Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201204/19369-chinh-quyen-lam-ngo-cho-doanh-nghiep-khai-thac-vang-trai-phep-398079/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201204/19369-chinh-quyen-lam-ngo-cho-doanh-nghiep-khai-thac-vang-trai-phep-398079/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chính quyền làm ngơ cho doanh nghiệp khai thác vàng trái phép - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 06/04/2012, 14:00 [GMT+7]
19369

Chính quyền làm ngơ cho doanh nghiệp khai thác vàng trái phép

Lâu nay, Tương Dương vẫn được coi là địa bàn “nóng” về khai thác khoáng sản, đặc biệt là nạn đào đãi vàng. Thiên tai, lũ lụt và cả những cái chết thương tâm hàng năm dường như vẫn chưa phải là lời cảnh tỉnh cho những đôi mắt lóa sáng vì vàng. Chính bởi vậy, nạn khai thác vàng trên địa bàn vẫn đang là vấn đề nhức nhối.
 
Trong khoảng thời gian 6 tháng vừa qua, đoàn công tác đặc biệt do Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an tỉnh giữ vai trò chủ đạo, phối hợp với các cơ quan sở tại nhằm ngăn chặn tình trạng này tại các điểm nóng như Yên Hòa, Yên Na, Yên Tĩnh… Trong khi đoàn công tác đang tập trung truy quét, đẩy đuổi tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa nói trên thì ngay tại thị trấn Hòa Bình, tình trạng khai thác vàng sa khoáng lại diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, trong sự phớt lờ đến khó hiểu của chính quyền địa phương sở tại. 
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, trên sông Lam đoạn từ thị trấn Hòa Bình đến cầu treo bản Lau chỉ dài chưa đầy 2km nhưng có tới 2 chiếc xà lan đang hoạt động đào, đãi vàng. Theo ông Lô Văn May, khối 2, thị trấn Hòa Bình thì hai chiếc xà lan này đã hoạt động hơn nửa năm nay, hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm.
 
Cận cảnh một chiếc xà lan đang hoạt động trên sông
 
Trên xà lan có hệ thống máy móc khai thác, gạn đãi vàng sa khoáng được lắp ghép thành dây chuyền với những chiếc gàu sắt múc cát kết nối bởi hệ thống băng chuyền tự động xoay vòng. Trên mỗi xà lan còn trang bị mô tơ phát điện, đường ống cao su bơm dẫn nước lên đỉnh máng để gạn đãi vàng, thậm chí bên cạnh còn trang bị thêm một xuồng máy để cơ động vào bờ mua dầu diezel, lương thực, thực phẩm phục vụ cho từ 5 - 6 công nhân làm việc trên đó. 
 
 
Quan sát một chiếc xà lan đang hoạt động ngay dưới cầu treo bản Lau, nhận thấy hệ thống máy móc trên xà lan khởi động, dây chuyền gàu sắt tự động xoay vòng, múc cát ở đáy mũi xà lan, đưa ngược lên phía sau rồi đổ cát xuống chiếc máng có hệ thống phun nước, gạn đãi trước khi chọn lọc, phân kim. Khi tìm thấy vàng sa khoáng ở bất kỳ cồn cát, bãi bồi nào trên dòng sông này thì chiếc xà lan đều tìm đến đào xới suốt ngày đêm.
 
Hệ lụy là dòng sông bị nạo vét không thương tiếc, những địa điểm có nhiều vàng sa khoáng thì bị khoét sâu vô tội vạ, phần cát sạn sau khi đã đào đãi được đổ ngay giữa lòng sông, tạo nên những bãi nổi ngăn dòng chảy của nước, vô hình trung làm thay đổi dòng chảy. Có những địa điểm như tại khối 2, thị trấn Hòa Bình bị một bãi cát lớn chắn ngang, cả dòng sông gần như chảy ngang, sức nước dội vào làm sạt lở nghiêm trọng bờ sông, đe dọa đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân tại đây. Tình thế buộc chính quyền địa phương phải tính đến phương án kè bờ tả dòng sông để không gây sạt lở trên diện rộng.
 
Trong khi đó, thấy doanh nghiệp mải miết đãi cát tìm vàng, hàng trăm hộ dân bên kia sông cũng đổ xô đào khoét dọc hai bên bờ, dấu tích để lại là hàng trăm hốc đất bị đào khoét nham nhở kéo dài hàng cây số. 
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Kha Văn Ót, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tương Dương cho biết, ngay sau khi tình trạng người dân đổ xô khoét hàm dọc bên sông tìm vàng, thấy tình hình phức tạp huyện đã đi vận động, tuyên truyền, kiểm tra thực tế và tiến hành cưỡng chế. Đến nay, hầu hết các tổ trên đều không còn hoạt động nữa. Tuy nhiên, việc hai xà lan trên đang hoạt động là UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy phép, phía huyện cũng đồng ý cho hoạt động, nên không thể xử lý.
 
Ông Ót cũng cho biết thêm, hai xà lan nói trên là của doanh nghiệp Phúc Đức đóng trên địa bàn. Trước đây, doanh nghiệp này khai thác ở thượng nguồn thị trấn, nhưng càng ngày càng xuôi về phía hạ du.
 
Khai thác vàng sa khoáng gây biến đổi dòng chảy và sạt lở bờ sông
 
Theo thông tin mà chúng tôi thu thập được, doanh nghiệp Phúc Đức có tên đầy đủ là Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Phúc Đức, địa chỉ tại khối Hòa Tân, thị trấn Hòa Bình. Doanh nghiệp này do một người đàn ông tên Nguyễn Hữu Thọ đứng đầu.
 
Điều đáng nói là trong giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp này do Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cấp ngày 6/1/2009, ngành nghề kinh doanh ghi rõ là “Vận chuyển hành khách bằng đường bộ theo hợp đồng, khách du lịch; cho thuê các loại xe du lịch từ 4 đến 24 chỗ; chế biến, mua bán gia súc, gia cầm; mua bán hàng nội, ngoại thất; mua bán phụ tùng ô tô; khai thác, chế biến, mua bán lâm sản; dịch vụ cầm đồ và mua bán hàng hoá, đồ dùng đã qua sử dụng; gia công, chế tác, mua bán vàng, bạc, đá quý; mua bán xăng, dầu và các sản phẩm từ xăng dầu” chứ hoàn toàn không có chức năng khai thác khoáng sản.
 
Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà doanh nghiệp này nghiễm nhiên được phép bức tử lòng sông, đe dọa đến sinh mạng lẫn cuộc sống của hàng trăm con người trong sự vô trách nhiệm đến khó hiểu của chính quyền sở tại.

Thiên Thảo - Trường Khuyên
.