Đau xót những cánh rừng cháy
Trên đường vào xã Yên Tĩnh (xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tương Dương), chúng tôi tận mắt chứng kiến nhiều ngọn đồi tái sinh bị người dân đốt cháy để làm rẫy, tiếng tre nứa nổ đôm đốp, khói bay mù trời. Những ngọn đồi loang lổ màu da báo; những thân cây lớn cũng bị đốt trơ trọi trông thảm hại.
Tạm chia tay với xã Yên Tĩnh, chúng tôi ngược lên xã Nga My đúng vào 12h trưa. Trời nắng như đổ lửa, ngọn đồi xanh cách UBND xã 500m bén lửa cháy phừng phừng, xung quanh đó nhiều ngọn đồi cũng đã bị “cạo trọc”.
Anh Vi Văn Hà nhà ở gần đó cho biết: "Đó là bà con đốt rừng làm rẫy! Ở đây chưa ăn thua gì, vào trong các bản Xốp Kho, Na Kho, Na Ngân, dân bản đốt nhiều lắm, họ còn chặt gỗ ở rừng cấm nữa”.
Khi hỏi một số người dân bản vì sao bà con chặt, đốt, phá rừng một cách không thương tiếc vậy? Hầu hết đều trả lời một cách hồn nhiên: “Không đốt rừng thì chết đói à? Ở đây có làm được chi mà sống ngoài rừng đâu".
Đốt rừng ở Nga My
Vượt hơn 23km đường rừng, chúng tôi đến địa phận 3 bản nói trên, thấy nhiều ngọn đồi cũng bị cạo trọc. Dọc theo khe Ngân, chúng tôi thấy một số gỗ lậu mà lâm tặc tập kết để chuẩn bị vận chuyển về xuôi. Một người dân ở bản Xốp Kho cho biết: "Tình trạng chặt phá rừng ở đây nhiều lắm. Vùng này xa trung tâm, đường đi lại khó khăn nên kiểm lâm có vào thì lâm tặc cũng cao chạy xa bay rồi".
Kế bên Nga My là xã Xiêng My (đây là địa bàn mà chuyến xe định mệnh 37V - 3851 do Trịnh Thanh Long - Nguyên Hạt trưởng kiểm lâm Pù Huống chỉ đạo đi “hộ tống” chở gỗ lậu từ Xiêng My (Tương Dương) về thị trấn Quỳ Hợp vào đêm 7/12/2011, đến dốc Pù Huột (xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông) thì bị lật, gây tai nạn làm chết và bị thương 18 người. Sau đó, có 4 kiểm lâm bị bắt giam).
So với các vùng khác, rừng Xiêng My còn có khá nhiều loại gỗ quý. Do đó, việc khai thác và vận chuyển gỗ lậu ở đây cũng diễn ra khá sôi động.
Đến bản Phảy vào lúc chiều tối, chúng tôi thấy khoảng 6 - 7 người đang bốc gỗ lên chiếc xe tải. Tôi định lấy máy ảnh ra chụp thì anh bạn người bản địa ngăn lại: "Các phu gỗ đó hầu hết là con nghiện, sẵn sàng sống chết với chủ, đừng có dại mà chụp ảnh".
Gỗ lậu thu giữ tại Trạm QLBV rừng Nga My
Một số người dân địa phương cho biết, ở Xiêng My hiện có những “đầu nậu” từ nơi khác đưa người và các loại phương tiện đến đây để khai thác gỗ trái phép. Những đối tượng này thường xuyên ở trong rừng sâu để khai thác, khi có lực lượng chức năng đến kiểm tra sẽ có người báo tin và chúng lập tức rút ra khỏi địa bàn. Với tốc độ chặt phá rừng như vậy nên hiện nay nhiều cánh rừng gỗ quý ở Xiêng My nay chỉ còn trơ gốc.
Nhà chức trách nói gì?
Khi chúng tôi đề cập đến việc bà con đốt rừng và chặt phá rừng trên địa bàn, ông Lữ Văn Chôm - Hạt phó Hạt kiểm lâm Tương Dương giải thích: "Đó là bà con đốt rừng làm rẫy trong quy hoạch. Tương Dương có 500ha vùng đồi núi trọc được quy hoạch để bà con canh tác. Còn chặt rừng thì chúng tôi chưa biết, chúng tôi chưa nghe cơ sở báo cáo".
Với kiểu giải thích như vậy của ông Lữ Văn Chôm, chúng tôi nhận thấy chưa ổn. Trong khi Nhà nước chỉ cho phép đồng bào đốt nương làm rẫy ở những khu vực rừng lau lách, đồi núi trọc và những nơi đã được chính quyền quy định, nhưng ở Tương Dương hoàn toàn ngược lại. Nhiều vùng rừng tái sinh cũng bị đốt, những cánh rừng gỗ quý bị chặt phá không thương tiếc.
Được biết, trước khi bước vào mùa đốt nương làm rẫy, Hạt kiểm lâm huyện Tương Dương đã kết hợp với các cơ quan chức năng phân vùng cho từng hộ dân, từng bản làng, phải có cam kết trong công tác phòng chống cháy rừng, phải có đường băng cản lửa. Và không được đốt ở ngoài vùng quy hoạch.
Tuy nhiên, rừng Tương Dương đang bị chặt và đốt phá một cách tràn lan, không những làm tan hoang núi đồi mà còn gây ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường, đó là chưa kể ẩn họa khôn lường của những cơn lũ quét vào mùa mưa sắp tới. Và điều đáng nói nữa là vùng rừng Tương Dương thuộc khu dự trữ sinh quyển thế giới. Lá phổi xanh của nhân loại cần được bảo vệ và phát triển.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận vào tháng 9/2007. Đây là khu dự trữ sinh quyển có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng diện tích hơn 303.285ha thuộc địa bàn 9 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tân Kỳ, Anh Sơn. Trong đó, Vườn quốc gia Pù Mát làm trung tâm đang lưu giữ nhiều nguồn gen quý về động, thực vật với đầy đủ đại diện của 4/5 lớp quần hệ (rừng thưa, rừng kín, cây bụi và cây thảo).
Tiến Dũng
.