(Congannghean.vn)-Đến hết tháng 6/2014, toàn tỉnh Nghệ An đã có 7 xã đạt 19/19 tiêu chí, 4 xã đạt 18 tiêu chí, 3 xã đạt 17 tiêu chí, 15 xã đạt 16 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Mặc dù triển khai trong điều kiện khó khăn, điểm xuất phát thấp, ngân sách đầu tư còn hạn chế, nhưng với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của người dân, phong trào xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh đã đạt nhiều tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, để phong trào thực sự lan rộng, tạo bước đột phá mạnh mẽ thay đổi diện mạo của nông thôn rất cần sự quyết tâm, cố gắng nhiều hơn nữa.
Bài 1: Thành công từ những "xã điểm"
Nông thôn Nghệ An có mặt từ thành thị đến cả đồng bằng, vùng núi cao. Ở mỗi địa phương có những đặc trưng riêng về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, đặc biệt là ở những vùng quê đó có sự khác nhau về điều kiện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và kể cả công tác điều hành, chỉ đạo. Thế nhưng, sau hơn 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) theo Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2010 - 2020, ở các địa phương lại có những cách làm riêng, tạo nên bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét.
Từng là một trong những xã nằm vào "top" các xã nghèo của huyện lúa Yên Thành cách đây vài thập kỷ, bước vào con đường sự nghiệp đổi mới của Đảng, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như một luồng gió mới đưa xã Sơn Thành, huyện Yên Thành có những bước tiến vượt bậc, phát triển đi lên một cách bền vững và trở thành điểm sáng của huyện và cả tỉnh. Bắt tay vào thực hiện phong trào xây dựng NTM với một xã miền núi như Sơn Thành gặp không ít khó khăn. Nhưng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng các cấp, sự chỉ đạo, điều hành của huyện và xã, cùng với sự đồng sức, đồng lòng, bản lĩnh và ý chí của người dân, truyền thống tự lực, tự cường của đơn vị từng đạt "Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Mỹ", xã Sơn Thành đã bứt phá đi lên thoát nghèo, trở thành xã khá, giàu của huyện.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trí Trung phấn khởi cho biết: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó sự tin tưởng, đồng lòng và cố gắng của chính người dân đã đem đến cho Sơn Thành kết quả như hôm nay. Là một trong 10 xã được chọn làm điểm của huyện, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", chủ trương đi lên từ “2Đ” (đi lên từ đường, vươn ra từ đồng), chọn giao thông nông thôn là khâu đột phá, dồn điền đổi thửa là trọng tâm, trong thời gian ngắn đã đưa địa phương hoàn thành các tiêu chí một cách toàn diện.
Phong trào xây dựng NTM đã tạo sự chuyển biến rõ nét đối với bộ mặt nông thôn nhiều vùng quê |
Đến nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí (trừ tiêu chí 7 chợ nông thôn không đưa vào quy hoạch). Xã đã huy động trên 230 tỉ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó người dân đóng góp và hiến đất trị giá trên 200 tỉ đồng. Thành công này đã nâng thu nhập đầu người đạt 27,7 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn 2,9%; tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt từ 15 - 16,2%. Với kết quả này, ngày 11/3/2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 858/QĐ-UBND.NN công nhận xã Sơn Thành là xã đạt chuẩn NTM năm 2013, đến ngày 26/4, UBND tỉnh tổ chức lễ công bố xã NTM đầu tiên của tỉnh.
Ngay tại TP Vinh, bước vào triển khai xây dựng NTM, toàn thành phố có 9 xã/25 phường, xã tham gia xây dựng theo chủ trương này. Trong số đó, mỗi xã vùng ngoại thành có những nét khác nhau và cách làm của mỗi địa phương cũng có sự riêng biệt. Tại xã Nghi Liên, là đơn vị đầu tiên của TP Vinh đạt danh hiệu xã đạt NTM và là xã thứ 2 trên toàn tỉnh có được vinh dự này. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, bộ mặt của xã đã có những khởi sắc rõ rệt. Đến nay, hệ thống công trình phục vụ phát triển kinh tế, xã hội được đầu tư mạnh mẽ, giao thông ngõ xóm được cứng hóa; tỉ lệ hộ nghèo còn 2,1%, thu nhập đầu người đạt trên 1,8 triệu đồng/tháng.
Bí thư Đảng ủy Nguyễn Công Hà cho biết: So với một số địa phương trong tỉnh và thành phố, tham gia phong trào NTM xã Nghi Liên cũng có những thuận lợi và cả những khó khăn. Qua thực tiễn của xã cho thấy, điểm nổi bật trong xây dựng NTM ở Nghi Liên đó là phong trào hiến đất làm đường giao thông và huy động nhân dân phát huy nội lực đóng góp kinh phí mua nguyên liệu cát, sỏi, ngày công lao động để xây dựng giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi. Trên 2.000 m2 đất ở, đất vườn và 1.125 m2 đất nông nghiệp có giá trị gần 6,5 tỉ đồng cùng 900 triệu đồng nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở vật chất và 10 tỉ đồng xây dựng công trình, 800 triệu đồng đóng góp huy động từ nhân dân. Vinh dự của xã Nghi Liên trước thềm đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn NTM đó là được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác của trung ương, tỉnh về thăm, làm việc vào ngày 23/3/2014.
Từ thực tiễn xây dựng NTM ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh đã có những cách làm hay, sáng tạo đem lại hiệu quả, trở thành những điểm sáng trong phong trào như: Xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn); Tam Quang (Tương Dương); Quế Sơn, Mường Nọc (Quế Phong); Châu Quang, Tam Hợp (Quỳ Hợp); Nghĩa Đồng (Tân Kỳ); Nghi Thái (Nghi Lộc); Thịnh Sơn (Đô Lương); Diễn Hồng, Diễn Tháp (Diễn Châu); Hưng Tân (Hưng Nguyên); Kim Liên (Nam Đàn)... Đây thực sự là những mô hình, địa chỉ cần được học tập, nhân rộng thời gian tới.
Sáng 5/7, tại xã Kim Liên (Nam Đàn), Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh đã tổ chức họp giao ban với 14 xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2014. Theo đó, đối với 14 xã đăng ký về đích năm 2014 đã có 6/14 xã đạt 19/19 tiêu chí, 8 xã còn lại đạt 17 - 18 tiêu chí, đang phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại để được công nhận. Tại hội nghị, đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ NTM của tỉnh nhấn mạnh, các xã cần làm tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân, huy động tốt mọi nguồn lực để sớm hoàn thành các tiêu chí còn lại. Các địa phương đã hoàn thành cần rà soát lại, nâng cao các tiêu chí đã đạt một cách bền vững. |
.