Chân rết mạnh
Tháng 5/2011, trang thương mại điện tử của Công ty cổ phần đào tạo mua bán trực tuyến (MB24) được thành lập. Là những hội viên tham gia MB24, khoảng thời gian tháng 8/2011, Nguyễn Đức Minh (SN 1981, thường trú tại xóm 3, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu) và Nguyễn Xuân Thịnh (SN 1971, quê ở Thái Bình) tìm cách móc nối với Hồ Anh Tuấn (SN 1972, trú tại khối 3, phường Nghi Hương, TX Cửa Lò), Chu Tiến Quỳ (SN 1970, thường trú xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu), Nguyễn Chí Thiết (SN 1981, trú tại Vĩnh Thành, Yên Thành) và Hoàng Xuân Sanh (SN 1959, quê ở Song Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) với ý định thành lập Chi nhánh Nghệ An - MB24. Nhóm đối tượng này đã có nhiều cuộc tiếp xúc với lãnh đạo MB24 tại Hà Nội để tìm hiểu mô hình và cơ chế hoạt động của MB24 cũng như lợi ích được hưởng.
Ngày 19/9/2011, MB24 ra Quyết định thành lập Công ty cổ phần đào tạo mua bán trực tuyến - Chi nhánh Nghệ An, quyết định bổ nhiệm Hồ Anh Tuấn làm Giám đốc. Trụ sở làm việc của Chi nhánh Nghệ An - MB24 (CNNA- MB24) tại số 41 Đào Duy Từ - TP Vinh, Nghệ An, có dấu và tài khoản riêng. Hoạt động của trụ sở này cũng phụ thuộc vào hoạt động của MB24.
Trụ sở Công ty mua bán 24 chi nhánh Nghệ An tại số 41, Đào Duy Từ, TP Vinh
Mỗi tháng, Chi nhánh Nghệ An được MB24 trích 10% khoản tiền thu được từ số lượng gian hàng phát triển được; đồng thời được MB24 đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Chi nhánh Nghệ An chỉ nạp thuế môn bài và kê khai thuế GTGT.
Chiêu thức lôi kéo
Trong 10 tháng hoạt động, từ 1/10/2011 đến 31/7/2012, CNNA - MB24 đã tuyên truyền cho khoảng 6.000 người nghe; trong đó lôi kéo được khoảng 1.000 hội viên tham gia của 13 địa phương trên cả nước (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa, Hà Nội, Lào Cai, Khánh Hòa, TP HCM, Gia Lai...).
Số hội viên này đã mua 2.519 gian hàng với tổng số tiền là 13.098.800.000 đồng. Số người mà chúng nhằm vào là những người kém hiểu biết, có tư tưởng hám lợi ở nhiều vùng miền khác nhau, thành phần đa dạng nhưng chủ yếu là người lao động.
Cũng chỉ 10 tháng, trong hệ thống CNNA - MB24 có 10 người đạt Vip (từ Vip 1 đến Vip 9) là: Nguyễn Đức Minh (Vip 9), Chu Tiến Quỳ (Vip 7), Hồ Anh Tuấn (Vip 4), Nguyễn Chí Thiết (Vip 2), Hoàng Xuân Sanh (Vip 2) và Vip 1 là Vũ Minh Ngọc, Nguyễn Văn Quý, Trần Đình Nguyên, Phùng Thị Thủy, Nguyễn Văn Lộc.
Theo quy định, CNNA được MB24 trích 10% số tiền 13.098.800.000 đồng nhưng thực tế, MB24 chỉ chuyển về cho CNNA 1.190.010.000 đồng để chi cho các hoạt động của văn phòng chi nhánh. Ngoài ra, các cá nhân trong CNNA được hưởng lợi từ sơ đồ hệ thống (Nguyễn Đức Minh: 982.240.000 đồng, Hồ Anh Tuấn: 497.000.000 đồng, Chu Tiến Quỳ: 733.260.000 đồng, Nguyễn Chí Thiết: 211.860.000 đồng, Hoàng Xuân Sanh: 211.860.000 đồng). Tổng số tiền mà 5 đối tượng này được hưởng lợi bất chính là 2.636.220.000 đồng.
Lừa đảo tinh vi
Trên thực tế, bán hàng đa cấp là một hình thức phân phối (kinh doanh) một sản phẩm (mặt hàng) nào đó bằng cách giới thiệu chuyền tay nhau những sản phẩm. Mục đích là để người tiêu dùng mua được những sản phẩm chất lượng với giá cả phải chăng mà không trải qua nhiều khâu trung gian phân phối, hoặc khi tham gia, hội viên sẽ được mua hàng với giá rẻ hơn một chút.
Nhưng các đối tượng xấu đã lợi dụng sự kém hiểu biết về bán hàng đa cấp, đồng thời dùng những lý lẽ lừa gạt để làm biến tướng, sai lệch bản chất của bán hàng đa cấp dưới những dạng như: Nộp tiền để trở thành thành viên rồi mới được mua hàng giá rẻ, hay lôi kéo thật nhiều người tham gia mạng lưới mà lại không hề tiêu thụ sản phẩm, hoặc lợi nhuận có được phân chia theo các cấp từ thấp đến cao… Thực chất, đó là kiểu kinh doanh “bán hàng đa cấp bị biến tướng”.
Tuy nhiên, MB24 còn tệ hại và nguy hiểm hơn cả bán hàng đa cấp bị biến tướng. Bởi người tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp biến tướng còn được mua những sản phẩm tuy giá trị cao nhưng có thể sử dụng được.
Còn khi tham gia mua bán gian hàng ở MB24, bạn chỉ mua được những thứ không tồn tại vì nó chỉ là những tài khoản ảo giống như trên sổ sách ta viết ra một con số 1.000.000 đồng và coi như mình đã có số tiền đó. Vậy mà, với một gian hàng không có thật, người mua đã bỏ ra 5,2 triệu đồng để mua nó.
Theo thống kê sơ bộ của cơ quan công an, MB24 có khoảng 120.000 gian hàng. Chỉ trong vòng 1 năm, số tiền nộp vào hệ thống này lên tới hơn 600 tỷ đồng. Đây là loại tội phạm lợi dụng công nghệ cao, sử dụng mạng Internet với chiêu bài đào tạo mua bán trực tuyến đánh vào lòng tham của nhiều người dân bằng thủ đoạn dùng tiền của người tham gia sau trả thưởng cho người tham gia trước, vận động được càng nhiều người tham gia thì tiền thưởng càng lớn...
Thủ đoạn này đã lôi kéo được nhiều người tham lam, cả tin và kém hiểu biết. Hiện tại, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an tỉnh đang tiến hành mở rộng điều tra và hoàn chỉnh hồ sơ, đưa các đối tượng phạm tội ra trước pháp luật.
Hương Giang
Liên hệ quảng cáo: 0383.839.044 - 0946.111.580
.