Khoa học - Công Nghệ

Thấy gì qua kỳ thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông?

08:51, 20/12/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Từ năm học 2012, Bộ Giáo dục Đào tạo ra thông tư hướng dẫn tổ chức kỳ thi sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh phổ thông. Sau 6 năm thực hiện, không thể thống kê đã có bao nhiêu dự án, công trình ra đời mà chỉ biết rằng nó rất tốn kém, lãng phí và cũng không biết chính xác công trình, dự án đó thực sự là của ai? Đây là một sự hoài nghi không phải không có cơ sở.

Liệu những công trình như thế này có phải ý tưởng sáng tạo của học sinh THCS?
Liệu những công trình như thế này có phải ý tưởng sáng tạo của học sinh THCS?

Cứ nhìn vào một số công trình “rất quy mô, đồ sộ” như thế, e rằng học sinh cấp THCS chưa đủ khả năng để “sáng tạo”. Nhìn cách thuyết trình và “ứng phó” với những câu hỏi phản biện của ban giám khảo là biết ngay sản phẩm không phải của các em lứa tuổi 13, 14 (thậm chí thầy cô còn tham gia trợ giúp các em trả lời câu hỏi từ ban giám khảo). Nhiều giáo viên thừa nhận công trình là do mình “sáng tạo” chứ không phải của học sinh, nhưng vì thành tích của nhà trường nên phải làm.

Rất nhiều người khi tham gia thi sáng tạo KHKT đã hoài nghi về tính chân thực của nó vì học sinh THCS vừa mới làm quen các môn khoa học tự nhiên và xã hội, nhớ kiến thức và thuộc bài đã khó thì làm sao có thể nghĩ ý tưởng khoa học? Rồi học chính khóa, học chuyên đề, học thêm, học đội tuyển và các kỳ thi quanh năm suốt tháng, nhất là các em có học lực khá giỏi cố gắng thi đỗ vào trường chuyên, lớp chọn, còn đâu thời gian rảnh rỗi để có ý tưởng mới lạ?

Và nếu có thì các em cũng khai thác ý tưởng từ gia đình, người thân; từ thứ nhìn thấy ở đâu đó hoặc từ ý tưởng có sẵn (ví dụ như máy tách ngô, máy ấp trứng mini, máy hút khói gia đình…). Liệu học sinh THCS có thể nghiên cứu thành công “Robot quét rác điều khiển từ xa” hay “Robot ngư dân”; học sinh THPT nghiên cứu “Điều chế kháng nguyên tử độc tố vi tảo Domoic Acid” không?… (là những dự án KHKT được Ban giám khảo trao giải cao nhất tại kỳ thi lần thứ III tại tỉnh Bắc Ninh).

Bên cạnh đó, không ít công trình được học sinh và thầy cô sao chép nguyên bản hoặc “ăn cắp” ý tưởng từ youtube để đánh lừa ban giám khảo, vì trong thời gian 1 ngày ban giám khảo không thể kiểm tra hết gần 100 dự án. Cá biệt có trường còn đi mượn sản phẩm của đơn vị khác về chấm để lấy điểm thi đua cho nhà trường.

Để có 1 dự án sáng tạo KHKT tham gia dự thi, mỗi trường bỏ ra khoản chi phí không hề nhỏ, từ làm dự án, trả công, thưởng cho người dự thi và người hướng dẫn đến thuê phương tiện chở, đội ngũ hậu cần, cổ động viên đi theo… Đáng buồn hơn là có những trường không có ngân sách đầu tư cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém nhưng vẫn phải đầu tư cho sáng tạo KHKT vì… sẽ cộng điểm thi đua cuối năm của trường.

Hiện chưa có số liệu thống kê về hiệu quả cũng như chi phí cho thi sáng tạo KHKT, chỉ biết là sau khi thi xong, hàng trăm, hàng nghìn dự án, công trình quy mô, tốn kém phải cất vào kho. Đó là thực tế rất đáng buồn. Nếu làm phép tính đơn giản là 1 trường có 2 sản phẩm dự thi (theo quy định), trung bình mỗi huyện có 70 dự án (2 cấp THCS và THPT) thì chi phí khen thưởng, đi lại, ăn uống, trả công lên đến cả tỉ đồng. Đó là chưa kể chi phí nếu lọt vào vòng 2, vòng 3, trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị nhiều địa phương chưa đảm bảo cho yêu cầu dạy học.

Không thể phủ nhận tài năng của học sinh Việt Nam cũng như sáng tạo KHKT là sân chơi bổ ích cho học sinh nhằm phát hiện tài năng và những công trình có tính ứng dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, nếu cứ áp đặt điểm thi đua cho nhà trường thì vô hình chung sẽ ép tất cả các trường phải có sản phẩm dự thi, gây lãng phí một khoản tiền rất lớn mà không thu được hiệu quả tương ứng.

Thiết nghĩ, thay vì cộng điểm thi đua cho các trường, chỉ nên khuyến khích học sinh tự nguyện tham gia sáng tạo KHKT, đồng thời có cơ chế khen thưởng tương xứng để kỳ thi sáng tạo KHKT có ý nghĩa. Làm như thế sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc cho giáo viên, học sinh và nhà trường. Bên cạnh đó, nên có hình thức kỷ luật nghiêm đối với những dự án, công trình sao chép, ăn cắp ý tưởng hoặc thuê, mua, mượn từ đơn vị khác. Sự thật về kỳ thi sáng tạo KHKT nhiều người biết nhưng có lẽ không ai trả lời được tác giả đích thực những công trình, dự án kia là của ai? Cũng giống như phong trào làm sáng kiến kinh nghiệm, thi giáo viên dạy giỏi, thi sáng tạo KHKT có thể xem là “căn bệnh” thành tích trong giáo dục hiện nay.

Nguyễn Văn Thọ

Các tin khác