Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201202/18280-bao-dong-tinh-trang-xuat-khau-lao-dong-chui-398972/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201202/18280-bao-dong-tinh-trang-xuat-khau-lao-dong-chui-398972/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Báo động tình trạng xuất khẩu lao động “chui” - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 10/02/2012, 14:00 [GMT+7]
18280

Báo động tình trạng xuất khẩu lao động “chui”

Về xóm 3B xã Quỳnh Lộc (Quỳnh Lưu) ai cũng biết nạn nhân Lê Công Khoa chết do ngạt khí độc cuối năm vừa qua khiến gia đình phải lao đao. Ông Lê Công Hoàng, bố của Khoa vẫn chưa hết bàng hoàng bên di ảnh con trai.

Ông Hoàng kể: “Gia đình tôi vì quá đông con (có 7 người con) nếu bám vào nông nghiệp thì không đủ ăn nên khi có người giới thiệu cho một đứa đi xuất khẩu lao động là tôi mừng lắm. Sau khi bàn bạc với anh em họ hàng, rồi quyết định cho Nguyễn Công Khoa (SN 1992) đi cùng với hai người khác trong làng là  Hồ Sĩ Hồ và Hồ Đức Thiêm. Mỗi người đi phải nộp 2.700 USD cho người môi giới ở xã Diễn Hạnh (Diễn Châu). Tất cả lên máy bay vào tháng 2/2011 thì đến ngày 10/12/2011, Hồ gọi điện về báo cho biết, Khoa bị ngạt khí ga mất cùng với hai người khác quê Diễn Châu. Từ khi đi Khoa mới gửi về được hơn hai chục triệu đồng, trong khi số tiền vay mượn ngân hàng và anh em lên đến 50 triệu mà giờ lãi mẹ đẻ lãi con chúng tôi biết lấy gì để trả”.
 
Vừa khóc, ông Hoàng vừa nói tiếp: “Biết là đi chui, bất hợp pháp, nhưng giờ tôi chỉ mong làm sao người đưa đi hỗ trợ cho một ít tiền để trả nợ ngân hàng chứ đưa thi thể cháu về thì mất 3 tỉ đồng, cả đời, cả họ hàng tôi góp lại cũng không thể có số tiền đó”.

Di ảnh của một nạn nhân xấu số trong vụ ngạt khí ga
 
Nhờ thông tin từ ông Hoàng, chúng tôi tìm đến xóm 2, xã Diễn Hạnh nơi có nạn nhân Nguyễn Văn Tuấn cũng chung số phận như Lê Công Khoa. Khi bước chân vào nhà, cảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là bàn thờ anh Tuấn cũng vừa mới lập vội còn nghi ngút khói hương.
 
May mắn hơn những người khác, anh Tuấn đã lập gia đình với vợ đẹp, con khôn, con trai đầu Nguyễn Văn Đức (21 tuổi) đã lấy vợ vừa sinh cháu đầu lòng, con thứ Nguyễn Thị Trang cũng đang học lớp 12.
 
Kể chuyện trong nước mắt, Đức cho biết: “Bố cháu mất năm nay vừa bước sang tuổi 43, còn mẹ cháu tên Đặng Thị Nhung (40 tuổi), bán hàng quần áo tại chợ Phú Diễn”.
 
Chúng tôi tiếp tục đến nhà ông Nguyễn Đức Vinh, bố của nạn nhân Nguyễn Văn Dũng tại xóm Phúc Nguyên, xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu. Vừa bước vào nhà gặp ngay di ảnh anh bộ đội trẻ măng trên bàn thờ, chúng tôi không khỏi ái ngại.
 
Ông Vinh cho biết: “Dũng đi bộ đội về tháng 12/2009 thì đến ngày 10/2/2011 nó nộp 50 triệu đồng cho người môi giới để đi xuất khẩu lao động “chui” mong kiếm công ăn việc làm ổn định để đổi đời. Vậy mà, ai đâu có ngờ đi chưa đầy năm, mới gửi về được hai mươi triệu thì nó ra đi trong một vụ ngạt khí ga. Nó mất đi khiến gia đình tôi hụt hẫng bởi nhà có 7 anh em thì nó là con thứ 3 và hiền ngoan nhất nhà. Bản thân tôi cũng là cựu chiến binh hơn 10 năm trong quân đội nhưng cũng chưa có dịp cất lại ngôi nhà cho đàng hoàng, những tưởng trông chờ vào nó, vậy mà...”.
 
Vụ ngạt khí ga vào ngày 14/12/2011, cháu Khoa và anh Tuấn tử vong ngay phải “vùi” chung một chỗ không được đắp mộ, còn Dũng được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện và nhờ sự quen biết của người nhà tại đó nên họ cấp tốc trộm mai táng cháu trong vòng 30 phút khi nhà chức trách không biết nên Dũng được nhập vào phê rô và được mồ yên mả đẹp. Thông tin trên được một người bạn của Dũng cung cấp cho ông Vinh (bố của Dũng) sau đó hai ngày.
 
Hỏi bà Trần Thị Nguyệt, mẹ của nạn nhân Dũng: Nguyện vọng của bà bây giờ là gì? Bà Nguyệt nói “Gia đình tôi thuần tuý nông nghiệp, với số tiền 50 triệu đồng vay mượn là cả hàng chục tấn thóc. Nhưng khó khăn là một chuyện, tôi mong sao người đưa cháu đi tìm mọi biện pháp đưa thi thể cháu về nước để vợ chồng tôi chết cũng được yên lòng”.

Được biết, hàng năm trên cả nước có hàng trăm lao động ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp bằng hộ chiếu phổ thông và một số không ít lao động này phải bỏ mạng tại xứ người vì tranh chấp lao động, vì cuộc sống kham khổ và hàng ngàn lí do khác mà chung quy lại chỉ vì kém hiểu biết về pháp luật để các ông chủ, đầu nậu thu gom kiếm tiền trên thân xác của mình một cách vô lương tâm không thương xót.
 
Biết rằng, lao động “chui” là vi phạm pháp luật, là sẽ trông chờ vào may, rủi. Tuy nhiên, vì số tiền bỏ ra ít hơn so với đi hợp pháp  nên nhiều người vẫn tìm cách xuất ngoại cho bằng được những mong kiếm được một công việc hái ra tiền. Thế nhưng, mọi dự định của họ đã bị dập tắt, thậm chí họ đã phải bỏ mạng nơi xứ người vì những hiểm hoạ không thể lường trước.

Hà Thanh
.