Điển hình như trường hợp chị B, là cán bộ của một tổ chức đoàn thể bị nhắn tin chửi bới, xúc phạm và đe dọa. Sau một thời gian tìm hiểu, chị B đã biết đối tượng đó và quyết định một mình điều tra, khiến đối tượng “sợ hãi” nên đã lén lút vào phòng làm việc của chị B gửi lại sim điện thoại đã dùng để đe dọa chửi bới chị B. Việc nhắn tin chấm dứt hẳn.
Hay như trường hợp chị H, từng là cán bộ của UBND huyện Con Cuông cũng bị một đối tượng khiêu khích đe dọa chửi bới, nhằm phá hoại uy tín và hạnh phúc gia đình. Sau khi tìm hiểu thì chị phát hiện đối tượng là người “thân quen”. Cuối cùng, hai đối tượng đó đã ra mặt để xin lỗi gia đình chị.
Đáng kể như trường hợp chị M, một nữ hiệu trưởng bị đối tượng đe dọa, quấy rối bằng điện thoại là trắng trợn nhất. Thậm chí lời nói trong tin nhắn còn thách thức cả lực lượng Công an huyện Con Cuông. Chị M đã bị người lạ gọi điện và nhắn tin xúc phạm danh dự và nhân phẩm, từ tháng 11/2010 đến nay vẫn chưa kết thúc.
Thậm chí, đối tượng còn dùng nhiều sim khuyến mại nhắn tin vào các số điện thoại trên địa bàn huyện Con Cuông để tung tin với nội dung khiếm nhã là cô M trốn chồng có quan hệ ngoài luồng, đe dọa tung “clip mây mưa trên mạng internet”... Lạ cái là chị M đi đâu, làm gì đối tượng đều nắm rõ. Mới đây, người này còn đe dọa giết cả gia đình chị, đòi tiền, khiến chị và gia đình vô cùng hoang mang lo lắng. Không chịu đựng nổi, chị đã liên hệ với các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí đề nghị xử lý, lên tiếng phê phán hành vi này.
Việc nhắn tin quấy rối bằng điện thoại xảy ra nhiều ở Con Cuông, đặc biệt là cán bộ nữ nhưng chưa có một biện pháp nào để xử lý triệt để. Như chị M bị nhắn tin nhiều năm, có viết đơn lên cơ quan chức năng nhưng tình trạng đó vẫn diễn ra.
Còn những kẻ coi thường pháp luật, xâm phạm sức khỏe công dân, làm ảnh hưởng đến việc thi hành công vụ, dùng điện thoại làm công cụ phạm pháp thì vẫn “nhởn nhơ” trước pháp luật. Thiết nghĩ, các doanh nghiệp viễn thông, cơ quan thanh tra chuyên ngành, cơ quan thi hành pháp luật cần có sự phối hợp nhanh chóng, chặt chẽ và xử lý thật nghiêm hành vi trên.
Được biết, theo quy định của pháp luật, khi bị nhắn tin quấy rối tinh thần, nạn nhân cần yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ; đối tượng quấy rối sẽ bị xử phạt hành chính ở mức từ 5-10 triệu đồng (theo quy định tại điểm h, khoản 3, Điều 12, Nghị định 142/CP về quy định xử phạt hành chính về bưu chính viễn thông).
Nếu xác định nội dung các cuộc gọi đe dọa đến tính mạng như trường hợp của chị M, vụ việc sẽ được chuyển sang cơ quan Công an để xử lý hình sự theo luật định.
T.L
.