Xây dựng nông thôn mới

Ưu tiên đầu tư mô hình sản xuất ở nông thôn

15:13, 13/03/2014 (GMT+7)
Từ năm 2014, Ban chỉ đạo Quốc gia về xây dựng NTM sẽ lấy việc ưu tiên đầu tư phát triển mô hình sản xuất ở nông thôn, tăng thu nhập cho nông dân làm “điểm tựa” để thúc đẩy thực hiện các tiêu chí khác. 
 
Ngày 12/3, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) chủ trì cuộc họp triển khai nhiệm vụ 2014 của Ban Chỉ đạo.
 
Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp
 
Ông Lê Huy Ngọ (nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT, cố vấn của Ban Chỉ đạo cho rằng những năm đầu xây dựng NTM, ta cứ nghĩ tập trung đầu tư cho hạ tầng là hướng đi đúng, nhưng qua thực tế thì đầu tư phát triển các mô hình sản xuất ở nông thôn mới là động lực cho phong trào NTM.
 
Về hướng đi này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, trong năm 2013, Bộ đã ban hành các văn bản chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Các Tổng cục, Cục thuộc Bộ đều xây dựng kế hoạch và chọn một số xã điểm để chỉ đạo sớm thực hiện các tiêu chí ngành, từ đó rút kinh nghiệm để chỉ đạo thực hiện trên diện rộng.
 
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các Bộ, ngành hoàn thiện các cơ chế, chính sách hướng dẫn công nhận xã NTM để trình Chính phủ, Thủ tướng xem xét, ban hành
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các Bộ, ngành hoàn thiện các cơ chế, chính sách hướng dẫn công nhận xã NTM để trình Chính phủ, Thủ tướng xem xét, ban hành
Các tỉnh, thành phố cũng quan tâm đến tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn nhằm nâng cao thu nhập của người dân (như Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa). Một số địa phương xúc tiến dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa (Lâm Đồng, An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp…). TPHCM, Lâm Đồng cũng đang xúc tiến ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị.
 
Tỉnh nào cũng có hàng chục mô hình sản xuất hiệu quả được triển khai, nhân rộng. Hiện cả nước có hơn 9.000 mô hình sản xuất có hiệu quả, được tổng vốn ngân sách hỗ trợ khoảng 8.400 tỉ đồng. Năm 2013, giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị canh tác ở TPHCM đã đạt 286 triệu đồng/ha, còn Hà Nội là 212,4 triệu đồng/ha.
 
Phải có cách nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả
 
Tuy nhiên, việc thúc đẩy cho ra đời các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả vẫn chưa đạt được trên diện rộng. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết, việc các địa phương lựa chọn sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu đã khó, nhưng việc duy trì và nhân rộng mô hình sản xuất các sản phẩm này còn khó hơn.
 
Ngoài ra, các địa phương cũng chậm hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất. Các hình thức tổ chức sản xuất và dịch vụ ở nông thôn chưa có chuyển biến tích cực.
 
Các thành viên Ban Chỉ đạo nhận thấy ở nhiều địa phương, lãnh đạo vẫn chưa quan tâm tạo vốn hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả ở địa bàn thôn, xã để người dân học tập. Mới chỉ có khoảng 6-7% tổng số vốn dành cho phát triển sản xuất trên địa bàn xã.
 
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định đa số hộ nông dân, chủ trang trại, HTX vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng cho sản xuất. Trong khi đó, ông Lê Huy Ngọ lại nêu vấn đề chậm hướng dẫn lồng ghép các chương trình giảm nghèo, khiến nguồn vốn cho NTM nói chung và cho phát triển sản xuất nói riêng càng khó hơn.
 
Để duy trì, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đề nghị cần có chính sách mạnh hơn trong việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh ở nông thôn. 
 
“Đừng nói doanh nghiệp không đầu tư vào nông thôn là do không có thị trường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa của ta vẫn tăng, tức là thị trường vẫn còn. Quan trọng ta phải có chính sách để hút họ về khu vực nông thôn. Vì vậy, để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất ở nông thôn, lãnh đạo cấp tỉnh phải vào cuộc", bà Thoa nói.
 
Nhiều đại biểu tham dự cuộc họp khẳng định ưu tiên đầu tư cho tiêu chí sản xuất để tạo ra động lực phát triển cho phong trào xây dựng NTM
Nhiều đại biểu tham dự cuộc họp khẳng định ưu tiên đầu tư cho tiêu chí sản xuất để tạo ra động lực phát triển cho phong trào xây dựng NTM
 
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bày tỏ đồng tình với ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo về việc phát triển mô hình sản xuất ở nông thôn, tăng thu nhập cho nông dân làm “điểm tựa” để thúc đẩy  thực hiện các tiêu chí khác.
 
Trong giai đoạn 2014 - 2016, vốn đầu tư cho NTM nhiều gấp 5 lần các năm trước (mỗi năm được đầu tư 5.000 tỉ đồng từ trái phiếu Chính phủ), do vậy Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KHĐT phối hợp với Bộ NNPTNT hướng dẫn việc phân bổ đến các địa phương cho hiệu quả, tập trung phát triển các tiêu chí có tính dài hạn như quy hoạch, phát triển sản xuất.
 
Các Bộ, ngành sớm tổng kết các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện nay để nhân rộng ở khu vực, vùng và cả nước. Trước hết phải xác định được các dự án tiềm năng, rồi đưa ra thứ tự ưu tiên đầu tư trong 3 năm để việc thực hiện đạt kết quả chắc chắn. Bên cạnh đó cần rà soát, bổ sung quy hoạch sản xuất nhằm hướng tới phát triển bền vững.
 
Đối với chính sách tín dụng cho nông thôn, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ sớm đưa ra hướng dẫn lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để các địa phương sử dụng vốn hiệu quả.
 
"Chưa đặt vấn đề sửa đổi tiêu chí NTM"
 
Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu trong cuộc họp sáng 12/3. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ có liên quan đến tiêu chí nào thì xuất phát từ thực tiễn thực hiện tiêu chí đó, hướng dẫn các địa phương thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương. Tiêu chí nào khó làm thì phải xây dựng lộ trình thực hiện.
 
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hướng dẫn công nhận xã NTM để trình Chính phủ, Thủ tướng xem xét, ban hành; các bộ liên quan xây dựng kế hoạch, dự án thực hiện tiêu chí môi trường ở nông thôn; nghiên cứu việc quy định ngân sách địa phương phải chi tối thiểu cho NTM; đảm bảo khen thưởng trong thực hiện xây dựng NTM kịp thời.

 

Chinhphu

Các tin khác