Thực tế sử dụng xe cho thấy, không nhiều người có thói quen chăm sóc và bảo dưỡng xe định kì. Vậy nên, những chuyến đi xa cũng là một dịp tốt để chủ xe đưa xế yêu vào garage kiểm tra và bảo dưỡng, nhằm khắc phục ngay những nguy cơ trục trặc tiềm ẩn trước khi xe bạn phải hoạt động với cường độ cao trên đường trường.
Căn chụm, cân bằng động bánh xe
Không dễ để bạn có thể cảm thấy sự khác biệt nếu xe bạn bị lệch chụm hay dơ thước lái khi bạn chỉ chạy loanh quanh trong phố nhưng sẽ là khá nghiêm trọng khi chạy hàng trăm km đường trường. Hậu quả của nó là xe chạy bị rung, lắc, mất ổn định lái, gây mòn lốp không đều và quan trọng nhất là gây mất an toàn khi vận hành với tốc độ cao. Đây cũng là quy trình bảo dưỡng xe nên thực hiện định kì sau mỗi 6 tháng.
Cân chụm bằng thiết bị chuyện dụng của Hunter (Mỹ)
Máy tính sẽ thông báo độ lệch chụm giữa các cặp bánh xe của bạn
Bên cạnh việc căn chụm, cân bằng động bánh xe cũng là quy trình cần thiết. Sau một thời gian vận hành, lốp và mâm xe đều có thể bị méo, lệch tâm gây ra hiện tượng "nhún nhẩy" khi lăn bánh, khi chạy tốc độ cao sẽ gây ra hiện tượng bồng bềnh của xe. Cân bằng động bánh xe bằng thiết bị chuyên dụng là cách duy nhất xử lí vấn đề trên. Việc căn chụm và cân bằng động trên máy chuyên dụng cũng sẽ chỉ cho bạn nên đảo vị trí lốp hợp lí để giảm thiểu việc lốp bị mòn không đều, tăng tuổi thọ lốp xe.
Cân bằng động bánh xe trên máy Hunter
Kiểm tra lốp xe
Là bộ phận hao mòn, tiếp xúc trực tiếp với mặt đường, lốp xe đóng vai trò quan trọng trong khả năng vận hành an toàn của xe. Do đó, bạn phải thường xuyên tự kiểm tra tình trạng của lốp xe chứ không nên đợi tới khi đi xa mới "xem xét". Lốp xe tốt phải đảm bảo gai lốp còn đủ dày, không nứt vỡ, rạn "chân chim", không có vết chém cắt và niên hạn dưới 6 năm kể từ ngày sản xuất được ghi trên thành lốp. Lưu ý khi vận hành, lốp phải luôn được bơm đủ hơi theo thông số của nhà sản xuất (thường ghi trên mép cửa bên lái). khi đi trên đường trường, các sự cố về lốp chiếm tới trên 70% số lượng xe gặp trục trặc dọc đường. Nếu thấy lốp đã cũ, tốt nhất bạn nên thay mới trước khi đi xa để đảm bảo an toàn.
Một chiếc lốp xe tốt có nghĩa là một chiếc xe sẽ đi được xa hơn và an toàn hơn
Kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống phanh
Đồng thời với việc cân bằng động bánh xe, kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống phanh là việc làm không thể thiếu. Nếu không thường xuyên bảo dưỡng, hệ thống phanh trên xe bạn có thể bị mòn, bó phanh, giảm áp suất dầu... Bổ sung hoặc thay mới dầu phanh nếu thấy dầu bị biến chất, thay má phanh nếu má đã mòn hoặc bị chai là các thao tác cơ bản khi bảo dưỡng. Trường hợp đĩa phanh bị cong vênh hoặc bề mặt đĩa mòn không đều, bạn nên thực hiện việc láng lại đĩa phanh bằng máy chuyên dụng. Việc láng đĩa phanh sẽ giúp nâng cao hiệu quả của phanh, đảm bảo an toàn vận hành.
Nếu xe trục trặc không đi được, bạn sẽ chỉ mất thời gian. Nhưng nếu chiếc xe hỏng phanh và không dừng được, bạn có thể sẽ mất mạng
"Soi" gầm và hệ thống truyền động
Khi đưa xe vào garage, việc đầu tiên bạn cần làm là kiểm tra gầm, hệ truyền động và hệ thống lái. Trong quá trình vận hành, các bộ phận cao su che chắn cho rô tuyn có thể bị hư hỏng (do lội bùn, lội nước...) dẫn tới việc nước lọt vào trong khớp nối truyền động. Việc này sẽ làm mỡ bôi trơn khớp truyền động bị biến tính, không còn khả năng bôi trơn và chống rỉ. Đây là nguyên nhân chính gây hư hỏng nghiêm trọng tới hệ thống lái và truyền động. Ngoài hệ thống lái và truyền động, việc kiểm tra gầm xe cũng nhằm phát hiện các vấn đề hỏng hóc của hệ thống treo và ống xả mà khi đi trên đường, chúng ta không thể phát hiện ra.
Đưa xe lên cầu nâng để kiểm tra gầm, nơi chúng ta không thường xuyên nhìn thấy hàng ngày
Kiểm tra và xiết lại các bộ phận cao su che chắn
Phát hiện các vấn đề như chảy dầu hệ thống truyền động và thước lái
Nếu để nước lọt vào trong trục truyền động, lớp mỡ bảo vệ sẽ mau chóng biến thành bùn nâu và mất tác dụng
Kiểm tra trong khoang máy
Khoang máy chứa rất nhiều bộ phận quan trọng của xe, nhưng bạn có thể tự kiểm tra bằng mắt đa số các bộ phận mà bạn nhìn thấy trong khoang như bình nước làm mát, dầu trợ lực, dầu phanh, nước rửa kính. Bổ sung ngay nếu thấy mức chất lỏng thấp hơn vạch trung bình trên thân bình chứa.
Với các bộ phận khác như động cơ, dầu máy, bugi, dây cua roa... bạn nên yêu cầu thợ kĩ thuật kiểm tra chúng tại garage để có thể dễ dàng sửa chữa hoặc thay thế nếu cần.
Bình ắc quy cũng là một bộ phận bạn cần quan tâm trước chuyến đi. Tuổi thọ trung bình của 1 bình ắc quy xe hơi thường trong khoảng 1,5 tới 2 năm. Tuy nhiên, nếu phát hiện thấy bình ắc quy có dấu hiệu không bình thường như hao điện, vách bình phồng thì có nghĩa là bạn sẽ phải thay một bình mới. Việc hỏng ắc quy giữa đường cũng có nghĩa là xe bạn sẽ phải nằm đường ít nhất vài tiếng để chờ thợ sửa hoặc cứu hộ tới.
Một chi tiết nhỏ ít người để ý chính là chiếc cần gạt mưa. Hãy chắc chắn rằng nó đang hoạt động êm ái và hiệu quả bởi sẽ rất phiền toái và nguy hiểm khi cần gạt mưa không làm việc tốt trong cơn mưa rào khi bạn đang đi trên đường trường. Hãy thay một lưỡi gạt mới nếu lưỡi cũ bắt đầu xuất hiện tiếng cót két và để lại vệt nướt trên kính sau khi gạt.
Và cuối cùng, dù đã kiểm tra và chuẩn bị rất kĩ cho xế yêu của bạn trước chuyến đi, bạn vẫn không thể chắc chắn 100% rằng xe sẽ không trục trặc trên đường. Hãy lưu ngay vài số điện thoại cứu hộ hoặc của một garage tin cậy để phòng thân.