Chiến tranh đã lùi xa gần 4 thập kỷ, thế nhưng hậu quả mà nó để lại chưa biết đến khi nào mới khắc phục xong. Hàng ngàn quả bom, mìn, vật nổ còn nằm trong lòng đất, hàng ngày vẫn gây ra những thương vong, tổn thất, tạo thêm gánh nặng cho nhiều gia đình và xã hội, gây nên bao nỗi đau không dễ nguôi ngoai.
Bước ra khỏi chiến tranh, Nghệ An là một trong những địa bàn trọng điểm, là vùng đất thường xuyên bị địch bắn phá ác liệt và chịu nhiều thiệt hại nhất về người và tài sản, với những điểm lịch sử mãi được khắc ghi như Bến Thủy, Trường Thi, Truông Bồn, Truông Băng, Núi Két…
Chiến tranh lùi xa, hòa bình lập lại, người dân Khu 4 nói chung, Nghệ An nói riêng bước vào thời bình với niềm tin sắt đá, sự nỗ lực cần cù để lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Thế nhưng, những gì còn "sót lại" của kẻ thù không dễ gì "đo, đếm" được với số lượng bom, mìn đang nằm lại trong lòng đất là rất nhiều, gây ảnh hưởng đến tâm lý người dân.
Mặc dù các cấp chính quyền, sự quan tâm của bộ, ngành đã có nhiều cố gắng từng bước "làm sạch" lòng đất nhưng không thể giải quyết được hết thực trạng bom, mìn, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình.
Nỗi đau còn lại
Gần 15 năm đã đi qua, nấm mồ của 6 học sinh Trường Tiểu học Chiêu Lưu huyện Kỳ Sơn vẫn còn đó. Những nấm cỏ xanh đã được khuất lấp bởi số phận của các em khi vào năm 1999, một vụ nổ bom lớn đã xảy ra khiến 6 con người tử vong. Ngày đó, trong giờ lao động, các em học sinh phát hiện quả bom sót lại sau chiến tranh.
Do không nhận thức được sự nguy hiểm, với sự hiếu động, tò mò của tuổi nhỏ, các em học sinh đã mang quả bom để chơi, làm bom phát nổ. Và tiếp những năm sau đó, nhiều vụ nổ bom mìn cũng đã cướp đi sinh mạng của nhiều con người vô tội: bom nổ làm 1 người chết ở xã Nghi Ân (Nghi Lộc) năm 2002; đầu đạn B41 phát nổ làm chết 3 cha con Lô Văn Thương, Lô Văn Phương và Lô Văn Phong ở xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) năm 2007; cùng năm đó, tại phường Lê Mao, TP Vinh một quả bom đã phát nổ làm một em học sinh tử vong.
Hay như mới đây, ngày 10/4/2012, tại khu vực cầu Cấm, xã Nghi Yên (Nghi Lộc) trong khi chiếc máy san gạt thuộc Công ty ĐTXD Trường Sơn đang thi công móng cầu Cấm mới thì 1 quả bom sót lại từ thời chiến đã phát nổ tại gần sát chiếc máy đang thi công, làm vùi lấp một phần chiếc máy san gạt, khiến công nhân điều khiển Nguyễn Văn Hùng bị vùi lấp, hai công nhân khác là Trần Văn Sơn và Nguyễn Công Nhân đang làm việc cách đó 5m bị đất đá văng ra khiến các anh bị thương...
Lực lượng chức năng tham gia rà phá bom, mìn được phát hiện
Những dẫn chứng trên đây chưa phải là con số thống kê cuối cùng, theo cơ quan chức năng, hầu như năm nào trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra những tai nạn thương tâm từ bom, mìn.
Ở Nghệ An, nhiều nơi bom, mìn vẫn còn nằm sâu dưới lòng đất, chưa được phát hiện nên trong quá trình làm đồng, canh tác, xây dựng, san ủi mặt bằng, di dời các công trình… người dân đã gặp phải và phát nổ.
Có một thực tế, mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo, nghiêm cấm người dân tham gia hành nghề thu lượm và khai thác phế liệu chiến tranh, nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên nhiều người vẫn bất chấp hiểm nguy, đi tìm kiếm, thu gom bom, đạn, rồi tháo bỏ để bán phế liệu. Tình trạng đó đã gây ra không ít vụ nổ làm chết và bị thương nhiều người.
