Xây dựng nông thôn mới

27730

Đẩy mạnh đào tạo nghề để xây dựng NTM

16:15, 10/04/2013 (GMT+7)
Trường Trung cấp Nghề kinh tế kỹ thuật Nghi Lộc
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nông dân là một nhiệm vụ quan trọng được huyện Nghi Lộc (Nghệ An) ưu tiên thực hiện. Thông qua việc đào tạo nghề đã giúp nhiều nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
 
Với phương châm “cho nông dân cần câu hơn xâu cá”, đã quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn. Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, tại 30 xã thị trấn của Nghi Lộc đã và đang tập trung thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. UBND huyện chỉ đạo cho các xã tổ chức điều tra cung cầu lao động, rà soát lại nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề trên toàn huyện để có kế hoạch đào tạo nghề cho phù hợp. Trong đó, đặc biệt tập trung cao cho vùng thuộc diện thu hồi đất để xây dựng dự án, khu công nghiệp hay các công trình phúc lợi cũng như những địa phương sản xuất nông nghiệp khó khăn.
 
Ông Phạm Xuân Hồng – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề kinh tế kỹ thuật Nghi Lộc cho biết: Xác định rõ vai trò then chốt và nhu cầu của các học viên, và tình hình thực tế tại địa phương trong những năm qua trường đã đào tạo hàng nghìn học viên bao gồm các ngành nghề: điện dân dụng, tin học ứng dụng, trồng hoa, chăn nuôi, thú ý…
 
Về hệ trung cấp nghề trường được nâng cấp từ trung tâm hướng nghiệp dạy nghề của huyện từ tháng 7/2010. Trong hai năm thực hiện nhà trường đã tuyển sinh và đào tạo 285 học viên Trung cấp. Với các nghề: Nghề công nghệ Ô tô, điện dân dụng, nghề hàn, nghề may, quản trị khách sạn… Trong 8 năm qua nhà trường đã từng bước đa dạng các ngành nghề đào tạo. Từ năm 2005 đến năm 2012 đã đào tạo và cấp chứng chỉ học nghề cho 3.944 học viên sơ cấp, tuyển sinh và đào tạo 285 học viên học nghề Trung cấp, dạy nghề phổ thông cho hơn 8.000 lượt học sinh; tham gia xây dựng được nhiều mô hình sản xuất thu nhập cao, tạo điều kiện để nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả.
 
Đào tạo nghề tại trường
Từ năm 2012, trường được đầu tư thêm kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị và tiếp tục có nhiều biện pháp để nâng cao số lượng cũng như chất lượng đào tạo. Tiếp tục thực hiện đề án đào tạo nghề cho nông dân từ nay đến năm 2015, Nghi Lộc phấn đấu đưa tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt từ 35 – 50%, trong đó tập trung vào các nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đây là cơ sở để Nghi Lộc từng bước thực hiện một trong những tiêu chí quan trọng trong chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới đó là giảm tỷ lệ lao động sản xuất nông nghiệp xuống dưới 35%.
 
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của huyện Nghi Lộc và trường hiện nay là gói ngân sách để giải phóng mặt bằng nhằm nâng cấp hệ thống trường lớp, xưởng đào tạo. Trong đó, trọng tâm là đầu tư xây dựng cơ bản và thiết bị dạy nghề theo chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. 

Thái Sơn

Các tin khác