Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201203/18962-lap-lai-ki-cuong-khai-khoang-398434/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201203/18962-lap-lai-ki-cuong-khai-khoang-398434/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Lập lại kỉ cương khai khoáng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 15/03/2012, 11:00 [GMT+7]
18962

Lập lại kỉ cương khai khoáng

Theo Đại tá Trần Hữu Hồng, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh, trong thời gian qua, tình hình vi phạm các quy định của pháp luật về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An diễn biến hết sức phức tạp. Những sai phạm chủ yếu được thể hiện trên các lĩnh vực như: các vi phạm về bảo vệ môi trường, thủ tục cấp phép, xuất, nhập khẩu khoáng sản… Mà nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên thì nhiều vô kể. 
 
Hiện nay, có một thực tế đáng báo động là tình trạng khai thác trái phép các loại khoáng sản diễn ra khá phổ biến và phức tạp, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên, mất an toàn lao động, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về ANTT.
 
Việc khai thác khoáng sản trái phép không đúng quy trình đã kéo theo nhiều hệ lụy khác như: làm thay đổi dòng chảy, xâm hại đến các công trình giao thông thủy lợi, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.
 
Trong khi đó, hoạt động khai khoáng tại các điểm mỏ được cấp phép thường không thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật. Qua nhiều lần khảo sát thực tiễn có thể nhận thấy, tình trạng vi phạm về quy trình khai thác, điều hành, quản lý khai thác, chỉ huy nổ mìn diễn ra còn nhiều.
 
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 320 đơn vị được cấp giấy phép trên lĩnh vực hoạt động khoáng sản. Tuy nhiên, không phải lần nào, những thủ tục cấp phép đó cũng đúng trình tự và thực hiện có nguyên tắc. Có khi là cấp phép khai thác tận thu sai nguyên tắc, có lúc lại không đúng quy hoạch vật liệu xây dựng, thậm chí, nghiêm trọng hơn là cấp phép vào khu vực chưa có quy hoạch thăm dò…
 
Đoàn công tác trong một lần xuống cơ sở kiểm tra
 
Cơ sở, doanh nghiệp đã như vậy, việc quản lý Nhà nước trên lĩnh vực khoáng sản của chính quyền địa phương và các ngành chức năng cũng thể hiện nhiều bất cập. Một số nơi có biểu hiện buông lỏng, bỏ mặc cho việc khai thác; quản lý đất đai, kiểm soát việc sử dụng đất không chặt chẽ.
 
Trớ trêu ở chỗ, có nơi, chính quyền địa phương còn xác nhận việc mua bán, chuyển nhượng trái pháp luật, tiếp tay cho các hoạt động khai thác trái phép. Trong khi việc thanh kiểm tra của chính quyền và cơ quan quản lý Nhà nước vẫn còn đối phó, thiếu kiên quyết, dẫn đến nhiều tái phạm, tái hoạt động trở lại, không xử lý tận gốc.
 
Nhìn vào bức tranh chung về hoạt động khoáng sản trên của tỉnh ta vào thời gian trước, nhiều người không khỏi ái ngại. Bởi nếu không sớm lập lại kỉ cương trong việc khai thác khoáng sản thì khoáng sản, đặc biệt là những loại quý hiếm sẽ dần cạn kiệt, tác động sâu sắc đến đời sống và sản xuất người dân. 
 
Trước tình trạng đó, Công an tỉnh kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định về việc thành lập 2 đoàn kiểm tra khoáng sản trên quốc lộ 7A và 48, với lực lượng chủ yếu là Cảnh sát Môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Công thương... Ngay sau khi có quyết định, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Môi trường đã tập trung bố trí thành lập 2 đoàn quân tăng cường bám sát địa bàn.
 
Theo một cán bộ chiến sĩ trong đoàn, khi có quyết định cũng là lúc Đài Truyền hình chiếu lại bộ phim Truyền thuyết Ju mông, lại có sự tương hợp giữa việc di chuyển nhiều của đoàn quân nên mọi người đã gọi vui 2 đoàn là “Đội quân Ju - mông chinh chiến”.
 
Tính đến nay, đã 6 tháng từ khi đoàn công tác triển khai việc kiểm tra, xử lý vi phạm, đẩy đuổi hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Đội quân chủ yếu hoạt động ở các địa bàn trọng điểm của các huyện Anh Sơn, Đô Lương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Nghĩa Đàn… Các cán bộ chiến sĩ đã đến từng xã, điều tra cơ bản và tiến hành truy quét, giải tỏa các tụ điểm phức tạp, các điểm tập trung khai thác khoáng sản.
 
Qua kiểm tra đã đẩy đuổi 1.300 đối tượng khai thác khoáng sản trái phép khỏi địa bàn, lập lại trật tự kỉ cương việc khai thác tại 28 xã và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, trong đó có nhiều xã trọng điểm như: Yên Tĩnh, Yên Na, Yên Thắng (Tương Dương), Bình Chuẩn (Con Cuông), Châu Tiến (Quỳ Hợp), xử lý triệt để tình hình khai thác vàng sa khoáng trái phép trên sông Hiếu, sông Lam. 
 
Bên cạnh đó, đoàn cũng đã phát hiện 168 vụ vi phạm, trong đó khai thác khoáng sản trái phép 151 vụ, 10 vụ khai thác khoáng sản có phép nhưng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn lao động; 6 vụ vận chuyển lâm sản trái phép.
 
Đặc biệt, đã tập trung chấn chỉnh 22 điểm mỏ gây mất an toàn lao động tại Quỳ Hợp, tịch thu 9 tàu cuốc, 1 máy xúc khai thác trái phép, 25,5 kg thuốc nổ; 58,23 m3 gỗ, 13 máy nén hơi. Hiện đang tạm giữ chờ xử lý 3 tàu cuốc, 7 máy xúc, 20 máy nén hơi; vô hiệu hóa 151 máy nén hơi, máy xay đá, giải tỏa 218 lán trại, 6.600m đường ống dẫn nước các loại. Bên cạnh nhiệm vụ phát hiện và xử lý các sai phạm, lực lượng cảnh sát môi trường còn tiếp tục triển khai biện pháp phòng ngừa liên quan đến hoạt động khoáng sản. 
 
Có thể nói, qua 6 tháng ra quân triển khai thực hiện quyết định của UBND tỉnh, đoàn công tác đã tập trung cao về lực lượng, phương tiện, đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh, bước đầu thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, hoạt động khoáng sản trên các tuyến, địa bàn cơ bản đã được lập lại trật tự kỷ cương. Các điểm mỏ khai thác có phép đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc chấp hành các quy định pháp luật về tổ chức sản xuất, bảo vệ môi trường.
 
Tuy nhiên, theo Đại tá Trần Hữu Hồng, để việc khai thác khoáng sản được duy trì lâu dài thì không chỉ dựa vào những kết quả trong thời gian đoàn công tác hoạt động mà còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân, chính quyền địa phương và nhất là các chủ mỏ.

Mai Hậu
.