Theo báo cáo "Điều tra, khảo sát và đánh giá tác động của sự ô nhiễm bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam" do BOMICEN và Quỹ Cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam tiến hành từ 2004 đến 2008 trên địa bàn tỉnh Nghệ An thì tất cả các loại đất đều bị ô nhiễm, trong đó đất ở, đất thổ cư bị ô nhiễm nhiều nhất chiếm 99,9%, tiếp đến là đất nông nghiệp chiếm trên 97%.
Cũng theo kết quả điều tra, 100% số xã, phường, thị trấn của tỉnh bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ, trong đó 22,2% xã/phường, thị trấn chịu tác động của bom, mìn ở mức cao, 7,7% số xã chịu tác động ở mức cực cao, 70% xã còn lại chịu ảnh hưởng ở mức trung bình. Do đó, để khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh là một "hành trình" dài, cần sự chung sức của toàn xã hội.
Nỗ lực vì "lòng đất bình yên"
Bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh đã gây tác động rất lớn đến tâm lý, sức khỏe cũng như kinh tế của người dân. Mặc dù các cấp, ngành tỉnh Nghệ An đã tổ chức nhiều đợt rà phá bom, mìn, vật nổ bằng sự kết hợp nhiều nguồn vốn nhưng diện tích thực hiện để giải phóng sạch bom, mìn, vật nổ vẫn còn quá nhỏ so với yêu cầu đối với diện tích bị ô nhiễm.
Theo đại tá Thái Hữu Hồng - Phó Chỉ huy, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: Ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 504/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình Quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025. Thực hiện chương trình này, Bộ CHQS tỉnh đã xây dựng dự án rà phá bom, mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn và đã được tỉnh và các cơ quan chức năng liên quan phê duyệt.
Quả bom phát hiện ở thị trấn Mường Xén - Kỳ Sơn (ngày 14/7/2011)
Quy mô diện tích rà phá bom, mìn được xác định trên địa bàn 16/20 huyện, thành phố là 30.000ha, trong đó ở độ sâu 0,3m là 7.500ha; ở độ sâu 3m là 22.500ha. Hoạt động rà phá bom, mìn, vật nổ do lực lượng công binh chuyên trách (Quân khu 4), Bộ CHQS tỉnh Nghệ An phối hợp với BOMICEN đảm nhận. Bước đầu triển khai dự án, diện tích đất canh tác, sản xuất của người dân được mở rộng đáng kể. Hàng năm, trung bình có khoảng trên 200 quả bom đạn các loại chưa nổ đã được cơ quan chức năng rà phá thành công.
Từ năm 2005 đến nay, lực lượng công binh của tỉnh đã tiến hành xử lý đảm bảo an toàn gần 650 quả bom bi, bom phá các loại trên địa bàn các địa phương: TP Vinh, TX Cửa Lò, Nghi Lộc, TX Thái Hòa, Tân Kỳ, Thanh Chương, Anh Sơn, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Con Cuông, Hưng Nguyên... Năm 2011 là năm lực lượng công binh - Bộ CHQS tỉnh tổ chức nhiều vụ phá bom trên địa bàn tỉnh.
Đơn cử như tháng 10/2011, tổ chức phá bom tại bản Khe Chi, Thạch Giám (Tương Dương); tháng 6/2011, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn phát hiện 4 quả bom ở các địa điểm: Trường Tiểu học thị trấn Mường Xén, xã Chiêu Lưu, xã Tà Cạ và xã Nậm Cắn; mới đây tháng 3/2012, lực lượng công binh phối hợp với BCHQS huyện Tân Kỳ tổ chức phá thành công loại bom cỡ lớn, dài 1,2m, đường kính 22cm, nặng khoảng 120kg phát hiện tại xã Nghĩa Hợp...
Tuy nhiên, theo đại tá Hồng, công tác rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở tỉnh hiện đang gặp nhiều khó khăn, như: Các khu vực bị ô nhiễm bom mìn phần lớn có địa hình, giao thông, địa chất, thủy văn phức tạp; bom mìn, vật nổ nằm ở các độ sâu khác nhau. Hoạt động rà, phát hiện bom mìn chủ yếu sử dụng thiết bị cá nhân vì địa hình không phù hợp với phương pháp dò tìm bằng cơ giới nên hiệu suất chưa cao; trang thiết bị xử lý bom mìn, vật nổ sau khi phát hiện còn thiếu, chưa đạt như mong muốn.
Tuy nhiên, với sự quan tâm của các cấp, ngành, việc trả lại sự "bình yên" cho lòng đất thời gian tới sẽ được triển khai thực hiện quyết liệt mang lại hiệu quả thiết thực, vì một thế hệ tương lai an toàn.
Xuân Thống
.