Thứ Hai, 09/03/2020, 10:43 [GMT+7]

Máy bay không người lái: Sẽ được giám sát, quản lý

10 năm sau khi Nghị định 36 của Chính phủ về quản lý máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ có hiệu lực, Bộ Quốc phòng đang xây dựng Nghị định thay thế theo quy trình thủ tục rút gọn, trình Chính phủ trong quý I/2020.
 
Mối lo lớn của các phi công
 
Theo thông tin từ Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), chỉ trong tháng 2 vừa qua, tại hai sân bay lớn nhất cả nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất, tổ bay các chuyến bay đã 3 lần phát hiện có vật thể bay không người lái. Rất may sự việc được phát hiện kịp thời nên không uy hiếp tới an toàn bay.
 
Bộ GTVT đánh giá hiện nay tại Việt Nam, hoạt động của máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ đang dần trở lên phổ biến, chủ yếu là các thiết bị bay điều khiển từ dưới đất để chụp ảnh, quay phim (fly cam).
 
Theo Bộ GTVT, các phương tiện bay không người lái có đặc điểm gọn nhẹ, dễ vận chuyển, dễ điều khiển, dễ chế tạo, lắp ráp, dễ sử dụng, có thể hoạt động trong các điều kiện môi trường mà con người khó có thể tiếp cận, giá thành rẻ nhưng lại chưa được quản lý chặt chẽ.
 
Cũng bởi sự “buông lỏng”này nên máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ cũng đang bị lạm dụng, trở thành mối đe dọa uy hiếp an ninh, an toàn của hoạt động hàng không dân dụng.
 
Để nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước đối với máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, bảo đảm tuyệt đối quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự và an toàn hàng không, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Quốc phòng khẩn trương chủ trì xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo tăng cường các giải pháp dài hạn trong quản lý đối với máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ để giảm thiểu mức rủi ro trong an toàn, an ninh hàng không dân dụng.
 
Đồng thời, Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu bổ sung hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý vùng trời, quản lý bay. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng điều tra, yêu cầu khai báo đối với các tổ chức, cá nhân sở hữu máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; quản lý các tổ chức, cá nhân có sở hữu máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ thông qua việc khai báo, đăng ký tại các địa bàn; bổ sung, hoàn thiện xác định các hành vi vi phạm và chế tài xử lý hành chính liên quan đến hoạt động của máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.
 
Vi phạm nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
 
Theo dự thảo Nghị định đang được Bộ Quốc phòng xây dựng, các hành vi vi phạm, chế tài xử phạt cũng sẽ được làm rõ, tùy theo mức độ mà có thể bị xử lý hành chính, thu hồi giấy phép, thu hồi phương tiện, cấm bay vĩnh viễn, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
Liên quan đến vấn đề cấp phép, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Sơn cho biết: Theo khuyến cáo của ICAO, căn cứ vào mục đích, kiểu loại và khu vực hoạt động dự kiến của máy bay không người lái, các quốc gia cần quy định cụ thể một hoặc nhiều cơ quan cấp phép bay trên cơ sở có sự phối hợp, hiệp đồng của cơ quan quân sự và hàng không dân dụng.
 
Từ đây, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị xem xét, bổ sung thêm nội dung phối hợp, hiệp đồng giữa cơ quan quân sự với Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, Cảng hàng không liên quan (nếu cần thiết) trước khi cấp phép.
 
Để đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay hàng không dân dụng và quân sự, Cục Hàng không kiến nghị chỉ cho phép máy bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ hoạt động ở các vùng trời không có kiểm soát, vùng trời thiết lập dành riêng cho hoạt động của máy bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ.
 
Cấm các hoạt động của máy bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ hoạt động ở độ cao trên 2.000m. Khi hoạt động trong vùng trời có kiểm soát, các khu vực cấm bay/hạn chế bay, máy bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ phải được cấp phép đặc biệt…
 
.

Nguồn: CAND

.