Khoa học - Công Nghệ
Sử dụng công nghệ quét khuôn mặt người mua sắm để nhận diện tội phạm
09:01, 25/12/2018 (GMT+7)
Công nghệ nhận dạng khuôn mặt tiếp tục được lực lượng cảnh sát Anh sử dụng bất chấp cảnh báo về tỷ lệ lỗi cao. Trong thử nghiệm mới nhất, công nghệ này đang được sử dụng để quét khuôn mặt những người mua sắm mùa Giáng sinh tại thủ đô London. Cảnh sát hy vọng việc này sẽ giúp tìm ra được tội phạm.
Đây là lần thứ 7, cảnh sát thủ đô London thử nghiệm hiệu quả của công nghệ nhận diện khuôn mặt trước công chúng. Công nghệ này trước đây đã được sử dụng tại các sự kiện lớn, bao gồm Notting Hill Carnival vào năm 2016 và 2017, và các ngày tưởng niệm vào năm ngoái…
Năm nay, công nghệ này được sử dụng vào thứ Hai và thứ Ba hàng tuần trong tháng 12, tại Soho, Piccadilly Circus, Leicester Square và các khu vực mua sắm lớn ở trung tâm thành phố. Camera được gắn cố định vào cột đèn hoặc được triển khai trên xe tải và sử dụng phần mềm do công ty NEC của Nhật Bản phát triển để đo cấu trúc các khuôn mặt người mua sắm đi qua khu vực này.
Sau khi quét, hình ảnh có được từ camera sẽ tự động tập hợp và đưa về trung tâm dữ liệu để so sánh với cơ sở thông tin về tội phạm của cảnh sát. Đại diện lực lượng cảnh sát Anh cho biết, việc so sánh thông qua phần mềm nếu phát hiện nghi vấn sẽ báo ngay cho các nhân viên cảnh sát kiểm tra trực tiếp hoặc có biện pháp ngăn chặn nghi phạm.
Để công chúng ủng hộ và hỗ trợ lúc cần thiết, cảnh sát London cũng đã sử dụng áp phích, poster quảng cáo để thông báo cho công chúng rằng, khuôn mặt của họ có thể bị quét khi đi bộ qua một số khu vực nhất định tại các trung tâm mua sắm. Bất kỳ ai từ chối hoặc tránh việc bị quét đều bị xem là "đáng ngờ".
Ngay sau khi thông tin này được cảnh sát London cho công bố rộng rãi, những người ủng hộ quyền riêng tư đã chống đội mạnh mẽ. Tổ chức Big Brother Watch đã mô tả việc cảnh sát London sử dụng nhận dạng khuôn mặt là hành động "sai lệch, bất tài và độc đoán".
Big Brother Watch đã huy động 6.685 bảng Anh (8.440 USD), để thực thi chiến dịch pháp lý chống lại việc triển khai máy quét. Tổ chức này còn sử dụng luật Tự do Thông tin Anh để lấy số liệu của cảnh sát, cho thấy con số 98% lần quét trùng khớp mà máy báo từ tháng 5 đến giờ là không chính xác.
Những cá nhân, tổ chức phản đối khác thì lưu ý rằng cảnh sát không giới hạn trong việc tìm kiếm tội phạm truy nã, mà còn đưa cái gọi là "cá nhân cố định" vào danh sách theo dõi của họ (thường điều này có nghĩa là những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể bị ám ảnh bởi một số nhân vật nào đó).
Được biết, trước khi đưa ra thử nghiệm công nghệ nhận diện khuôn mặt ở London, cảnh sát Anh đã yêu cầu cảnh sát tại khu vực miền Nam xứ Wales thử nghiệm. Nơi này đã ghi nhận hơn 91% kết quả từ công nghệ nhận diện khuôn mặt là không chính xác, mặc dù họ được tài trợ 4,7 triệu USD để nghiên cứu, triển khai hệ thống. Tính hiệu quả của hệ thống này cũng được cho là vô cùng thấp, khi với hơn 2.400 kết quả được ghi nhận từ tháng 5-2017 cho tới tháng 3-2018, cảnh sát chỉ tiến hành bắt giữ được 15 nghi phạm.
Nhưng bất chấp những lo lắng về tỷ lệ lỗi cao, công nghệ nhận diện khuôn mặt vẫn đang được sử dụng ở nhiều quốc gia. Mỹ, Singapore, Australia cũng đã đưa công nghệ này vào khu vực sân bay và trạm kiểm soát biên giới để kiểm soát dòng người đến và đi. Từ tháng 11, Cơ quan mật vụ Mỹ còn thử nghiệm chương trình này ở khu vực quanh Nhà Trắng sau khi xảy ra hàng loạt vụ đột nhập bất hợp pháp vào nơi đây.
Nguồn: CAND