, không cần ra mặt can thiệp. Sự tan rã từng mảng lớn các nước XHCN ở Đông Âu, sự tan rã nhanh chóng của Liên Xô và rất nhiều cuộc lật đổ được gọi bằng cái tên hoa mỹ là cách mạng nhung, cách mạng đường phố, cách mạng sắc màu, cách mạng hoa tuy líp, hoa cẩm chướng, hoa nhài… đều thuộc loại này. Cần lưu ý là thông tin nói chung, các mạng xã hội nói riêng trong đó có cả Wikileaks đã đóng vai trò rất quan trọng trong các cuộc lật đổ ở Bắc Phi (Ai Cập, Libya, Tunisia, Yemen) dưới cái tên chung do họ đặt là “Mùa xuân Ả rập” và ở Syria, Trung Đông hiện nay.

Với thế giới thì như vậy, nhưng với Việt Nam thì sao? Dĩ nhiên, Việt Nam và một số nước khác do Đảng Cộng sản cầm quyền, kiên trì đi theo con đường XHCN là những chiếc gai đối với họ. Nhổ những chiếc gai này đi, tức lật đổ chế độ cộng sản ở những nước này không chỉ là mục tiêu hành động cho lý tưởng chống cộng mà với nhiều người nó còn là sự rửa hận, là trả thù cá nhân, những điều họ đã không làm được suốt trong 30 làm tay sai cho ngoại bang, tiến hành cuộc chiến tranh diệt cộng tàn ác, đẫm máu. Họ hành động ráo riết trên mọi lĩnh vực, lĩnh vực nào cũng đầy rẫy những âm mưu thâm độc và nguy hiểm nhưng lĩnh vực tư tưởng, văn hóa là một trong những lĩnh vực được họ quan tâm nhất.

 

Tình hình kinh tế xã hội chuyển biến tích cực nhưng bị các trang mạng, blog xấu bóp méo, bôi đen

Thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt có nhiều, chẳng hạn như khoét sâu vào những yếu kém, khuyết điểm của chế độ ta, gây oán thán, ly tán lòng dân; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; hạ thấp và gieo rắc nghi ngờ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chia rẽ khối đoàn kết và tình hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước, nhất là các nước láng giềng; xuyên tạc và phủ nhận lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng, khoét sâu mâu thuẫn để chia rẽ, cô lập ta như với trường hợp Biển Đông gần đây, từng bước một tách dân ra khỏi Đảng và chính quyền, biến họ thành  lực lượng đối lập với Đảng và chính quyền vv…Theo báo Quân đội nhân dân, cơ quan an ninh đã thống kê được hiện có 400 trang mạng trong đó có 300 trang mạng chống phá Việt Nam ráo riết, ngoài ra còn có 380 tờ báo, tạp chí, 60 đài phát thanh phát tiếng Việt, nhiều hãng thông tấn… ngày đêm chĩa vào Việt Nam.

Các chiêu thức quen thuộc của các trang mạng này là: 1) Các trang web của các tổ chức phản động mạo xưng là của các dân oan, những người đòi dân chủ, đòi tự do thông tin, những người chống tham nhũng chẳng hạn, mà máy chủ đặt tại nước ngoài. Các trang này thường dùng mánh khóe hư hư, thực thực, xuyên tạc, bịa đặt với mục đích chống phá. 2) Mạo danh trang chuyên đề (môi trường, kinh tế, văn hóa) xa lánh chính trị nhưng thực chất là những trang thông tin, bình luận, hướng dẫn, suy diễn thiên lệch về một vấn đề nào đó để dẫn tới chống phá về chính trị. 3) Khai thác triệt để, kích động một số trang mạng của những trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà nghiên cứu… để thực hiện âm mưu chia rẽ, ly tán nội bộ. 4) Lập các trang web giả mạo website của các  đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo địa phượng, những người có uy tín xã hội… để tung tin bịa đặt, gieo rắc nghi ngờ. Có người có đến 4 trang web giả, có người phải lên báo thông báo những trang web giả mang tên mình.

