(Congannghean.vn)-Cùng với sự bùng nổ của khoa học công nghệ và thông tin truyền thông, phương thức tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông hiện đại đã có những thay đổi, phát triển vượt bậc so với trước đây. Ngày nay, chỉ cần sở hữu trong tay một chiếc smartphone được kết nối internet, người làm báo có thể thao tác thành công một phóng sự, tin, ảnh chuyển ngay về tòa soạn mà không cần bất cứ phương tiện hỗ trợ nào khác!
Smartphone đã và đang làm thay đổi phương thức tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông hiện đại |
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ kỹ thuật số, internet đã và đang tác động sâu sắc đến phương thức tác nghiệp của tất cả các loại hình báo chí (truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử) trên cả nước. Đặc biệt, với sự ra đời của các thiết bị di động, những màn hình tương tác trở thành phương tiện tác nghiệp nhanh chóng, tiện ích đến bất ngờ; chỉ cần một cú nhấp chuột là thông tin đã có thể được truyền tải một cách nhanh nhất đến tòa soạn, độc giả.
Trước đây, mỗi khi tiếp cận thông tin, sự việc, phóng viên làm báo in chụp ảnh, viết tin, sau đó phải dùng thủ thuật cắt phim để rửa từng bức ảnh rồi kèm vào bài viết và nộp bài về tòa soạn. Chỉ chừng ấy công đoạn cũng đủ biết mất rất nhiều thời gian cho một tin, ảnh. Chưa nói đến việc, chỉ cần “cháy phim” thì coi như tin, bài đã mất đi một nửa tính thời sự, tính báo chí.
Nhà báo M.T. cho biết, trước đây đang sử dụng máy ảnh chụp bằng phim (máy cơ), không phải máy ảnh kỹ thuật số như bây giờ, việc chụp ảnh khá khó khăn đối với người mới vào nghề, nó đòi hỏi người chụp phải nắm vững kỹ năng thao tác trên máy. Mỗi cuộn phim, nếu người chụp tốt thì được khoảng 36 kiểu ảnh nhưng nếu chụp kém có thể ít hơn, thậm chí có khi “đen lên” cháy cả cuộn phim thì không được tấm ảnh nào. Sau khi chụp ảnh một sự việc, để kịp đưa tin và tiết kiệm phim phải sử dụng thủ thuật cắt đoạn phim đã chụp trong phòng tối đem đi rửa ảnh, phần còn lại cho vào máy ảnh để chụp tiếp. Khi đã có ảnh, lúc đó mới kèm ảnh vào tin bài gửi về tòa soạn. Tin, bài thời kỳ đó cũng viết tay, sau lên tòa soạn biên tập, đánh máy lại!
Tương tự, với cách làm báo truyền hình, nhà báo B.T. cho hay, trước đây sử dụng máy quay băng (máy cơ), khi quay xong một tin, phóng sự phải sử dụng thủ thuật “nạp băng” để xử lý, do đó mất khá nhiều thời gian. Ngoài ra, việc truyền tin, phóng sự từ đài địa phương lên đài tỉnh cũng đã mất hàng giờ, thậm chí hàng ngày do phải gửi qua xe ôtô hoặc bưu điện. Trong khi đó, việc quay phim bằng máy kỹ thuật số hiện nay tiện dụng hơn rất nhiều, hình ảnh sắc nét, chân thực và dễ dàng thao tác cho người dùng. Sau khi quay xong tin, phóng sự chỉ cần coppy các trường đoạn trong thẻ nhớ cho vào bàn dựng chuyên dụng biên tập lại, xuất bản là cơ bản hoàn thành công việc.
Những chia sẻ trên cho thấy, phương thức tác nghiệp báo chí trước đây chiếm khá nhiều thời gian trong khi sản xuất tin, bài, videos, clips... Đối với việc sử dụng máy cơ, dù muốn hay không buộc phóng viên phải trải qua tất cả các công đoạn nói trên.
