Hỏi ra, chúng tôi mới biết đó là các barie, những sáng kiến của người dân trong xã định giờ “giới nghiêm” và ngăn chặn tình trạng câu trộm chó vốn xảy ra thường xuyên trên địa bàn những năm trước đây.
Năm 2010 trở về trước, người dân xã Nghi Long khốn khổ với nạn trộm cắp chó, gà. Có xóm chỉ trong một đêm đã mất tới 4 - 5 con chó. Không kể ngày hay đêm, bọn trộm chó ngang nhiên lộng hành khắp nơi. Thậm chí, ban ngày, khi thấy trẻ em hay phụ nữ, người già ở nhà, các đối tượng công khai đi vào nhà dân dùng những lời đe dọa để bắt chó.
Các đối tượng đi xe với phân khối lớn khi có động là rồ ga phóng chạy. Các hung khí mà đối tượng mang theo là dao kiếm, súng cao su và chai. Khi bị đuổi, chúng ném chai hay dùng súng cao su bắn lại. Đã có lần, Đội tuần tra ban đêm của xã bị chúng dùng dao chém trộm.
“Nuôi chó giữ nhà”, lúc bấy giờ người dân xã Nghi Long lại thường bảo nhau “nuôi chó lại phải giữ chó”, nhiều người mất chó uất ức. Mất của là một chuyện nhưng điều đáng nói là chúng ngang nhiên vào nhà dân lộng hành, dùng những lời nói thô tục và đe dọa người dân. “Tính mạng mình còn sợ không giữ nổi chứ nói chi giữ của hả cô”, bà Nguyễn Thị Hà, ở xóm 2 chia sẻ.
Vì nằm độc lập với các xóm trong xã, lại nằm dọc trên tuyến đường 1, nên ở xóm 2, xã Nghi Long vấn nạn câu chó xảy ra liên tục. Đứng trước tình hình đó, xóm trưởng Đinh Văn Sỹ đã mở một cuộc họp bàn trong dân lên kế hoạch, lập phương kế.
Cuối cùng sáng kiến lập barie ở các ngả đường để chống trộm và quy định giờ “giới nghiêm” được người dân trong xóm đồng tình, nhất trí cao. Những chiếc cửa bằng sắt do người dân trong xóm góp tiền dựng nên.
Các barie được chốt chặt ngay tại cổng ra vào của xóm
Ông Sỹ tự hào về sáng kiến chống “cẩu tặc” của xóm mình: “Trong xóm hiện có đến 5 cái rào chắn như thế này. Từ ngày có nó, nạn câu trộm chó giảm hẳn. Cứ đúng 22 giờ là chúng tôi đóng cửa, 5 giờ sáng lại mở cho dân đi lại”.
Ông Nguyễn Văn Châu, tổ tự quản của xóm, người được giao giữ chìa khóa các rào chắn cho biết: “Chúng tôi đã có giờ “giới nghiêm”, nên cứ đúng giờ là đóng cửa. Thanh niên trong làng có đi chơi xa về thì phải liên lạc qua điện thoại để tôi ra mở cổng. Ban ngày, khi phát hiện đối tượng câu trộm chó thì hô hoán mọi người hoặc chạy ra gõ kẻng, lập tức các rào chắn sẽ được chốt lại”.
Thấy barie chống trộm chó của xóm 2 phát huy có hiệu quả, lãnh đạo xã Nghi Long coi đây như là một phương án hữu hiệu để phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Xã đã tổ chức hẳn một cuộc họp lấy ý kiến của dân và được dân đồng tình ủng hộ. Đến nay, 16 xóm thì xóm nào cũng có các barie chống trộm chó. Có barie bằng sắt lại có cả những barie bằng gỗ, bằng các tấm prôximăng...
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Trưng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Long cho biết: “Cái gì cũng có hai mặt của nó. Từ khi có mấy cái rào chắn này, không chỉ đối tượng câu trộm chó giảm hẳn mà an ninh trật tự trên địa bàn được ổn định. Thế nhưng, một số ít đối tượng lợi dụng điều đó cho rằng làm như vậy là “Ngăn sông cấm chợ”, trái với luật pháp, làm mất đi nét đẹp, văn hóa làng xã, mất đi vẻ thuần phong mỹ tục của làng quê. UBND xã không chỉ đạo trực tiếp mà giao cho các xóm họp dân lấy ý kiến thì mọi người đều đồng tình thống nhất lập các rào chắn. Tìm hiểu mới biết, một số phần tử không đồng tình lại là những người phục vụ đắc lực cho các đối tượng có hành vi trộm chó”.
Từ ngày lập các rào chắn, sinh hoạt của người dân cứ như trong quân đội. Bà con muốn đi đâu thì cũng phải đúng giờ “giới nghiêm” là có mặt ở nhà. Đám thanh niên trong làng đi về muộn chỉ có cách gửi xe ngoài rồi trèo cổng mà vào. Chưa xảy ra, nhưng nếu mà trong làng có người bị ốm đau đột xuất phải đi cấp cứu vào giờ giới nghiêm mà qua nhiều xóm với nhiều lớp rào chắn cũng mất nhiều thời gian...
Theo ông Trưng thì đây chỉ là giải pháp tình thế trước mắt mà thôi. Điều ông cũng như người dân mong muốn là các cơ quan chức năng vào cuộc ráo riết hơn, ngăn chặn tận gốc những địa điểm tiêu thụ chó, từ đó triệt phá, xóa được vấn nạn trên để người dân yên tâm sinh sống.
Phan Tuyết
.