Thời gian qua, Báo Công an Nghệ An tiếp nhận một số đơn thư, điện thoại của nhiều hộ dân thuộc xóm Dinh, xã Tam Hợp, Quỳ Hợp phản ánh về việc cán bộ xóm này đã tự ý bán số gạo được cấp trên hỗ trợ cho các hộ đặc biệt khó khăn dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn và thời điểm giáp hạt để lấy tiền phục vụ mua sắm thiết bị cho nhà văn hóa xóm.
Ngày 23/4/2012, phóng viên đã trực tiếp có mặt tại địa phương này kiểm tra, xác minh những thông tin trên. Qua gặp gỡ, trao đổi với một số hộ dân, chúng tôi được biết: Trong dịp Tết vừa rồi, xóm Dinh là một trong 19 xóm trên địa bàn xã Tam Hợp được Chính phủ cấp hỗ trợ gạo với khối lượng 1.550kg (1,5 tấn).
Sau khi số gạo trên được chuyển về trụ sở UBND xã, ngày 20/1/2012 (tức ngày 27 Tết AL), ông Trương Huy Bình, xóm phó đã trực tiếp ký nhận đầy đủ về xóm. Trên đường vận chuyển gạo về phát cho xóm, cán bộ xóm đã tự ý bán đi 220kg, bà con nhân dân thắc mắc thì được cán bộ giải thích là bán số gạo trên để trả tiền... thuê xe chở gạo về xóm.
Khi gạo được chuyển về hội trường xóm, ban cán sự xóm thông báo ai có giấy chứng nhận hộ nghèo (GCNHN) thì trực tiếp đến ký tên, nhận gạo với mức mỗi hộ nghèo 60kg và 100 ngàn đồng. Trong số đó có hơn 20 hộ có GCNHN đã ký tên nhưng chỉ có 10 hộ đặc biệt được nhận gạo và tiền, còn lại 10 hộ nghèo không được nhận, số gạo gần 1 tấn bị cán bộ xóm đem đi bán.
Mãi đến ngày 25/2/2012, ban cán sự xóm mới tổ chức họp dân và bàn bạc số gạo đó đã bán để mua sắm loa đài, tăng âm phục vụ hội họp. Về vấn đề này khi chứng kiến những phản ánh của người dân có thể khẳng định rằng, trong suốt quá trình tổ chức, triển khai việc cấp gạo hỗ trợ của Chính phủ từ các địa phương xuống các cơ sở bị "biến tướng".
Chị Trương Thị Nguyệt, xóm Dinh - hộ khó khăn không được nhận gạo cứu trợ
Cụ thể là ngay việc ban cán sự "trích" một số lượng gạo đem bán để trả tiền vận chuyển là không đúng với tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, bởi trước đó, UBND tỉnh đã đồng ý cấp kinh phí hỗ trợ riêng tiền vận chuyển gạo về các địa phương, đồng thời yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện trích ngân sách địa phương để vận chuyển gạo từ trung tâm huyện đến trung tâm các xã và các bản (đối với các huyện vùng núi cao).
Cùng với đó là yêu cầu UBND các huyện hoàn thành việc cấp phát gạo cứu đói cho các hộ gia đình thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn và giáp hạt năm 2012 trước ngày 20/1/2012. Như vậy, việc ban cán sự xóm Dinh - Tam Hợp sau khi nhận gạo về từ xã đã không cấp kịp thời cho nhân dân vào thời điểm "cần thiết" để kéo dài sau này cũng là "có vấn đề".
Đem vấn đề này trao đổi với Chủ tịch UBND xã Tam Hợp, ông Hoàng Xuân Ngư cho biết: Việc công dân xóm Dinh có đơn thư phản ánh về cán bộ xóm thống nhất bán gạo cứu trợ là có thật và chính quyền xã chỉ biết đến sự việc khi một số hộ dân gửi đơn lên xã, huyện (hai cấp cùng nhận đơn ngày 17/4).
Về vấn đề này, ông Ngư khẳng định vì ở dưới (chi bộ, ban cán sự xóm - PV) thống nhất bán, không báo cáo lên trên nên UBND xã và các ban ngành không hề nắm được. Tuy nhiên, khi có đơn thư phản ánh, ngày 21/4 (tức thứ 7) xã đã cử đoàn kiểm tra do đồng chí Hoàng Thị Thanh Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã cùng ban chính sách trực tiếp giám sát, kiểm tra.
Tại cuộc họp này, do xóm trưởng là Phạm Đình Tam vì lý do bận việc gia đình nên không có mặt mà chỉ có xóm phó và bí thư chi bộ. Sau khi nghe giải trình về sự việc, đích thân đồng chí Bí thư chi bộ Trương Thị Nga thẳng thắn nhận mọi trách nhiệm khi để sự việc trên xảy ra, trong đó có liên quan đến vai trò, trách nhiệm cá nhân bí thư và xóm trưởng đã tổ chức sai quy trình cấp phát hỗ trợ gạo của Nhà nước.
Đơn phản ánh của người dân
Sau hội nghị này, UBND xã đã có kết luận: Giao ban cán sự xóm tổ chức họp dân bình xét các đối tượng được cấp phát gạo theo danh sách của UBND huyện duyệt; phải mua lại đủ số gạo đã bán trên chia cho các hộ, có chữ ký người nhận để báo cáo lên huyện; cấp ủy, chi bộ, ban cán sự xóm phải chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện, phải hoàn thành trước ngày 30/4.
Lĩnh hội tinh thần chỉ đạo của UBND huyện, Phòng LĐ-TB&XH, xã đã yêu cầu xóm họp lại dân và tại cuộc họp này, trong số 28/31 hộ đặc biệt nghèo đã "thống nhất" không chia lại mà "xung quỹ", phục vụ việc mua sắm thiết bị cho xóm.
Tuy nhiên, UBND xã không tán thành cách "chữa cháy" này, mà yêu cầu chia bình quân số gạo đã bán, chia cho hộ nghèo, nếu trường hợp còn thiếu thì cá nhân bí thư chi bộ, xóm trưởng phải bỏ tiền túi ra nộp cho các hộ. Sau khi khắc phục xong sự việc trên, Thường vụ Đảng ủy sẽ mời các cá nhân liên quan lên kiểm điểm và cách thức xử lý. Theo ông Ngư, quan điểm là không bao che bất cứ một ai, sai phạm đến đâu xử lý nghiêm đến đó.
Xuân Thống
.