Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201205/20299-bat-cap-trong-cong-tac-quan-ly-bao-ve-rung-397285/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201205/20299-bat-cap-trong-cong-tac-quan-ly-bao-ve-rung-397285/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bất cập trong công tác quản lý bảo vệ rừng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 21/05/2012, 18:00 [GMT+7]
20299

Bất cập trong công tác quản lý bảo vệ rừng

Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, mặc dù đơn vị đã xử lý hàng chục vụ khai thác vận chuyển lâm sản trái phép, tịch thu hàng trăm m3 gỗ các loại nhưng tình trạng này vẫn không giảm mà ngày càng có dấu hiệu gia tăng.
 
Đặc biệt, trên địa bàn huyện Thanh Chương, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng (từ 15/4 - 9/5/2012), đơn vị đã phát hiện xử lý 3 vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, tịch thu 25,96m3 gỗ các loại. Trong đó, điển hình, vào 22h ngày 9/5, tại bản Kim Hạnh, xã Thanh Sơn, lực lượng Cảnh sát Môi trường phối hợp với Đại đội Cảnh sát cơ động Phòng PC65 bắt giữ 1 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, thu giữ 30 tấm gỗ xẻ các loại từ nhóm 2 đến nhóm 6 có khối lượng 8,259m3 và 6 khúc gỗ tròn khối lượng 2,165m3.
Trước thực trạng đó, chúng tôi đã có chuyến tác nghiệp về huyện Thanh Chương để tìm hiểu nguyên nhân vì sao vấn nạn khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép nơi đây lại diễn biến ngày một phức tạp. 
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thanh Hoàng, Phó trạm trưởng Trạm kiểm lâm Thanh Thuỷ (Thanh Chương) cho biết: Huyện Thanh Chương hiện nay có khoảng hơn 50.000ha rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ và một số ít là rừng trồng khoanh nuôi, được giao cho 4 chủ rừng quản lý và bảo vệ, gồm Ban quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương, Tổng đội TNXP 5, Tổng đội TNXP 2 và Công ty Cao su Nghệ An.
 
Vùng rừng núi Thanh Chương một mặt tiếp giáp với dãy Trường Sơn, bị cắt ngang là đường mòn Hồ Chí Minh và đường quốc lộ biên giới Việt - Lào. Lợi dụng giao thông thuận tiện nên lâm tặc thường dễ dàng vận chuyển gỗ từ rừng ra ngoài tiêu thụ.
 
Brie chốt chặn lâm sản của Trạm kiểm lâm Thanh Thuỷ
 
Không chỉ có thế, chúng thường xuyên thay đổi phương thức và thời gian hoạt động chủ yếu vào ban đêm, mỗi lần đi theo từng tốp khoảng 3 - 4 người, dùng cưa xăng vào rừng chặt hạ, cưa xẻ, rồi sử dụng các loại phương tiện như trâu, bò lốp, đặc biệt là các loại xe gắn máy cải tiến thêm trọng lực để vận chuyển. Vì lâm tặc chuẩn bị cảnh giới nghiêm ngặt, nên lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc bắt quả tang các đối tượng khai thác trái phép.
 
Việc phá rừng diễn ra từ lâu nhưng chưa được xử lý triệt để cũng xuất phát từ một nguyên nhân là do các đối tượng ngày một manh động và liều lĩnh. Khi bị phát hiện, chúng ngang nhiên tấn công lại lực lượng kiểm lâm, hoặc khi đang vận chuyển gỗ mà bị kiểm lâm truy đuổi, các lâm tặc sẵn sàng nghiêng xe máy vứt gỗ xuống để chạy thoát thân.
 
Theo con số tổng hợp được từ các vụ bắt giữ gỗ do lâm tặc chặt phá và vận chuyển thì trong 7 tháng qua, Trạm kiểm lâm Thanh Thuỷ tiến hành thu giữ khoảng trên 100m3 gỗ các loại. Đó chỉ là con số nhỏ ở một trạm chốt chặn kiểm soát lâm sản, còn nếu tính chi tiết về lượng lâm sản trên toàn địa bàn huyện bị tịch thu hoặc đối tượng đã vận chuyển trót lọt thì phải lên tới hàng ngàn m3 được vận chuyển theo những con đường khác nhau trên địa bàn huyện. 
 
Một câu hỏi được đặt ra, mặc dù có nhiều lực lượng chức năng chốt chặn, canh gác ngay ở cửa rừng như Trạm kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ, Đồn biên phòng và chính quyền địa phương cùng có trách nhiệm bảo vệ rừng nhưng tại sao gỗ vẫn dễ dàng lọt được ra bên ngoài?
 
