Gần đây báo chí đã có lần phản ánh tình trạng người dân tại xã Thạch Ngàn và xã Cam Lâm, huyện Con Cuông tự ý lập cầu, chặn đường thu tiền người qua lại gây nhiều bất bình.
Tưởng câu chuyện dân tự ý lập cầu đường chỉ có ở 2 xã nói trên, nhưng xem ra trong thời gian qua ở xã Môn Sơn và xã Lục Dạ (huyện Con Cuông) lại xuất hiện thêm tình trạng một số người dân ngang nhiên lập cầu thu tiền gây bức xúc cho người qua lại.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, riêng xã Lục Dạ có 2 chiếc cầu gỗ (một ở bản Xằng và một ở bản Yên Thành) do ông Lương Xuân Thuyền trú ở bản Yên Thành, xã Lục Dạ lập nên rồi tự ý thu tiền không theo một quy định nào cả. Người dân cho biết, cầu lúc nào cũng có người đứng canh, chỉ cần có phương tiện đi qua là có người lại thu tiền.
Nhiều người lạ thắc mắc hỏi đòi xem bảng giá quy định thì đều bị người thu tiền gạt phắt; cho rằng việc thu tiền qua cầu đã thành thông lệ mà do cá nhân ông Thuyền quy định, nếu không muốn mất tiền thì lội xuống khe suối mà đi. Khi xe máy chúng tôi vừa đến cầu đã gặp ngay em nhỏ chừng 15 tuổi đứng đầu cầu ngăn cản, miệng liên hồi giục khách nộp tiền qua cầu. Chiếc xe máy của chúng tôi được tính phí 2.000 đồng/lượt. Tranh thủ vừa nộp tiền vừa hỏi han, được biết, em nhỏ này là con trai của ông Thuyền đã bỏ học ở nhà từ lâu, thường xuyên ngồi đây canh cầu, thu tiền. Việc thu tiền phương tiện qua cầu nếu ai mà thắc mắc thì lội suối. Theo quan sát của chúng tôi, trừ những người dân địa phương quá quen với khâu nộp lệ phí cầu này, còn hầu hết người tham gia giao thông khi bị chặn thu tiền đều tỏ ra hết sức ngạc nhiên và bất bình. Tuy nhiên, để tránh gặp rắc rối và mất thì giờ, hầu hết các chủ phương tiện đều “ngậm bồ hòn làm ngọt”, nhanh tay móc ví nộp tiền.
Đang đứng trò chuyện tại chân cầu với một cô giáo dạy trong điểm trường lẻ thuộc xã Lục Dạ thường xuyên qua lại về đây, đúng lúc này có một chiếc xe máy ngoắc sau một chiếc xe tay kéo đang chở gỗ vội vã định chạy qua cầu trốn tiền lệ phí thì em nhỏ kịp thời chặn ngay trước mũi xe, yêu cầu nộp tiền phí.
Cứ mỗi lần đi qua cầu là phải nộp 2.000 đồng/lượt
Do đi làm ở trong rừng về không có tiền mang theo bên mình nên hai người đàn ông này buộc phải lội suối đẩy xe qua. Cách xã Lục Dạ không xa, ở bản Nam Sơn sang bản Thái Sơn thuộc xã Môn Sơn cũng xuất hiện một chiếc cầu do dân tự ý lập nên để thu phí. Tại cây cầu ở xã Môn Sơn, chỉ trừ mỗi học sinh là chủ chiếc cầu không thu tiền vì đã được chính quyền hỗ trợ kinh phí khi học sinh đi qua cầu.
Trước sự việc nảy sinh thêm chuyện dân ngang nhiên lập cầu gỗ bắc qua khe suối để thu tiền, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Lưu Văn Cứu - Trưởng phòng Công thương huyện Con Cuông, ông Cứu khẳng định, việc dân tự ý lập cầu thu phí phương tiện và người qua lại là việc làm không đúng. Biết là vậy, nhưng chính quyền không thể đứng ra làm được, do không có kinh phí, huyện cũng không thể giải quyết hết được, hơn nữa đây là tuyến đường phụ nên huyện không đầu tư vào những điểm đó. Có thể trong tháng 3 này huyện sẽ đề nghị tháo dỡ các điểm cầu do dân tự ý lập thu tiền.
Một thực tế hiện nay nếu chính quyền tháo dỡ cầu thì người dân tại đây và giáo viên, học sinh phải lội suối đi qua. Nếu bị tháo dỡ, chính quyền không đứng ra làm cầu tại các điểm nói trên thì tình trạng dân lại tái diễn tự ý lập cầu thu tiền.
Vấn đề đặt ra là một số cá nhân đã tìm biện pháp khắc phục tạm thời để thu phí của người qua đường, tại sao chính quyền không có biện pháp tạm thời? Và tôi bất giác nhớ tới những người dân hiến đất tiền tỷ để làm đường, thấy cảm phục hơn tấm lòng của những con người luôn hy sinh lợi ích cá nhân vì cộng đồng. Ước gì có nhiều hơn nữa những con người như thế.
Trường Khuyên
.