(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, lượng xe môtô phân khối lớn nhập khẩu về nước ta ngày càng nhiều. Với ưu điểm về kiểu dáng, tính năng vận hành lớn, khả năng tăng tốc nhanh, loại xe này được khá nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, việc quản lý sử dụng, xử lý vi phạm về TTATGT đối với người điều khiển phương tiện này còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
“Cơ chế mở” cho thú chơi môtô phân khối lớn
Ngày 24/10/2013, Bộ GTVT có Thông tư số 38TT-BGTVT, bãi bỏ quy định giới hạn cấp giấy phép lái xe (GPLX) hạng A2. Theo đó, tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên đều có thể thi bằng lái môtô hạng A2 (xe phân khối lớn) và điều khiển xe môtô có dung tích từ 175 cm3 trở lên.
Trước đây, chỉ có 7 đối tượng được phép thi sát hạch và lấy bằng lái xe từ 175 cm3 trở lên, bao gồm: Công an, quân đội, thanh tra giao thông, quản lý thị trường, kiểm lâm, sát hạch viên và vận động viên môtô; mỗi cơ quan cử đi học lấy bằng cũng không quá 2 người.
Một vụ TNGT do xe môtô phân khối lớn gây ra |
Theo đánh giá, từ sau khi Thông tư số 38 có hiệu lực (từ ngày 1/3/2014), số lượng người học bằng A2 tăng lên, số lượng môtô phân khối lớn cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Thậm chí, ở một số tỉnh, thành còn xuất hiện hội những người chơi môtô, trong đó có Nghệ An. Tháng 5/2014, câu lạc bộ (CLB) môtô Thành Vinh chính thức được thành lập tại TP Vinh, với số lượng thành viên ban đầu là gần 40 người.
Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ năm 2014 đến hết tháng 4/2015, đã có 8.682 xe môtô có dung tích xi lanh hơn 175 cm3 được nhập khẩu. Tại Nghệ An, số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng xe môtô phân khối lớn từ 175 cm3 trở lên đăng ký biển số A1 chiếm tỉ lệ rất ít, chưa đến 200 xe. Công tác đào tạo và cấp bằng lái A2 cũng rất “hiu hắt”.
Ông Đinh Văn Nam, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT Nghệ An cho biết: Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có hai trung tâm được cấp phép đào tạo và cấp bằng A2 là Công ty CP vận tải ôtô Nghệ An (Đoàn A) và Trung tâm đào tạo lái xe cơ giới đường bộ số 1 Nghệ An. Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, sau một thời gian triển khai việc đào tạo và cấp bằng A2 cho tất cả mọi đối tượng, đã có hơn 400 người được cấp bằng, trong đó ở Nghệ An có khoảng 300 người, số còn lại là từ các tỉnh, thành khác đến học.
Bất cập trong chế tài xử phạt
Thời gian vừa qua, mặc dù trên địa bàn Nghệ An chưa có vụ việc đáng tiếc nào liên quan đến sử dụng môtô phân khối lớn, song trên cả nước đã xảy ra không ít vụ tai nạn do phương tiện này gây ra.
Theo đại diện của lực lượng CSGT, nguyên nhân của các vụ TNGT do xe môtô phân khối lớn gây ra thì có nhiều nhưng đa phần đều xuất phát từ ý thức của người điều khiển.
Một bộ phận không nhỏ người điều khiển môtô phân khối lớn hiện nay không có giấy phép lái xe, song khi điều khiển loại xe này lại thường chạy với tốc độ cao, thậm chí lạng lách, đánh võng để tạo sự chú ý của người đi đường, gây nên sự phản cảm trong dư luận xã hội. Ngoài ra, giấy khám sức khỏe đối với lái xe hạng A2 chưa phù hợp vì đang áp dụng mẫu chung với hạng A1. Do đó, việc cấp GPLX cho hạng A2 cũng cần xem xét lại.
Trong khi đó, việc xử lý vi phạm liên quan đến TTATGT của những người điều khiển môtô phân khối lớn đang là thách thức không hề nhỏ đối với lực lượng CSGT. Những vi phạm đã được xử lý nghiêm, song phần lớn đều là “phạt nguội”. Ngoài ra, có những hành vi vi phạm như gây tiếng ồn quá quy định đối với xe môtô lại chưa được quy định cụ thể trong nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt vì chưa có thiết bị đo bao nhiêu Decibel (đơn vị đo cường độ âm thanh - P.V).
Hiện nay, xe môtô dung tích từ 175 cm3 trở lên, khi tham gia giao thông cũng chưa được kiểm định phương tiện. Đó là chưa kể đến việc, không ít các thành viên của các CLB môtô phân khối lớn tự cho mình có quyền ưu tiên nên đã chạy xe lấn đường, lấn vạch mà không biết rằng, theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ thì các xe môtô phân khối lớn thuộc các CLB không thuộc quyền ưu tiên.