Ô tô - Xe máy
Toyota đề nghị giảm thuế ôtô
Giảm thuế để tăng dung lượng thị trường
Công ty Ô tô Toyota Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho dòng xe thân thiện môi trường dung tích động cơ dưới 2 lít. Cụ thể, nhà sản xuất Nhật Bản muốn thuế suất đánh vào dòng xe này giảm từ 45% hiện nay xuống còn 30%.
Giảm thuế để tăng dung lượng thị trườngTổng Giám đốc Toyota Việt Nam (TMV) - ông Yoshihisa Maruta thừa nhận giá thành một chiếc xe 4 chỗ tại Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với giá thành sản xuất một chiếc tương tự tại Thái Lan, nguyên nhân chính là do sản lượng của chiếc xe đó tại Việt Nam thấp hơn nhiều, chỉ bằng 1/15.
TMV muốn thuế suất đánh vào dòng xe thân thiện môi trường giảm từ 45% hiện nay xuống còn 30%. |
Khoản chênh lệch chi phí đó của xe sản xuất tại Việt Nam, theo Tổng Giám đốc TMV, bao gồm: chi phí đóng gói, vận chuyển và kho bãi… cho linh kiện nhập khẩu cao (13%), thuế nhập khẩu một số linh kiện CKD cao (3%) và khấu hao lớn (4%).
Ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển rõ ràng là một bất lợi lớn đối với năng lực cạnh tranh của xe ô tô nội. Trong khi phần lớn linh kiện ô tô lắp ráp tại Việt Nam đều phải nhập khẩu từ nước ngoài, làm phát sinh rất nhiều các loại chi phí thì Thái Lan đã nội địa hóa hơn 80% theo giá trị linh kiện. Chưa kể, hầu hết các nhà cung ứng linh kiện đều nằm quanh các nhà sản xuất ô tô, điều này giúp ngành công nghiệp ô tô của quốc gia láng giềng giảm thiểu được rất nhiều chi phí đóng gói, hậu cần.
Ông Yoshihisa Maruta cho rằng, để giảm bớt chênh lệch về chi phí, TMV sẽ từng bước tăng cường nội địa hóa các linh kiện, nhưng điều này được nói là phải đi đôi với việc sản lượng của mỗi mẫu xe gia tăng trong những năm tới. “Nội địa hóa chỉ được thực hiện nếu giảm được chi phí. Điều này phụ thuộc vào sản lượng” – người đứng đầu TMV nói thẳng.
Nếu chi phí sản xuất một linh kiện trong nước thấp hơn chi phí nhập khẩu linh kiện đó từ nước ngoài đã bao gồm thuế nhập khẩu, đóng gói, vận chuyển và kho bãi… thì linh kiện đó sẽ được cân nhắc nội địa hóa, ông này lưu ý thêm.
“Việc cắt giảm chi phí sẽ cần sản lượng đủ lớn cho mỗi mẫu xe. Chúng tôi cần phải lựa chọn và tập trung năng lực sản xuất hiện tại vào 1 hoặc 2 mẫu xe chủ lực để đạt được mức sản lượng cao hơn cho mỗi mẫu xe. Điều đó sẽ giúp chúng tôi nội địa hóa được thêm các linh kiện” – Tổng Giám đốc TMV diễn giải.
Và có vẻ như lựa chọn của nhà sản xuất ô tô Nhật Bản chính là dòng xe thân thiện môi trường khi công ty này chính thức đề nghị Bộ Tài chính giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe này để thúc đẩy thị trường. Định hướng này cũng phù hợp với Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ.
Win – win – win, ba bên cùng thắng
“Đề xuất này là giải pháp cùng thắng win-win-win của Nhà nước – Người tiêu dùng – Doanh nghiệp sản xuất. Về lâu dài, Nhà nước có thể tăng thu ngân sách do sản lượng gia tăng, người tiêu dùng mua xe thân thiện môi trường với giá hợp lý hơn và doanh nghiệp sản xuất có thể giảm chi phí khi nội địa hóa” – ông Yoshihisa Maruta nói.
Cụ thể, TMV muốn thuế suất đánh vào dòng xe thân thiện môi trường giảm từ 45% hiện nay xuống còn 30%. Theo định nghĩa của công ty này, xe thân thiện môi trường là xe có 5 chỗ ngồi, dung tích động cơ dưới 1,5 lít, tiêu chuẩn khí xả Euro 4… Dựa trên dự án được đề xuất, Chính phủ sẽ đánh giá và cấp chứng nhận xe thân thiện môi trường và chỉ những dự án có chứng nhận này khi đi vào sản xuất mới được hưởng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trước đó, như Pháp luật Việt Nam từng đề cập, hồi đầu tháng 4 năm nay, ông Yoshihisa Maruta từng “úp mở” về việc TMV có thể đóng cửa nhà máy tại Việt Nam từ thời điểm năm 2018, khi thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc trong khu vực ASEAN giảm còn 0%. Thông điệp này như một “phép thử” dư luận của TMV, và ngay sau đó đã được “đính chính”.
“Chúng tôi có thể kết luận là hoàn toàn không có việc đó. TMV luôn mong muốn sản xuất tại Việt Nam và hiện đang tìm mọi cách duy trì sản xuất – CEO hãng xe Nhật nói lúc đó – TMV luôn nỗ lực cắt giảm chi phí để tăng tính cạnh tranh, tuy nhiên chỉ mỗi cố gắng của doanh nghiệp thôi chưa đủ. Để công nghiệp ô tô phát triển, cần có 2 điều quan trọng. Thứ nhất là cần có các chính sách hỗ trợ công nghiệp ô tô trong nước cho đến khi thị trường phát triển đến quy mô cần thiết. Thứ hai, đó là những chính sách liên quan đến thị trường ô tô cần ổn định, tránh tăng, giảm đột ngột”.
Nay, với “gói” đề xuất vừa gửi đến Bộ Tài chính, TMV có thể nói đã chính thức đưa ra “yêu sách” của mình. Để giữ chân “người khổng lồ” và cứu vãn giấc mơ về một ngành công nghiệp ô tô nội địa, chắc hẳn Bộ Tài chính và Bộ Công Thương sẽ sớm có phản hồi.
TH