Năm 2003, UBND tỉnh có chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu dứa và ra quyết định thu hồi hàng trăm ha rừng tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Diện tích rừng này đã có khế ước và được nhân dân khoanh nuôi, bảo vệ cả chục năm nay nhưng khi thu hồi người dân không được biết và cũng chẳng được đền bù.
Năm 1995, thực trạng rừng bị tàn phá rất nghiêm trọng. Để bảo vệ rừng, UBND huyện Quỳnh Lưu có chủ trương giao đất, giao rừng cho nhân dân để khoanh nuôi bảo vệ rừng. Những hộ đồng ý bảo vệ rừng được ký khế ước 50 năm với Lâm trường Quỳnh Lưu. Tại xã Tân Thắng, hàng trăm ha rừng được người dân nhận bảo vệ và ra sức chăm bẵm.
Nhưng năm 2003, thực hiện Quyết định 1805 của UBND tỉnh Nghệ An về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, diện tích đất rừng của dân được thu hồi để làm vùng nguyên liệu dứa. Vậy là sau gần 10 năm khoanh nuôi bảo vệ rừng, khi những cánh rừng ở Tân Thắng đã xanh tươi trở lại thì bị thu hồi.
Rừng Tân Thắng chưa được đền bù đã bị thu hồi
Trong khế ước người dân ký kết với Lâm trường Quỳnh Lưu ghi rõ: Trong trường hợp được thu hồi, người dân được đền bù, bồi hoàn thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất lâm nghiệp theo thời giá thị trường và hiện trạng của rừng, đất trồng rừng.
Nhưng khi quyết định thu hồi đến tay bà con lại không có quyết định đền bù, người dân thắc mắc thì lãnh đạo xã Tân Thắng bảo không biết, không thấy có chủ trương đền bù của tỉnh. Không nhận được tiền đền bù trong khi đất và rừng bị thu hồi, các hộ dân làm đơn khiếu nại lên chính quyền các cấp nhưng đều được hướng dẫn khởi kiện ra tòa.
Ông Lương Văn Thiên ở xóm Bắc Thắng có diện tích rừng bị thu hồi 61 ha bức xúc: “Khế ước đã nêu rõ ràng, thu hồi là người dân được đền bù sao các cơ quan chức năng không làm thủ tục đền bù cho chúng tôi, gần chục năm trời chúng tôi bỏ tiền của, công sức ra trồng rừng nay bị thu hồi trắng. Có hay không việc rừng của chúng tôi đã được đền bù nhưng tiền lại chảy vào túi người khác”.
Ông Thiên cho biết thêm, hiện ở xã Tân Thắng có 20 hộ bị thu hồi rừng mà không được đền bù với diện tích hơn 250 ha. Được biết, diện tích đất rừng bị thu hồi của các hộ dân này chỉ một phần chuyển sang làm nguyên liệu dứa, một phần được chuyển quyền sử dụng cho một số hộ dân khác, trong đó có cả cán bộ huyện Quỳnh Lưu.
Oái oăm hơn, diện tích rừng mà người dân nuôi trồng, người dân cũng không được tận thu, sử dụng, những hộ dân khác khi có được giấy tờ hợp pháp trong tay ngang nhiên sang chặt phá diện tích đất rừng người dân Tân Thắng đã bỏ bao công sức trồng nên.
Trao đổi về vấn đền này, ông Lê Đức Cường - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Khi có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chính quyền địa phương đã không làm các thủ tục để tiến hành đền bù cho dân, việc chưa đền bù mà thu hồi rừng của dân là trái pháp luật. Hiện, chúng tôi đã hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa”.
Việc những hộ trồng rừng ở xã Tân Thắng bị thu hồi đất không được đền bù đang là vấn đề bức xúc trong dư luận. Thay vì được nhận tiền đền bù cho bao mồ hôi, công sức thì nay người dân sẽ phải cơm đùm, cơm nắm hầu tòa để đòi lại quyền lợi nghiễm nhiên là của mình. Sao cứ cán bộ sai, dân lại chịu thiệt?
Nhóm P.V
.