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, thiết bị phục vụ cho công tác làm báo đã trở nên đa dạng, tiện dụng đối với cả những người lần đầu tiên sử dụng. Máy ảnh, máy quay phim... hiện nay đều có chế độ chụp ảnh tự động, lấy nét tự động, cân chỉnh màu tự động... Tất cả đã hỗ trợ tối đa cho người làm báo trong môi trường truyền thông hiện đại. Hiện nay, chỉ cần trong tay có một chiếc smartphone (điện thoại thông minh) kết nối internet, người làm báo có thể thao tác thành công một sự việc, tin bài viết chuyển ngay về tòa soạn mà không cần bất cứ phương tiện hỗ trợ nào khác! Bởi, hầu hết điện thoại thông minh đều tích hợp chức năng chụp ảnh, quay phim, ghi âm, chỉnh sửa ảnh, biên tập phim... Những chiếc smartphone đời mới thì các chức năng trên càng được nâng cấp cao hơn nhiều lần.
Nhà báo M.H. là người thường xuyên sử dụng smartphone khi tác nghiệp báo chí cho biết, những chiếc smartphone đời mới hiện nay có rất nhiều tính năng thông dụng, hỗ trợ tối đa cho việc làm báo. Nhà báo M.H. lấy ví dụ, khi xảy ra một vụ cháy nào đó, phóng viên tiếp cận hiện trường, chụp ảnh, phỏng vấn sau đó đưa ngay thông tin ban đầu cho báo điện tử, bằng cách gõ thông tin nội dung vào máy điện thoại ở mục “ghi nhớ”, sau đó copy bản ghi nhớ rồi gửi tin bài về tòa soạn hoặc kết nối internet cho smartphone, gõ trực tiếp nội dung vào gmail sau đó chèn ảnh, clips gửi về tòa soạn. Với cách thức tác nghiệp như trên, thông tin sự việc kịp thời đến với độc giả chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn. Ngoài ra, hiện nay một số báo điện tử có lượng độc giả truy cập lớn, khi xảy ra sự việc, người ta sử dụng cả hình thức livestream (phát sóng trực tiếp) để độc giả được tiếp cận sự việc theo đúng thời gian thực...
Ngày nay, chỉ cần sở hữu trong tay chiếc smartphone kết nối internet là thoải mái tác nghiệp |
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cơ bản như trên, hiện nay, trong môi trường truyền thông hiện đại, tác nghiệp báo chí cũng đang phải chạy đua với mạng xã hội. Mỗi thông tin sự việc diễn ra đều được mạng xã hội đưa tin, đặc biệt với những thông tin “độc, lạ” thu hút tính tò mò của độc giả thì lượng “chia sẻ” lan nhanh với tốc độ chóng mặt, không kiểm soát! Lấy ví dụ như mạng xã hội facebook ở nước ta hiện nay, khi một sự việc được dư luận quan tâm, lập tức thông tin lan truyền với tốc độ như vũ bão. Mỗi chủ tài khoản facebook được ví như một “biên tập viên” của một tòa soạn thu nhỏ, họ có quyền đăng tin, tán phát hình ảnh, clips liên quan đến sự việc mà không cần sự cho phép hay kiểm duyệt nào khác...
Song đối với người làm báo chuyên nghiệp, thông tin mạng xã hội chỉ là một kênh tham khảo, qua đó để phóng viên, nhà báo có thể nắm bắt sự việc một cách nhanh nhất. Các nhà báo khi khai thác thông tin trên mạng xã hội cần sáng suốt, có kiểm định thông tin rõ ràng trước khi sử dụng chúng. Bên cạnh đó, mỗi nhà báo cũng cần tỉnh táo trước những thông tin thất thiệt, nói xấu chế độ, kích động chống phá chính quyền, đi ngược lại với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có thể do những phần tử phản động tìm cách đăng tải và lan truyền trên mạng xã hội.
Có thể khẳng định, sự xuất hiện thời đại truyền thông hội tụ không làm thay đổi bản chất của báo chí, mà báo chí vẫn cần sự tìm tòi phát hiện và khai thác của nhà báo chuyên nghiệp, vẫn cần sự gia công “gạn đục khơi trong” trong khâu biên tập và xuất bản, vẫn phải thông qua phương tiện truyền thông để đưa sản phẩm báo chí tới công chúng. Tuy nhiên, với sự bùng nổ thông tin như hiện nay và sự thay đổi của nó là tốc độ truyền phát thông tin, phương thức tiếp nhận thông tin, đòi hỏi người làm báo hiện đại phải cập nhật thường xuyên phương thức tác nghiệp hiện đại, đáp ứng nhu cầu nghe nhìn của độc giả một cách nhanh nhất, chính xác nhất.