Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201208/22146-ubnd-huyen-anh-son-bi-dan-kien-ra-toa-395834/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201208/22146-ubnd-huyen-anh-son-bi-dan-kien-ra-toa-395834/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
UBND huyện Anh Sơn bị dân kiện ra tòa - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 07/08/2012, 08:23 [GMT+7]
22146

UBND huyện Anh Sơn bị dân kiện ra tòa

Dự án Trung tâm giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm Phúc Sơn đã hơn 6 năm trôi qua nhưng vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Quá trình đền bù, GPMB còn nhiều vướng mắc nên giữa chính quyền, nhà đầu tư và người nông dân không tìm ra tiếng nói chung.
 
Cho rằng UBND huyện Anh Sơn “xử ép” việc áp giá đền bù để lấy mặt bằng giao cho nhà đầu tư, hai nông dân Đàm Huy Bắc, trú xã Phúc Sơn và Trần Văn Hải, trú xã Hội Sơn đã khởi kiện cơ quan này ra tòa án hành chính.
 
Dự án gần 6 năm vướng mặt bằng
 
Dự án Trung tâm giáo dục, dạy nghề và giới thiệu việc làm Phúc Sơn do Tổng đội TNXP Nghệ An làm chủ đầu tư, được công bố vào tháng 10/2006 theo Quyết định số 3592/QĐ.UBND-VX ngày 2/10/2006 của UBND tỉnh Nghệ An.
 
Đây là dự án có chức năng tiếp nhận, quản lý, tổ chức cai nghiện, chữa trị bệnh và phục hồi sức khỏe cho người nghiện ma túy. Số vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng, tọa lạc diện tích 120 ha, trong đó 37,27 ha đất nông nghiệp và 58 ha đất lâm nghiệp ở khu vực khe Dầu, xã Phúc Sơn thuộc diện phải đền bù.
 
Theo Quyết định 2570 phê duyệt phương án tổng thể việc bồi thường, thì có 59 thửa đất sẽ bị thu hồi, trong đó 54 thửa thu hồi 100% diện tích và 5 thửa thu hồi 50% với tổng diện tích 1.062.120 m2. Sẽ có 35 hộ gia đình được đền bù với số tiền xấp xỉ 6 tỷ đồng.
 
Tính đến nay, khi nhà điều hành của dự án đã hoàn tất thì việc đền bù và chi trả đền bù cũng cơ bản hoàn tất, chỉ còn lại 4 hộ, trong đó có hai hộ Đàm Huy Bắc và Trần Văn Hải. Lý do các ông này không chấp nhận khoản đền bù mà UBND huyện Anh Sơn đưa ra là vì không đồng tình với mức giá đền bù quá bèo bọt.
 
Cụ thể, hộ ông Trần Văn Hải bị thu hồi 14.287 m2 gồm toàn bộ khu trang trại trồng cam sạch với hơn 1.000 gốc đã cho thu hoạch với số tiền 253.878.050 đồng. Trong khi đó, bình quân mỗi năm, lợi nhuận mang lại từ trang trại cam này cũng trên dưới 1 tỷ đồng. Tương tự như vậy, ông Đàm Huy Bắc bị thu hồi 24.585 m2 đất trồng chè và các loại cây công nghiệp khác nhưng cũng chỉ được bồi thường 199.697.308 đồng.
 

Trung tâm GD, DN&GQVL Phúc Sơn sau 6 năm mới xây xong nhà điều hành
 
Cho rằng, việc thu hồi đất tại vùng khe Dầu và việc áp giá bồi thường cho đất và các tài sản trên đất là chưa đúng với thực tế, làm thiệt hại đến quyền lợi nên hai lão nông này đã khởi kiện UBND huyện Anh Sơn ra tòa án hành chính. Vụ án được TAND huyện Anh Sơn thụ lý và đang chờ ngày đưa ra xét xử.

Kiên quyết kiện UBND huyện ra tòa
 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 2000, ông Trần Văn Hải nhận chuyển nhượng 2 thửa đất tại khu vực khe Dầu xã Phúc Sơn, thuộc loại đất rừng sản xuất. Năm 2001, ông trồng cam trên diện tích 12.265 m2 và trồng chè 520m2, phần còn lại đắp đập nuôi trồng thủy sản. Tương tự như vậy hộ ông Bắc cũng trồng chè trên diện tích đất của mình theo chủ trương của huyện.
 
