Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201203/19208-trach-nhiem-ca-doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong-398215/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201203/19208-trach-nhiem-ca-doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong-398215/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Trách nhiệm cả doanh nghiệp và người lao động - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 28/03/2012, 14:02 [GMT+7]
19208

Trách nhiệm cả doanh nghiệp và người lao động

Trong những năm qua, cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, sự gia tăng của doanh nghiệp, công ty kéo theo sự tăng nhanh về lực lượng lao động thì chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức về tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và ô nhiễm môi trường lao động.
 
Đứng trước thực trạng trên, dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN tỉnh, năm qua Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với một số sở, ngành tổ chức 4 cuộc truyền thông tại 5 doanh nghiệp, có gần 700 công nhân lao động tham dự, tổ chức tập huấn cho hơn 500 cán bộ, nhân viên và công nhân lao động của 11 doanh nghiệp.
 
Các cấp công đoàn trong toàn tỉnh đã tham gia kiểm tra, giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động tại 161 doanh nghiệp. Đồng thời còn tổ chức hội thi tay nghề giỏi các cấp và hội thi nông dân với ATVSLĐ - PCCN trong sản xuất nông nghiệp.
 
Nhiều đơn vị, công ty, doanh nghiệp đã hưởng ứng và thực hiện tốt công tác ATVSLĐ. Tuy nhiên trên thực tế, việc chưa nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật lao động nói chung và pháp luật về bảo hộ lao động nói riêng vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi trong tỉnh, đặc biệt là ở các doanh nghiệp.
 
Qua đó, dẫn tới nhiều vụ tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra làm thiệt hại về người và tài sản. Điển hình như vụ tai nạn lao động xảy ra tại mỏ đá Lèn Cờ thuộc xã Nam Thành - Yên Thành ngày 1/4/2011 làm 18 người chết 7 người bị thương. Nguyên nhân là do đơn vị khai thác vi phạm quy chế khai thác, khai thác đá không đúng quy trình.
 
Theo thống kê của ngành lao động - thương binh và xã hội, năm 2011, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 49 vụ tai nạn lao động và cháy nổ làm hàng chục người chết và bị thương. Đáng chú ý là trong 11 vụ tai nạn lao động chết người, có 9 vụ tai nạn xảy ra tại doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn hoặc trong doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn.
 
Cần trang bị kiến thức và trang thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân - Ảnh minh họa
 
Tai nạn lao động làm chết người năm 2011 tăng gấp 4 lần so với năm 2010. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đến công tác PCCN và ATVSLĐ, sử dụng lao động, người lao động chưa có ý thức chấp hành về an toàn vệ sinh lao động; một số đơn vị hành chính sự nghiệp chưa quan tâm đến công tác PCCC.
 
Những con số về tai nạn lao động trên đây chưa phải là đầy đủ, bởi thực tế việc chấp hành khai báo tai nạn lao động theo quy định chưa được nhiều doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc, đặc biệt là những vụ tai nạn gây thương tích nhẹ ở các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và những vụ tai nạn xảy ra thuộc lĩnh vực xây dựng.
 
Theo kết quả thanh tra, kiểm tra trong năm 2011 ở 161 doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động chủ yếu do người lao động vi phạm biện pháp an toàn, quy trình vận hành các thiết bị máy móc; một số vụ do người lao động chưa được huấn luyện ATVSLĐ, không có phương tiện bảo hộ cá nhân, thiết bị không bảo đảm ATLĐ.
 
Cùng với đó, tình trạng vi phạm một trong những quy định theo pháp luật lao động và bảo hộ lao động còn diễn ra phổ biến, vi phạm nhiều quy định như chưa xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động hàng năm; không khai báo định kỳ về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; chưa thành lập mạng lưới an toàn, chưa huấn luyện ATVSLĐ và chưa khai báo các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ với cơ quan chủ quản là Sở LĐ-TB&XH; chưa khám sức khỏe định kỳ cho người lao động cũng như tổ chức đo, kiểm tra môi trường lao động tại công ty; về hệ thống phòng cháy chữa cháy không bảo đảm trong khi chưa tổ chức thực tập phương án chữa cháy cho người lao động…
 
ATLĐ ở các doanh nghiệp còn bị xem nhẹ
 
Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường, bệnh nghề nghiệp vẫn chưa được khắc phục ở các doanh nghiệp, nhất là khu vực làng nghề, xưởng khai thác, chế biến, cụm công nghiệp... Đây là những cảnh báo đối với công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới cần sớm được khắc phục.
 
Bà Hoàng Thị Hường - Chánh Thanh tra, Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết: Để người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn, điều quan trọng không chỉ người sử dụng lao động cần nêu cao trách nhiệm của mình mà ngay cả người lao động cũng phải ý thức cao trong việc thực thi các nghĩa vụ và trách nhiệm đã được pháp luật quy định trong Pháp luật lao động.
 
Với chủ đề “Xây dựng văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động”, Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN năm nay, toàn tỉnh sẽ tập trung xây dựng chương trình hoạt động về công tác vệ sinh an toàn lao động, tăng cường phổ biến chính sách pháp luật về an toàn vệ sinh lao động dưới các hình thức hội thi, hội thảo, tư vấn pháp luật lao động; tổ chức tập huấn cho cán bộ công đoàn và công nhân lao động, nhất là ở các doanh nghiệp có nguy cơ cao; tăng cường thanh kiểm tra, giám sát các chế độ chính sách liên quan đến ATVSLĐ-PCCN.
 
Đây chính là thông điệp cần gửi đến các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và của chính người lao động nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho chính bản thân mỗi người, qua đó cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững ở mỗi doanh nghiệp và địa phương.

Xuân Thống
.