Là tuyến đường dân sinh quan trọng nối trung tâm các bản người Thái từ trung tâm xã với các bản Bình Sơn, Hòa Sơn đi vào các bản có đồng bào dân tộc Mông của xã Tà Cạ, đập tràn Bản Cánh có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với người dân nơi đây.
Công trình được xây dựng từ những năm 2000 thuộc bản Cánh, giúp cho việc đi lại của người dân được thuận tiện cũng như việc giao lưu trao đổi hàng hóa giữa các bản trung tâm với các bản vùng sâu, vùng xa.
Thế nhưng những năm gần đây, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, mưa bão thường xuyên xảy ra nên vào mùa mưa lũ, một khối lượng nước mưa rất lớn từ trên núi qua các vách đá tập trung đổ về tạo thành dòng xoáy đổ ra khe bản Cánh trước khi chảy đi tạo dòng hợp lưu đổ về dòng Nậm Mộ làm cho nơi đây thường xuyên ngập nước, khiến các xóm bị cô lập hoàn toàn.
Ngày 6/12/2011, chúng tôi có mặt tại đập tràn Bản Cánh, chứng kiến: Hiện mặt đường qua đoạn này rất thấp và đã xuống cấp, hư hỏng nặng, mặt tràn đã bị loang lổ, nền trần bê tông thép đã bị vữa ra chỉ trơ lại lõi thép tạo nên những "hố sâu dưới nước" rất nguy hiểm khi nước tràn qua.
Mặt nền của đập tràn đã bị hỏng, xói lở phía dưới
Con đường duy nhất nối liền trung tâm bản Cánh với các bản này tập trung chủ yếu là người dân tộc thiểu số, hàng ngày họ phải lên rẫy trở về nhà, có khi vào ban đêm khó xác định được đường đi nên rất nguy hiểm đến tính mạng.
Đặc biệt, hàng ngày, có hàng trăm học sinh và giáo viên đi qua đoạn đường này. Và ở đây cũng đã chứng kiến rất nhiều trường hợp sẩy chân bị nước cuốn trôi, ngã gãy chân, đặc biệt trong mùa mưa bão.
Chị Lô Thị Cáng, một chủ quán nằm cạnh đập tràn cho biết: Sau khi đập bị xuống cấp, trong mấy năm gần đây đã chứng kiến 5 - 6 người bị dòng nước cuốn trôi, kể cả người lớn và trẻ em. Đợt bão lụt tháng 10/2011, một em học sinh 6 tuổi, sau khi cùng bạn từ trường về rủ nhau qua suối tắm đã bị sẩy chân trong dòng nước mạnh khiến em bị cuốn trôi.
Trước tình trạng đập tràn xuống cấp ảnh hưởng đến tính mạng cho người dân, trong khi ngân sách địa phương khó khăn không thể nâng cấp xây mới, nên ở thượng lưu của đập địa phương đã huy động nhân dân làm cầu tạm bằng gỗ, tre bắc qua cầu đập nhưng vì "không tiện" nên mặc dù đập tràn là mối nguy hiểm, người dân vẫn chọn phương án qua đập tràn này. Vì thế tính mạng của người dân lúc nào cũng "đánh đu" với tử thần.
Trước những bất cập trên đề nghị các cấp chính quyền huyện Kỳ Sơn sớm quan tâm, khắc phục tình trạng này, đừng để "mất bò mới lo làm chuồng".
Thống - Thái
.