Xây dựng nông thôn mới

Bài toán nào cho rác thải nông thôn?

08:02, 01/03/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Vệ sinh môi trường là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là tiêu chí khó đạt, khiến nhiều địa phương băn khoăn, lo lắng. Thực tế hiện nay, rác thải sinh hoạt đang khiến môi trường các vùng nông thôn, nhất là các địa phương ven thành phố ngày càng ô nhiễm. Không chỉ người dân thành thị loay hoay giải bài toán rác thải sinh hoạt mà ở vùng nông thôn, rác thải trở thành nỗi ám ảnh, vấn nạn chưa tìm thấy lời giải đáp.
 
Ra ngõ gặp... rác
 
Không khó để bắt gặp cạnh các con đường lớn những bãi rác di động. Ngay cả những điểm trưng biển cấm đổ rác thì người dân vẫn vô tư vứt rác. Rác thải sinh hoạt được người dân đóng thành bì, thành các túi nilon, lợi dụng lúc trời tối, một số người đã vứt rác bừa bãi. Khó đếm được có bao nhiêu bãi rác như thế trên tuyến QL46, QL15A, QL48... Trên Quốc lộ đã thế, đường làng cũng trở thành những điểm tập kết rác thải sinh hoạt bất đắc dĩ, nhất là những đoạn đường thưa vắng người qua lại, trên các con đường dẫn ra cánh đồng làng với bao nhiêu là bao nilon, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật sau khi đã sử dụng… Hai đầu cầu và cả trên thân cầu cũng trở thành những điểm đổ rác “lý tưởng”. Rác cũng xuất hiện nhiều tại các bến sông như bến sông đối diện với Nhà máy Bia Sài Gòn, trôi dạt trên các dòng sông Lam, sông Gang, các điểm chứa nước, thậm chí là cạnh các nghĩa địa. Xuất phát từ thói quen, nhiều người đã nghiễm nhiên xem việc vứt rác tại nơi công cộng mà không cần quan tâm đến môi trường sống quanh mình đang ngày càng trở nên ô nhiễm.
 
Rác thải sinh hoạt đa dạng, gồm cả rác thải hữu cơ và vô cơ. Và ở nhiều điểm đổ rác, người dân còn vứt cả xác động vật. Khi những bãi rác này ngập ngụa, bốc mùi hôi thối, những hộ dân sống xung quanh buộc phải đốt. Và như thế, môi trường lại thêm ô nhiễm. Nhiều người hiểu rằng, rác thải hữu cơ, nếu được tái sử dụng sẽ đem lại nhiều lợi ích cả về môi trường lẫn trong sản xuất kinh doanh. Rác thải vô cơ, nếu được phân loại tốt, tái chế sẽ đem lại nhiều lợi ích trong cuộc sống. Vậy nhưng, không phải ai trong số chúng ta cũng làm được điều đó...
 
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng rác thải nông thôn trở thành nỗi ám ảnh thì nhiều. Nhưng tìm ra nguyên nhân chưa hẳn đã có lời giải, điều quan trọng là tìm và phát huy những mô hình tốt trong việc thu gom và xử lý rác thải. Nhiều địa phương đã có những mô hình hay cần được nhân rộng.
 
Mô hình hố rác nội đồng tại xã Nam Xuân (Nam Đàn)
Mô hình hố rác nội đồng tại xã Nam Xuân (Nam Đàn)
Những mô hình cần nhân rộng
 
Chúng tôi về huyện Nam Đàn, một địa phương được xem là có nhiều sáng kiến, nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường. Theo ước tính của một cán bộ Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Nam Đàn, bình quân mỗi ngày địa phương này thải ra môi trường trên 60 tấn rác thải sinh hoạt (tương đương 40m3). Một con số khó tưởng ở một vùng nông thôn. Trong đó, rác thải vô cơ chiếm tỉ lệ lớn. Trên tuyến QL46, nơi giáp ranh giữa nhiều xã, hiện tượng xả rác bừa bãi vẫn diễn ra. Trước đây, Nam Đàn có một bãi chôn lấp rác thải nằm trên địa phận xã Nam Thái. Hơn chục năm nhận rác, nay bãi rác xã Nam Thái đã quá tải, huyện Nam Đàn đang kêu gọi đầu tư triển khai dự án xử lý rác thải trên địa bàn xã Khánh Sơn. Trong thời điểm rác thải chưa tìm được địa điểm tập kết mới, rác thải đương nhiên trở thành chủ đề “nóng”. Tuy nhiên, với cách triển khai các mô hình của mình, Nam Đàn đang “đối phó” hiệu quả với vấn nạn này.
 
Nam Đàn có 24 xã, thị trấn, mỗi năm các xã đều được huyện hỗ trợ số tiền 40 triệu đồng để thu gom và xử lý rác thải (riêng thị trấn Nam Đàn được cấp trên 100 triệu đồng mỗi năm). Với một nguồn kinh phí hạn hẹp, vấn đề đặt ra là, sử dụng nguồn ngân sách này ra sao cho hiệu quả. Thực tế tại địa bàn đã xuất hiện nhiều cách làm hay cần được phát huy, nhân rộng.
 
Tại một số xã như Nam Xuân, Nam Anh, Nam Tân, chính quyền địa phương đã hỗ trợ kinh phí giúp người dân xây các hố phân loại rác tại gia. Rác thải hữu cơ được phơi, đốt hoạc ủ làm phân, rác thải vô cơ được đốt hoặc thu gom vào các điểm tập kết theo đúng quy định. Với rác thải ngoài các cánh đồng, chính quyền xã Nam Xuân, Nam Nghĩa đã bỏ kinh phí đổ ống cống để thu gom, sau đó xử lý. Số rác thải này, sau đó được các xã hợp đồng với Công ty Môi trường Đô thị vận chuyển đi xử lý tại bãi rác của tỉnh.
 
Ngoài việc xây dựng các điểm tập kết rác thải, nâng cao ý thức người dân, thuê công nhân Công ty Môi trường Đô thị vận chuyển rác thải, việc triển khai các mô hình tự quản, đảm nhận vệ sinh các tuyến đường được giao cho các tổ chức như Hội Phụ nữ, Hội CCB, Đoàn Thanh niên. Chính điều này đã khiến cho đường làng ngõ xóm tại Nam Đàn đang ngày càng phong quang, sạch đẹp. Áp lực rác thải nông thôn đã được kiềm chế và giảm thiểu.
 
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác thu gom, xử lý rác thải tại các vùng nông thôn. Về lâu, về dài cần tìm ra bài toán hữu hiệu để rác thải nông thôn không còn là nỗi ám ảnh của người dân.

Văn Dũng

Các tin khác