Đến khi thu hồi đất, quá trình áp giá đền bù, huyện Anh Sơn lấy lý do, vì đất của hai ông chuyển đổi mục đích sử dụng (từ đất rừng sang đất trồng cây lâu năm) “chưa được pháp luật thừa nhận” nên đã áp cho ông này mức giá của đất rừng sản xuất (1.898 m2).
 
Cá biệt hơn, trong số diện tích còn lại (12.398m2), huyện Anh Sơn đã áp giá của đất đồi núi chưa sử dụng (CSD), trong khi toàn bộ diện tích này đã được dùng để trồng cam và các loại cây ăn quả trong gần 10 năm trời. Cũng từ việc cho rằng chuyển đổi mục đích chưa được thừa nhận, toàn bộ cây cối, tài sản trên đất cũng bị áp với mức giá rẻ bèo.
 
 
 
 
Chẳng hạn như, cây cam cho thu hoạch là 160.000 đồng và chưa thu hoạch là 80.000 đồng/cây, mặt nước nuôi cá 400 đồng/m2… Cũng cần nói thêm rằng, về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, năm 2007, UBND huyện Anh Sơn lập đề án trình UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư trồng mới và chăm sóc cây cam sạch trên địa bàn huyện.
 
Trong luận chứng khoa học mà huyện này trình lên tỉnh có đưa mô hình trồng cam có hiệu quả của ông Trần Văn Hải để làm dẫn chứng minh họa cho tính hiệu quả của đề án. Ngoài ra, theo khổ chủ, trong các năm từ 2007 đến 2010, liên tiếp có nhiều đoàn khoa học, sinh viên thực tập được huyện Anh Sơn liên hệ đến vườn cam sạch này để nghiên cứu, học tập kinh nghiệm.
 
Trước đó, vào năm 2001, chính quyền huyện cũng đã vận động người dân tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ rừng sản xuất sang trồng cây lâu năm, trong đó có vùng khe Dầu. Lấy lý do mô hình trồng cam của ông Hải được địa phương chọn làm điển hình nhân rộng, cũng như việc trồng chè của ông Đàm Huy Bắc là “theo chủ trương của Nhà nước” nhưng không được pháp luật công nhận là đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nên huyện Anh Sơn đã áp giá đất rừng đối với diện tích này.
 
Dẫn ra rất nhiều văn bản, luận chứng để bác bỏ khiếu nại của người dân, nhưng có quy định quan trọng nhất lại bị huyện Anh Sơn cố tình “lờ” đi, ấy là tại điểm 3 điều 82 Luật đất đai năm 2003 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất làm kinh tế trang trại được chủ động chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất theo phương án sản xuất, kinh doanh đã được UBND huyện, quận, thị xã thuộc thành phố xét duyệt”.
 
 
Tại quyết định 78/QĐ-UBND “phê duyệt dự án đầu tư trồng mới và chăm sóc cam sạch” trên địa bàn Anh Sơn của UBND tỉnh, thì vùng đất này cũng đã được quy hoạch trồng cam. Thứ nữa, việc áp giá 12.398m2 với loại đất đồi núi chưa sử dụng (trong khi ông này có bìa đỏ và đã trồng cây lâu năm xấp xỉ 10 năm) thì thực sự là một việc làm áp đặt.
 
Bất cập còn ở chỗ, các quyết định này được lập trong năm 2009 nhưng khi thực hiện, huyện Anh Sơn đã áp dụng bảng giá đền bù theo Quyết định 147/2007QĐ-UBND ngày 19/12/2007 của UBND tỉnh. Vì những lẽ đó, ông Trần Văn Hải cùng với ông Đàm Huy Bắc đã khởi kiện UBND huyện Anh Sơn ra tòa án.
 
Thế nhưng, điều công luận quan tâm không chỉ dừng lại ở câu chuyện thắng thua mà sâu xa hơn là việc, bao giờ vụ việc kết thúc, để có thể bàn giao mặt bằng cho nhà thầu, để dự án có thể đi vào hoạt động sau thời gian dài bị vướng mắc.

Thiên Thảo - Trường Khuyên
.