Khoa học - Công Nghệ
Khơi thông nguồn lực phát triển khoa học - công nghệ
(Congannghean.vn)-Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết về phát triển KH&CN giai đoạn 2016 - 2020, định hướng 2025 của BCH Đảng bộ tỉnh, hoạt động KH&CN đã đóng góp thiết thực cho các mục tiêu phát triển KT-XH, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Trong đó phải kể đến sự quan tâm, đầu tư cho công tác đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; ứng dụng KH&CN để phát triển các sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị.
Gian hàng trưng bày sản phẩm trà dược liệu cà gai leo của Công ty Dược liệu Pù Mát, huyện Con Cuông |
Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển KH&CN giai đoạn 2016 - 2020, định hướng năm 2025, hoạt động nghiên cứu KH&CN gắn với ứng dụng đã được quan tâm đẩy mạnh, đặc biệt là việc xác định 6 lĩnh vực ưu tiên đầu tư KH&CN, bao gồm: Nông nghiệp công nghệ cao; y dược; khoa học, xã hội và nhân văn; KH&CN phục vụ phát triển KT-XH các huyện, thành, thị; công nghệ thông tin; môi trường.
Với lĩnh vực nông nghiệp, trên cơ sở lựa chọn các loại cây, con đặc sản, mang tính đặc thù của tỉnh, chương trình 100 sản phẩm đã được tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện tốt, qua đó tạo ra các sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường. Đến nay, trong 100 sản phẩm được lựa chọn, đã có 46 sản phẩm được tác động KH&CN nhiều chiều, hơn 70 sản phẩm được tác động ở một số “mắt xích” trong chuỗi giá trị.
Liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ, trong đó có sở hữu trí tuệ về sáng chế và giải pháp hữu ích sở hữu trí tuệ về thương hiệu; đến nay, toàn tỉnh có 181 doanh nghiệp đăng ký sở hữu công nghiệp, 939 đối tượng được bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng, giải pháp hữu ích và sáng chế. Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ về sở hữu trí tuệ, nhiều sản phẩm ngày càng được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và tin tưởng sử dụng.
Cũng trong thời gian qua, Nghệ An đã quan tâm đầu tư hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo động lực, nền tảng cần thiết cho nhiều tổ chức, cá nhân bắt tay khởi nghiệp, đồng thời thu hút các nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp tiếp sức cho các dự án khởi nghiệp KH&CN phát triển… Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nghệ An được tổ chức trong năm qua đã trao giải cho 10 dự án khởi nghiệp xuất sắc. Trong đó, có 8 dự án khởi nghiệp được các nhà đầu tư ký kết hợp tác hỗ trợ đầu tư dưới nhiều hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và mở rộng dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Cũng trong thời gian qua, việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong công tác bảo tồn, khai thác và phát triển những nguồn gen quý hiếm mang lại giá trị kinh tế ở vùng miền Tây Nghệ An cũng được chú trọng. Đơn cử như các sản phẩm sâm Puxailaileng, trà hoa vàng, đẳng sâm, lan kim tuyến, hà thủ ô đỏ…; qua đó tạo dựng nền tảng để triển khai chương trình phát triển dược liệu và công nghiệp dược.
Bên cạnh những kết quả quan trọng nói trên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 vẫn còn một số hạn chế như: Nguồn lực đầu tư cho phát triển KH&CN chưa đáp ứng yêu cầu, sản phẩm hình thành chuỗi giá trị để tạo ra hàng hóa có quy mô lớn chưa nhiều. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp chủ yếu chỉ đạt mức trung bình và thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.
Để khắc phục những tồn tại trên, theo ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở KH&CN: Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu gắn với ứng dụng KH&CN với việc tăng cường mối liên kết giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp. Cùng với đó, sử dụng các nguồn lực từ các chương trình KH&CN để thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; từ đó tăng cường nguồn lực xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực này. Qua đó, góp phần tăng nhanh tỉ trọng đóng góp của KH&CN vào phát triển KT-XH, để KH&CN thực sự là động lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá, góp phần nâng cao chất lượng sống của nhân dân, đảm bảo sự phát triển và hội nhập bền vững.
Thùy Dương