 

Tuy có những thuận lợi về kỹ thuật và mặc dù đã  sử dụng nhiều cách nhưng các thế lực này đều gặp trở ngại lớn là sự thật lịch sử và lòng tin của dân chúng không dễ tác động. Chúng đã từng mở đợt tuyên truyền dài hơi hòng hạ uy tín Hồ Chí Minh, ra hẳn những bộ phim, những clip được giàn dựng công phu để bôi nhọ, hạ uy tín Người. Về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng cũng tìm cách xuyên tạc từ bản chất đến nhiều chiến dịch, trận đánh cụ thể. Chúng cũng đã từng lợi dụng sự căng thẳng trên Biển Đông để chia rẽ, xuyên tạc quan hệ quốc tế giữa ta và Trung Quốc, lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân để ly gián Chính phủ với nhân dân. Nhưng những âm mưu thâm độc đó đều lần lượt thất bại, không đạt được kết quả như chúng mong muốn. Lần này, vẫn những thủ đoạn cũ đó, chúng lợi dụng lúc toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI), sau Bộ Chính trị và Ban Bí thư, các Đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Đảng ủy Ban và Ngành thuộc Trung ương đang tiến hành kiểm điểm, phê bình và tự phê bình, quần chúng đang nghiêm túc và phấn khởi theo dõi kết quả để tung ra nhiều thông tin nhạy cảm, rất khó kiểm chứng nhằm lung lạc dư luận. Những thông tin này liên quan đến nhiều vấn đề kinh tế cả vi mô và vĩ mô, nhiều vấn đề về đường lối như vấn đề các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, ngân hàng, tài chính, nợ công, chính sách kinh doanh đa ngành, những thất thoát và trách nhiệm của một số người đối với một số vụ tham nhũng hoặc bức xúc điển hình để chĩa mũi nhọn vào tập thể và một số đồng chí lãnh đạo có trách nhiệm cao của Đảng và Nhà nước. Chúng còn ra sức tung tin bịa đặt, gây nghi ngờ về sự chia rẽ, phe phái, xung đột trong nội bộ Đảng, Nhà nước, Quốc hội, quan hệ giữa một số cán bộ cấp cao v.v… khiến người dân rất khó tự mình phân biệt đúng sai, tụ tập bàn tán, nghi hoặc phải trái.

Những âm mưu đó trước hết nhằm xuyên tạc bản chất của cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và đợt “học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thực chất là cuộc phê bình, tự phê bình làm trong sạch, nâng cao sức chiến đấu của Đảng, biến một chủ trương trong sáng, vì nhân dân thành một cuộc tranh giành, đấu đá trong nội bộ. Thứ 2, nó là một âm mưu mới, trong chiến lược diễn biến hòa bình, lợi dụng nền kinh tế thế giới và trong nước không ổn định, lợi dụng những khó khăn hiện nay để khoét sâu hơn nữa mâu thuẫn trong hệ thống chính trị và nhân dân, gây bất ổn chính trị, từ đó mưu toan rập theo những bài bản  can thiệp của phương Tây vào thế giới Ả rập hiện nay trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam…

Âm mưu tung tin bịa đặt, hạ thấp uy tín cán bộ, chia rẽ nội bộ là  hết sức nguy hiểm nhưng đó là một thủ đoạn mới trong một chiến lược cũ, ra đời sau thất bại của nhiều thủ đoạn trước nên tự thân đã mang tính yếu thế, bị động. Điều quan trọng hơn, nó là tin bịa đặt, không đúng sự thật nên thiếu sức thuyết phục khi bị vạch trần. Để làm thất bại những âm mưu này, một mặt phải tiến hành các biện pháp hành chính kiên quyết để bảo vệ chủ quyền thông tin của đất nước (như chỉ thị về việc điều tra xử lý nghiêm việc đăng tải thông tin chống Đảng và Nhà nước của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành). Mặt khác, lâu dài và cơ bản, đó là tăng cường thông tin, tuyên truyền hơn nữa để toàn dân cảnh giác trước những âm mưu xấu, nâng cao nhận thức chính trị và thị hiếu lành mạnh trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin trên internet để mạng thông tin toàn cầu này tiếp tục phát triển, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin, hưởng thụ văn hóa của nhân dân và sự nghiệp phát triển, hội nhập của đất nước.


Nguồn: Chinhphu
.