Tuy nhiên, đó chỉ là số liệu thống kê bởi trên thực tế còn hàng trăm xe đã quá kỳ kiểm định lần cuối nhưng chủ xe vẫn tìm cách trốn tránh để tiếp tục lưu hành. Và đây chính là ẩn họa khôn lường đối với tình hình trật tự ATGT và an toàn của người tham gia giao thông.
Theo quy định của Nghị định 23/2004/NĐ-CP, niên hạn sử dụng của ôtô tải không vượt quá 25 năm, ôtô chở người không quá 20 năm và không quá 17 năm đối với ôtô chở người chuyển đổi công năng.
Bên cạnh đó, trong suốt quá trình sử dụng ôtô, chủ phương tiện phải theo định kỳ (24 tháng, 12 tháng, 6 tháng và 3 tháng, tùy thời gian sử dụng) đưa phương tiện đi kiểm định. Đây là những quy định mang tính chất bắt buộc để bảo đảm an toàn cho phương tiện trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều chủ phương tiện tìm đủ mọi cách lách quy định trên.
Để thể hiện sự quyết liệt với vấn đề xe “quá đát” này, tại Nghị định 95/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/10/2009 quy định, kể từ ngày 1/1/2011, ôtô chở khách nguyên bản sản xuất năm 1990 và ôtô chở khách chuyển đổi công năng trước ngày 1/1/2002 sản xuất năm 1993 sẽ buộc phải ngừng hoạt động.
Đối với những ôtô hết hạn sử dụng, khi đến lần kiểm định cuối phải nộp sổ lại cho Trung tâm Đăng kiểm và trung tâm sẽ tiến hành thông báo toàn bộ số ôtô đã hết hạn đến các cơ quan chức năng như CSGT, Thanh tra Giao thông và Ban ATGT để các cơ quan này giám sát việc ngừng hoạt động của các ôtô này.
Không ít vụ TNGT do những chiếc xe hết “đát” gây nên
Quy định là thế, nhưng thực tế tại Nghệ An cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, tình trạng một số chủ ôtô khi đến hạn kiểm định cuối đã không đưa phương tiện đi kiểm định, dẫn đến không thu được sổ kiểm định và điều tất yếu là các phương tiện này vẫn ngang nhiên tiếp tục lưu hành.
Theo số liệu của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, trung bình hàng tháng lực lượng CSGT đã xử lý khoảng 2.000 trường hợp xe ôtô vi phạm lỗi an toàn kỹ thuật liên quan đến phanh, các thiết bị kỹ thuật, các bộ phận an toàn, xe không đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.
Chỉ tính riêng trong năm 2011, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 10 trường hợp sử dụng sổ kiểm định giả đối với các xe đã hết hạn sử dụng, nằm trong diện phải tiêu hủy nhưng các chủ xe bất chấp hiểm họa chực chờ, tiếp tục cho xe lưu hành.
Theo ông Nguyễn Quý Khánh, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Nghệ An, thì việc đưa xe hết niên hạn ra lưu hành sẽ dẫn đến nguy cơ gây TNGT rất cao. Không những vậy, những chiếc xe “hết đát” này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy, nổ vì bình xăng cũ, hoen rỉ, còn các ống dẫn nhiên liệu thì dễ rò rỉ dẫn đến cháy, nổ.
Cái khó trong việc truy thu các loại xe đã hết niên hạn sử dụng này là chủ thường tìm cách thoái thác, đối phó bằng việc chỉ sử dụng xe hết niên hạn chở hàng, chạy tại địa bàn vùng sâu, vùng xa. Trong đó, không ít tuyến xe đường dài hết niên hạn lại đem về để tận dụng chạy tuyến nội tỉnh.
Cũng theo ông Khánh, hai nguyên nhân chính dẫn đến việc xe hết niên hạn vẫn tiếp tục lưu thông trên đường là chế tài xử phạt chưa đủ mạnh (phạt tiền từ 4 triệu đến 6 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông) và thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng chức năng như CSGT, Thanh tra giao thông và Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới. Chính điều này đã vô hình trung tạo ra những kẽ hở để những chiếc xe hết niên hạn lách qua.
Vấn đề đặt ra là, số phận những chiếc xe hết “đát” này sẽ đi về đâu sau khi bị cấm lưu hành? Trước đây, khi chưa có quy định cấm xe tự chế thì những chiếc xe này sau khi “về vườn” sẽ được tái chế lại để sử dụng. Nay xe tự chế bị cấm lưu hành thì ôtô quá niên hạn sử dụng chỉ còn cách bán lại cho các điểm thu mua phế liệu với giá rẻ bèo và đây cũng là lý do khiến cho các chủ xe không chịu “khai tử” phương tiện của mình.
Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa thì vì sự an toàn của người tham gia giao thông, cần có sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của các ban, ngành chức năng để kiên quyết “trảm” những chiếc xe đã “về hưu” nhưng vẫn tung tăng trên đường.
Không chỉ tăng mức xử phạt đủ mạnh để răn đe những trường hợp đưa phương tiện không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và môi trường vào lưu thông mà cần quy trách nhiệm tới chính quyền các địa phương nếu để xảy ra trường hợp chủ phương tiện cố tình sử dụng những chiếc xe đã bị cấm lưu hành. Có như thế, vấn nạn xe quá “đát” mới không còn ngang nhiên vi vu như hiện nay, gây bức xúc cho người tham gia giao thông.
Thiên Thảo
.