Lâu nay các ngành chức năng vẫn thường biện minh cho những khó khăn trong công tác xử lý ngăn chặn là do lực lượng mỏng, địa hình rộng lớn, đường sá thuận lợi hay đời sống nhân dân gặp khó khăn nên mới đi phá rừng, chặt gỗ... Phải chăng vẫn còn nhiều kẽ hở trong công tác quản lý, các lực lượng chức năng vẫn chưa có sự phối hợp đồng bộ? 
Được biết, vào tháng 2 vừa qua, trong 4 chủ rừng của huyện Thanh Chương đã có tới 3 đơn vị bị xử phạt vì vi phạm về quy chế bảo vệ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ, Tổng đội TNXP 2 và Tổng đội TNXP 5. Trong đó, Ban quản lý rừng phòng hộ là đơn vị bị xử phạt với số tiền lớn nhất là 50.000.000 đồng.
 
Khoảng 100m3 gỗ trái phép các loại bị Trạm kiểm lâm Thanh Thuỷ tịch thu
 
Ông Hồ Văn Hải, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương thừa nhận: Để xảy ra vi phạm là một khuyết điểm lớn mà chúng tôi không né tránh. Tuy nhiên, rừng bị tàn phá nghiêm trọng cũng xuất phát từ sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong quản lý bảo vệ rừng như Hạt kiểm lâm, Bộ đội biên phòng và các chủ rừng thực sự chưa nhịp nhàng, đồng bộ.
 
“Vụ chặt phá khai thác trái phép trong rừng phòng hộ do 1 nhóm lâm tặc sinh sống trong vùng vừa qua là một ví dụ: Khi Đoàn kiểm tra phát hiện 1 lượng gỗ đã bị triệt hạ tại gốc rừng thuộc địa bàn quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ, lâm tặc bỏ lại một con trâu kéo và một số cưa xăng. Nếu xử lý tận gốc vấn đề này thì các cơ quan cùng phối hợp điều tra làm rõ con trâu là của ai, từ đó điều tra ra đối tượng khai thác lâm sản trái phép và đưa ra xử lý nghiêm để làm gương, đằng này lại quy trách nhiệm và hậu quả cho đơn vị chủ rừng. Trong khi đó, với quân số mỏng (30 người) bảo vệ hơn 15.000 ha là một con số quá ít, ngân sách phân bổ cho đơn vị quá eo hẹp (mỗi năm chỉ có vài trăm triệu đồng) thì để hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc là rất khó" - ông Hải bức xúc nói. 
Khác với Ban quản lý rừng phòng hộ, một đơn vị chủ rừng khác cũng nằm trên địa bàn huyện Thanh Chương, quản lý và bảo vệ hơn 15.000 ha rừng đầu nguồn thì lại "phấn khởi" khoe thành tích đã đạt được trong công tác bảo vệ rừng, đó là Tổng đội TNXP 2.
 
Gần 20 năm quản lý và bảo vệ rừng, đơn vị chưa một lần để xảy ra tình trạng cháy rừng dù chỉ là nhỏ. Với 25 người chia thành 4 chốt bảo vệ tại những con đường "xung yếu" của lâm tặc, đơn vị đã không để một cây gỗ nào bị chặt hạ.
 
Nhưng khi được hỏi về sai phạm vừa qua mà đơn vị bị xử phạt hành chính 20.000.000 đồng về vi phạm quy định bảo vệ rừng thì ông Nguyễn Anh Định, Tổng đội phó Tổng đội TNXP 2 biện minh: “Do địa hình hiểm trở tận trong bản Cao Vều, tiếp giáp với huyện Anh Sơn, nên mới xảy ra vụ việc trên”.
 
Theo ông Định thì đơn vị ông vẫn được đánh giá là đơn vị "tốt nhất" so với 3 đơn vị kia, vì trong 3 đơn vị vi phạm thì số tiền bị xử phạt của Tổng đội TNXP 2 là ít nhất (!?). Thật là đáng buồn khi mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm lại chỉ dựa vào việc so sánh số tiền xử phạt, đơn vị nào bị phạt ít nhất thì đơn vị đó đã "hoàn thành" nhiệm vụ (!?).
Trong khi Ban quản lý rừng phòng hộ thừa nhận chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, thì Tổng đội TNXP 2 lại khẳng định là các cơ quan chức năng đã phối hợp rất tốt với nhau. Từ đó, vô hình trung đã có sự mâu thuẫn giữa các đơn vị được giao phó trọng trách trong công tác quản lý và bảo vệ rừng.
 
Các đơn vị đang đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, dẫn tới tình trạng khai thác và vận chuyển lâm sản không có dấu hiệu giảm mà còn biến tướng nhiều hình thức tinh vi và ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn.

Hằng Nga
.