Liên tiếp trong những năm gần đây, trên địa bàn các xã của huyện Tương Dương đã xảy ra sập hầm vàng làm chết không ít người. Mặc dù đã được cảnh báo trước nhưng xem ra tình trạng người dân bất chấp nguy hiểm, vô tư bới móc, đào khoét để tìm vàng vẫn diễn ra tràn lan.
Dù tang thương đã bao trùm lên khắp các bản làng nơi đây, song sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc truy quét, đẩy đuổi “vàng tặc” vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”.
Đánh đổi tính mạng vì vàng
Đến bây giờ, người dân ở xã Nga My vẫn chưa hết bàng hoàng, khiếp sợ sau vụ sập hầm vàng làm 3 người chết, 7 người bị thương vào trưa 17/7. Chủ phương tiện khai thác vàng là Lo Văn Tú (SN 1988) trú tại bản Văng Môn, xã Nga My đã cùng với 10 người tham gia đào, đãi vàng trái phép trên sông, suối.
Những nạn nhân xấu số chết do sập hầm vàng tại khe Xốp Mai, bản Văng Môn, xã Nga My gồm: Lo Văn Hòa (SN 1972), Lo Văn Tú (SN 1988) đều trú tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương và Vi Văn Cả (SN 1994) thuộc bản Tả Xiêng, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương. Điều đáng nói là, hầu hết số người tham gia đào, đãi vàng cho Tú đều là anh em thân thích trong gia đình như cha con Lo Văn Hòa và Lo Văn Tú (Tú là con rể của Lo Văn Hòa), trong đó có cả phụ nữ mang thai.
Hiện trường vụ sập hầm vàng ngày 17/7 tại xã Nga My làm 3 người chết, 7 người bị thương
Theo tìm hiểu, từ độ vài ba năm trở lại đây, trên địa bàn các xã Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Thắng, Yên Hòa, Nga My, Tam Đình… nạn khai thác vàng thổ phỉ diễn ra một cách tràn lan. Và, cũng từng đó thời gian, hàng năm đều có người chết vì vàng. Thậm chí, có năm gần chục người chết vì tham gia đào, đãi vàng trái phép trên sông, suối ở huyện Tương Duơng.
Chỉ tính riêng năm 2011, trên địa bàn huyện Tương Dương đã có tới 6 người chết vì sập hầm vàng trong vòng 1 tháng. Vụ nghiêm trọng nhất xảy ra vào ngày 1/5/2011, 5 người đều trú tại bản Đình Hương là Lương Văn Bích (SN 1981), Lương Văn Sơn (SN 1975), Mạc Văn Ánh (1984), Mạc Văn Thọ (SN 1986) và Vang Văn Hiền (SN 1991) rủ nhau ra sông Lam đào, đãi vàng đã bị sập hầm vàng khiến cả 5 người tử vong.
Trước đó, vào ngày 2/4, cũng tại xã Tam Đình em La Thị Thu Trang (SN 2000) học sinh Trường Tiểu học Yên Tĩnh 2, xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương tử vong do sảy chân xuống hố đào vàng. Điểm qua các vụ tai nạn cho thấy, số người chết do sập hầm vàng ở Tương Dương hầu hết là dân bản địa.
Tuy nhiên hiện nay, số người tổ chức đào, đãi vàng trên sông, suối trên địa bàn các xã ở huyện Tương Dương không phải là nhỏ. Vì vàng, họ bất chấp tất cả để kiếm tìm may rủi trên chính mảnh đất của mình.
Không còn là cảnh báo!
Hiện nay, tình trạng người dân vô tư đào bới dòng khe, suối, sông… vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp. Lực lượng chức năng đã tiến hành truy quét, đẩy đuổi nhưng sau đó, vì lợi nhuận, người dân vẫn ồ ạt quay trở lại “thánh địa” để tìm kiếm may mắn mong manh của mình.
Hầu hết người dân bản địa nơi đây đều khai thác vàng theo cách thủ công và không hề có một giấy phép hay quy trình an toàn kỹ thuật nào cả. Hơn nữa, đây là những địa bàn nằm xa trung tâm nên nhiều nhóm khai thác vàng trái phép có thể dễ dàng qua mặt được các cơ quan chức năng. Vụ sập hầm vàng diễn ra vào ngày 17/7 vừa qua tại xã Nga My là một ví dụ.
Khai thác vàng ở xã Yên Tĩnh, Yên Na gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường
Theo lãnh đạo huyện Tương Dương, trước đó mấy ngày, các cơ quan chức năng đã tiến hành đình chỉ việc khai thác vàng trái phép tại khe Xốp Mai, bản Văng Môn, xã Nga My. Tuy nhiên, do lợi nhuận từ khai thác vàng, nhóm người này đã tranh thủ tìm kiếm vận may của mình thì xảy ra tang thương.
Sau khi vụ tai nạn do sập hầm vàng ở xã Nga My làm 3 người chết, 7 người bị thương, các cơ quan ban, ngành của huyện Tương Dương đã tiến hành tịch thu phương tiện, máy móc… Thế nhưng, điều khiến dư luận đặt câu hỏi là tại sao cho đến khi xảy ra vụ việc, các cơ quan ban, ngành của huyện mới tiến hành tịch thu, giải tán lán trại của nhóm khai thác vàng trái phép nói trên?
Việc huyện Tương Dương tiến hành đình chỉ bằng văn bản đối với hoạt động khai thác vàng trái phép nói trên chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Thực tế, số người chết do sập hầm vàng khi tiến hành đào, đãi, bới móc trái phép lòng sông, khe, suối, đồi núi… đã cho thấy, công tác kiểm soát tình hình khai thác vàng trên địa bàn huyện Tương Dương còn chưa quyết liệt, nghiêm túc.
Để giảm thiểu những tai nạn chết người thương tâm do nạn khai thác, đào đãi vàng trái phép, các ban, ngành của huyện Tương Dương cần có cách tuyên truyền đồng bộ, thường xuyên nhằm nâng cao ý thức của người dân.
Hơn nữa, cần quan tâm tới đời sống của người dân, sớm ổn định tình hình canh tác, đồng thời cần xử lý nghiêm túc nếu tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn tiếp diễn, nhằm ổn định tình hình ANTT trên địa bàn.
Ngọc Thái
.