Là đảng viên lâu năm, từng là Phó Chủ tịch UBND xã, nay là Phó Chủ tịch HĐND nhưng ông Nguyễn Văn Tuyển vẫn ngang nhiên xây dựng công trình nhà ở dân sinh lấn chiếm lưu không của đường bộ và kênh mương thủy lợi.Nhiều năm nay, vị cán bộ này nêu gương xấu đã khiến dư luận ở đây vô cùng phẫn nộ, còn chính quyền thì "vượt thẩm quyền" để xử lý?
Theo tìm hiểu, xã Quỳnh Châu là một trong 3 xã (cùng với Quỳnh Tam, Tân Sơn) hưởng lợi trực tiếp từ đập nước hồ 3/2 (hay còn gọi là hồ Khe Gỗ) để sản xuất nông nghiệp. Đây là công trình thủy lợi quan trọng được xây dựng từ hàng chục năm trước khi Đảng và Nhà nước có chủ trương đưa dân từ đồng bằng lên khai hoang, phát triển kinh tế ở miền Tây huyện Quỳnh Lưu.
Cùng với đó, nhiều kênh mương dài hàng chục km đã được nhân dân đào, đắp để dẫn nước vào tận đồng ruộng phục vụ sản xuất. Và gần đây, nhiều tuyến kênh mương đã được cơi nới, bê tông hóa để phục vụ tưới nước một cách hiệu quả cho từng địa phương, góp phần nâng cao năng suất sản xuất, giảm đói nghèo.
Thế nhưng, từ đầu năm 2010, đoạn hạ nguồn của kênh nước N1 đoạn qua thị tứ Tuần thuộc xã Quỳnh Châu phục vụ cho hàng chục héc ta thuộc xóm Tuần C, xóm 4A, xóm 4B và xóm 7B bị “quan xã” ở đây lấn chiếm làm tắc dòng chảy. Cũng từ đó, đời sống của hàng nghìn bà con ở các xóm trên gặp không ít khó khăn do nước từ hồ thủy lợi 3/2 không đến được chân ruộng.
Công trình nhà ở dân sinh của “quan xã” làm tắc nghẽn kênh thủy lợi hồ 3/2
Chưa dừng lại ở đó, sau khi chính ông Nguyễn Văn Tuyển (Phó Chủ tịch HĐND xã) xây dựng nhà ở kiên cố trên kênh N1 thì dọc theo tuyến quốc lộ 48B đoạn song song với kênh nước, nhiều hộ dân ở đây đã đua nhau xây dựng theo kiểu “làm theo” cán bộ xã.
Cụ thể, hàng chục hộ dân sống ven quốc lộ 48B dọc từ ngã 3 Tuần (đoạn giao với đường 48A) cũng thi nhau xây dựng lấn chiếm chỉ giới lưu không của quốc lộ với kênh thủy lợi N1 trong thời gian gần đây.
Đây vốn là kênh thủy lợi rộng tới gần 2 mét và hành lang hai bên rộng 5 mét nhưng đến nay, những chỉ số nói trên đã bị xóa bỏ vĩnh viễn bằng các công trình xây dựng của nhiều hộ dân lấn chiếm. Vì vậy, nước tưới cho các hộ nông dân ở nơi hạ nguồn kênh nước 3/2 đã tắc nghẽn thì nay không thể khai thông được nữa.
“Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh tại những buổi họp tiếp xúc cử tri tại Hội đồng nhân dân xã về việc ông Tuyển xây dựng trái phép công trình kiên cố trên kênh nước N1, thế nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Ông ấy (ông Nguyễn Văn Tuyển - PV) không chỉ xây dựng cho mình mà con trai của ông cũng mới xây lấn chiếm kênh nước để mở hàng quán buôn bán. Người dân vô cùng bức xúc khi những vụ mùa thất bát do không chủ động trong việc đưa nước tới được chân ruộng của mình. Cán bộ mà làm như vậy, người dân chỉ có chịu thiệt thòi mà thôi” - Anh Thể, một hộ dân ở xã Quỳnh Châu cho biết.
Đem vấn đề này trao đổi với lãnh đạo chính quyền địa phương sở tại, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế xã Quỳnh Châu, ông Hồ Đức Xin cho biết: Sự việc ông Nguyễn Văn Tuyển, cán bộ xã xây dựng nhà ở trên kênh thủy lợi 3/2 là có thật. Chúng tôi cũng đã từng tiếp nhận phản ánh của người dân về vấn đề này. Tuy nhiên, việc ông Tuyển và một số hộ dân lấn chiếm chỉ giới lưu không vượt quá thẩm quyền cho phép của xã để tổ chức cưỡng chế, giải tỏa?!
Còn ông Nguyễn Bỉnh Khảng, Chủ tịch UBND xã thì biện minh: “Do sự việc diễn ra từ khóa trước (2006 - 2010), lúc đó tôi đang là Phó Chủ tịch. Sự việc vượt quá thẩm quyền giải quyết của xã, trong tháng 3 tới chúng tôi sẽ làm báo cáo lên huyện”.
Dư luận đang đặt câu hỏi, tại sao sự việc một cán bộ xã như ông Nguyễn Văn Tuyển “tiên phong” xây dựng công trình nhà ở dân sinh trái phép làm tắc nghẽn dòng chảy của cả một công trình thủy lợi quan trọng như vậy, cấp ủy, chính quyền sở tại lúc bấy giờ lại “bật đèn xanh”?
Liệu có nên đánh đổi một vài công trình xây dựng trái phép tư nhân như vậy với hàng trăm héc ta đất sản xuất nông nghiệp của người dân nghèo? Và, tình trạng người dân ở đây vô tư “làm theo” cán bộ xã xây dựng lấn chiếm chỉ giới lưu không của quốc lộ 48B và kênh thủy lợi 3/2 trong thời gian qua, các cấp, các ngành lại thờ ơ?
Điều chắc chắn rằng, nếu các ban, ngành ở huyện Quỳnh Lưu không sớm kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm nêu trên thì sẽ còn rất nhiều hộ dân tiếp tục xây dựng lấn chiếm công trình thủy lợi của hồ Khe Gỗ là điều khó tránh khỏi.
Ngọc Thái
.